Nhớ Dư

Thứ năm, 21/06/2018, 12:25 PM

Dư đã sống một cuộc đời trọn vẹn, trách nhiệm với chính mình, với gia đình và xã hội. Với nghề báo, Dư cũng tròn trách nhiệm và tình yêu với từng thông tin, từng tấm ảnh, con chữ…

nho-du
Nhà báo Đinh Hữu Dư

Tôi không có may mắn được gần gũi với em, thậm chí chưa một lần gặp mặt. Tất cả những gì tôi biết về em là những bức ảnh mưa lũ, thiên tai hay sự cố ở các tỉnh miền núi phía Bắc mà em đã rất rộng lòng chia sẻ.

Mấy năm trước, tôi là một BTV mảng thời sự - đời sống. Tòa soạn tôi lúc đó không có phóng viên thường trú ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, trong khi đây lại là một địa bàn có nhiều thông tin nóng, đặc biệt là những thông tin về thiên tai, lũ quét…

Tháng 8/2017, Mù Cang Chải bị lũ, thiệt hại nặng nề. Tôi hỏi vòng quanh đồng nghiệp để “xin” ảnh cho tin bài lên trang. Lúc ấy, cũng có một vài báo cử PV lên, nhưng sớm nhất, thâm nhập sâu nhất, có lẽ chính là Đinh Hữu Dư. Và tôi cũng mới chỉ biết Dư từ ấy.

Đinh Hữu Dư là phóng viên thường trú của TTXVN tại Yên Bái. Mãi sau này tôi mới biết, Dư có hoàn cảnh khá đặc biệt. Lớn lên trong điều kiện khó khăn, nhưng Dư sống trong lành như nước suối nguồn; bản thân phải luôn nỗ lực không ngừng nhưng Dư vẫn yêu thương con người, yêu thương cuộc đời bằng trái tim ấm áp và sẻ chia.

Tháng 10, Dư đi tác nghiệp về tình hình mưa lũ ở Cầu Thia (Nghĩa Lộ, Yên Bái) rồi bất ngờ bị lũ cuốn trôi. Những tấm ảnh cuối cùng tôi xin dùng của em, lúc ấy vừa lên trang, còn chưa kịp chấm nhuận …

Dư đi rồi tôi mới biết, em có rất nhiều dự định dang dở. Dư chịu khó, yêu công việc, không ngại bất cứ khó khăn nào. Lành lẽ, Dư làm nghề thuần chất một nhà báo Cách mạng “tâm sáng, lòng trong”. Em chắt chiu từng đồng lương, nhuận; tiết kiệm từng bữa ăn sáng; không ngần ngại đi xin từng cuốn sách cũ để lo cho bà, cho cháu và bọn trẻ nghèo ở Mù Cang Chải. Dư mơ sẽ lập được hẳn một tủ sách cho lũ trẻ nghèo.

Khi Dư đi rồi, bạn bè tìm được cả nghìn cuốn sách em đã gom góp mỗi lần về Hà Nội. TTXVN nơi em công tác đã viết tiếp ước mơ của em. Gần một năm em đi, nhiều “Tủ sách Đinh Hữu Dư” đã được lập ở các địa phương khó khăn, vùng cao, vùng sâu; hiện thực hóa công việc đưa sách đến cho học sinh nghèo vùng cao mà em đang làm dang dở.

Bạn bè, đồng nghiệp của Dư cũng kề vai góp sức để thay em chăm sóc bà, chăm sóc hai cháu đang còn thơ dại.

Dư đã sống một cuộc đời trọn vẹn, trách nhiệm với chính mình, với gia đình và xã hội. Với nghề báo, Dư cũng tròn trách nhiệm và tình yêu với từng thông tin, từng tấm ảnh, con chữ…

21/6 năm nay, giữa khi vui mừng chào đón kỷ niệm 93 năm báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi nhớ đến Dư. Trong số 18.000 nhà báo được cấp thẻ như chúng tôi và cả nhiều bạn trẻ còn đang chập chững vào nghề, cũng có rất nhiều người như Dư: Tử tế, dũng cảm, sẵn sàng lao vào mọi điểm nóng, dấn thân không ngừng nghỉ vì cộng đồng.

Nhớ Dư, tôi hiểu, nghề của chúng tôi là phải đi, phải đến bất cứ nơi nào bạn đọc cần thông tin. Đôi khi, chúng tôi phải chấp nhận lao vào hiểm nguy, như chúng tôi thường nói vui với nhau “người mà ở đâu tất cả chạy ra lại chạy vào - thì đó chắc chắn là nhà báo”.

Bởi thế, nhớ Dư, là tôi tin rằng hành trình của Đinh Hữu Dư sẽ còn được tiếp nối bởi những người làm báo chân chính, bởi vì với những người như Dư, như chúng tôi, dấn thân vào nghề báo là đã xác định trách nhiệm của mình theo lời Bác Hồ dạy “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”, làm cho cuộc sống đẹp đẽ hơn!

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kiên quyết không để tình trạng báo chí giật tít giật gân, kích động

Trong bài phát biểu chào mừng Kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Kiên quyết không để tình trạng báo chí giật tít giật gân, kích động

 

Tin tuyển sinh 2018 (18/4): Nhiều thí sinh sẽ được tuyển thẳng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Nhiều thí sinh sẽ được tuyển thẳng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm tên những trường có điểm tuyển sinh khối C cao nhất năm 2017 là những thông tin tuyển sinh đáng chú ý trong ngày 18/4.