Những ai thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm?

Thứ hai, 10/09/2018, 16:19 PM

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bàn kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, trong đó có các bộ trưởng.

nhung-ai-thuoc-dien-quoc-hoi-lay-phieu-tin-nhiem
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.

Cuối phiên khai mạc phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng ngày 10/9, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kế hoạch tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6.

Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ dành 1 ngày để lấy phiếu tín nhiệm.Trước đó, ở phiên họp thứ 25, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị sắp xếp chương trình làm việc để Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước khi các bộ trưởng trả lời chất vấn, tránh sự bất lợi cho những bộ trưởng được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp này. Đây cũng là kinh nghiệm mà các nhiệm kỳ trước đã thực hiện.

Được biết, việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 tới thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13. Theo quy định chức danh nào do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tính đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm chưa đủ 9 tháng thì không lấy phiếu tín nhiệm.

Như vậy, chiếu theo quy định, tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ hợp Quốc hội sắp tới là 49 người.

Đáng chú ý trong danh sách trong kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần này là trường hợp ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Đây là hai thành viên Chính phủ không được Quốc hội phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV mà được phê chuẩn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2017). Vì thế đây là kỳ đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên đối với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Theo Nghị quyết số 85/2014/QH13, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối các chức danh:

- Chủ tịch, Phó chủ tịch nước;

- Chủ tịch, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

- Thủ tướng, Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức.

Nếu từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.