Chủ nhật, 20/05/2018, 21:08 PM
  • Click để copy

Sáu điều lạ lùng trong phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương

Hôm nay 21/5, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo Nguyễn Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc trong sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong 4 ngày xét xử vừa qua, đã xuất hiện những điều lạ lùng từ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, từ điều tra viên và từ chính Hội đồng xét xử.

ngay-thu-3-phien-toa-xu-vu-chay-than-8-nguoi-chet-o-hoa-binh-luat-su-hua-tung-bang-chung-soc
Ba bị cáo Hoàng Công Lương, Trần Văn Sơn, Bùi Mạnh Quốc (hàng đầu từ trái qua phải).

Từ ngày 15 -18/5 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo bác sĩ Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo Trần Văn Sơn (Phòng Vật tư y tế BV) và bị cáo Bùi Mạnh Quốc (GĐ Cty Trâm Anh) trong vụ án chạy thận xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình hôm 29/5/2017.

Trước ngày diễn ra phiên tòa, Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển đơn kiến nghị của bác sĩ Hoàng Công Lương cùng ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị TAND tỉnh Hoà Bình chỉ đạo, xem xét, giải quyết theo quy định, đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội. Đó cũng là mong muốn của đông đảo người dân và dư luận.

Thế nhưng qua 4 ngày xử án, ấn tượng lớn nhất mà phiên tòa để lại là có thêm những điều lạ lùng, khó hiểu.

Các nhân chứng, người liên quan đồng loạt đổ bệnh, “mất tích”

Điều lạ lùng đầu tiên khiến ngay cả các luật sư tham gia phiên tòa cũng phải “thở dài” là việc các nhân chứng, người liên quan trong vụ án đã cùng nhau “mất tích” dần sau từng ngày xử án. Nhân vật đầu tiên là ông Trương Qúy Dương, cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Mặc dù được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án nhưng từ trước phiên xét xử một tháng (3/4-PV), ông này đã xuất cảnh sang Ca-na-đa xa xôi để chăm sóc cháu ngoại.

Ông Dương đã ủy quyền cho ông Đỗ Quốc Quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa. Thế nhưng sau ngày đầu tiên có mặt tại phiên tòa, người ủy quyền của ông Dương lại bất ngờ có đơn xin vắng mặt với lý do bất cẩn bị ngộ độc thức ăn gây bất tiện trong sinh hoạt cá nhân, không thể đến phiên tòa. 

truc-tiep-xet-xu-vu-bac-si-hoang-cong-luong-ngay-165-tiep-tuc-xet-hoi-pho-giam-doc-benh-vien-tinh-hoa-binh
Ông Đỗ Quốc Quyền (áo kẻ vuông) người đại diện cho cựu giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình Trương Qúy Dương xuất hiện trong ngày xử án đầu tiên, sau đó "mất tích".

Tiếp theo là sự vắng mặt liên tục cả 4 ngày của ông Trần Văn Thắng (Trưởng Phòng vật tư y tế BVĐK tỉnh Hòa Bình). Được biết, lý do ông này đưa ra là sức khỏe không đảm bảo để dự tòa, nên xin vắng mặt, giữ nguyên sự việc như đã trình bày.

Kế đến là sự vắng mặt của ông Hoàng Đình Khiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau những ngày đầu có mặt, từ ngày 17/5, ông Khiếu cũng bỗng dưng cáo ốm, xin xử vắng mặt.

Một người nữa “đổ bệnh” đúng lúc là ông Đinh Tiến Công – Điều dưỡng trưởng khoa HSTC. Ông Công xác nhận ông là thư ký tại các cuộc họp cuối năm 2015, 2016 có ghi nội dung phân công công tác cho bác sĩ Hoàng Công Lương.

Trong buổi sáng 18/5, luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương cho biết sẽ chứng minh ông Đinh Tiến Công ghi thêm nhiệm vụ vào sổ giao ban cho bác sĩ thì đến buổi chiều ông Công “mất tích”, có đơn xin xét xử vắng mặt cũng vì lý do ...sức khỏe.

Cuối cùng là sự vắng mặt của hai đồng nghiệp là bác sĩ cùng làm việc tại Đơn nguyên thận nhân tạo với bác sĩ Lương là bác sĩ Huyền và bác sĩ Linh. Hai người này cùng khai bác sĩ Lương chỉ đạo ra y lệnh lọc máu ngày xảy ra sự cố. Tuy nhiên, bị cáo Hoàng Công Lương phủ nhận những lời khai này.

Sự vắng mặt hàng loạt này khiến luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bác sĩ Lương phải thốt lên: “Nếu họ không đến thì chúng tôi không biết hỏi ai, không thể tiếp tục xét xử…”

Đồng loạt không cho báo chí ghi âm, ghi hình

Một điểm lạ khác cũng khiến nhiều người dân theo dõi phiên tòa phải “bật cười” đặt câu hỏi là việc mặc dù đây là phiên tòa công khai nhưng khi trả lời luật sư cũng như HĐXX, đại diện Công ty Thiên Sơn và cả điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa đều yêu cầu báo chí không ghi âm, chụp hình. Phải chăng họ sợ lên báo “ảnh mình không đẹp, giọng nói không trong?”

Không cho chuyên gia tham gia tố tụng chỉ sau 1 đêm 

undefined
Phiên tòa xét xử Hoàng Công Lương cùng hai bị cáo vụ chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình có nhiều điều lạ.

Điểm lạ tiếp theo đến từ chính Hội đồng xét xử. Tại phiên tòa này sáng 17/5, HĐXX bất ngờ từ chối không cho bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh (BV Thủ Đức TP HCM) tham gia tố tụng với tư cách chuyên gia. Quyết định này gây bất ngờ cho những người tham dự phiên tòa, bởi chiều 17/5 bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh vẫn được tòa chấp nhận để trả lời các vấn đề về chuyên môn. Như vậy, chỉ sau một đêm, HĐXX đã đổi ý.

Theo luật sư Nguyễn Văn Chiến, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương,  sự có mặt của chuyên gia Thịnh là để làm rõ các vấn đề chuyên môn có liên quan đến vụ án. Bên cạnh đó, ngay đầu phiên xử, HĐXX cũng không chấp nhận triệu tập đại diện Bộ Y tế, hội đồng chuyên môn và Sở y tế.

Luật sư Chiến nhận định rằng việc không có ý kiến chuyên gia thì nguyên nhân vụ việc sẽ chưa được làm rõ đầy đủ, điều đó cũng khiến "cánh cửa đòi công lý cho bác sĩ Hoàng Công Lương bị hẹp lại".

Cơ quan điều tra có mớm cung hay không?

dieu-tra-vien-bui-tuan-nghia
Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa tại tòa - một ngày trước khi ông yêu cầu báo chí không ghi âm, ghi hình.

Đây là một trong những tình tiết rất được dư luận quan tâm. Trong quá trình xét xử, bị cáo Hoàng Công Lương đã khai rằng trong quá trình làm việc tại cơ quan điều tra, anh được điều tra viên cho xem lời khai của PGĐ kiêm Trưởng khoa HSTC. Bác sĩ Lương đã dựa vào đó để khai liên quan đến việc phân công nhiệm vụ tại Đơn nguyên thận.

Ngoài Lương thì điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp cũng nói đã được điều tra viên cho xem cuốn sổ giao ban cuối năm 2015 bằng bản ảnh, để từ đó nữ điều dưỡng viên này khai bác sĩ Hoàng Công Lương được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.

Tuy nhiên, khi trả lời luật sư về lời khai của Lương, điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa cho hay, quá trình hỏi cung hoàn toàn đúng trình tự pháp luật và khách quan. Việc "lời khai sinh đôi", giống nhau chỉ là ngẫu nhiên.

Không truy cứu trách nhiệm hình sự công ty Thiên Sơn

Một vấn đề mới được luật sư đưa ra là việc tại sao cơ quan điều tra không truy tố hình sự đối với công ty Thiên Sơn, doanh nghiệp có hợp đồng sửa chữa máy lọc thận với Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.

Tại phiên tòa chiều 17/5, luật sư đặt câu hỏi: “Ngày 8/1/2018, Công an tỉnh Hòa Bình có gửi một công văn sang Sở KHĐT tỉnh Hòa Bình, trong đó có ý kiến khẳng định việc chuyển nhượng thầu 100% giữa Công ty Thiên Sơn sang cho Công ty xử lý nước Trâm Anh đã vi phạm quy định của luật đấu thầu. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình chỉ có kiến nghị tới Sở KHĐT cấm đấu thầu với Công ty Thiên Sơn, còn về xử lý hình sự thì chưa đủ hoặc chưa xem xét. Điều này căn cứ vào đâu?” Điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa đã không trả lời câu hỏi trên sau khi HĐXX cho rằng việc trả lời thuộc thẩm quyền của thủ trưởng của ông Nghĩa.

man-doi-dap-gay-can-giua-luat-su-cua-bac-si-luong-va-pgd-benh-vien-da-khoa-tinh-hoa-binh
Luật sư Nguyễn Văn Chiến: "Hỏi đến ai cũng vắng mặt".

Trước khi xảy ra sự cố chạy thận nói trên, ông Trương Quý Dương – cựu Giám đốc Bệnh viện, đã ký hợp đồng số 315/BVĐKT-TS với Công ty Thiên Sơn do ông Đỗ Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc, với nội dung cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho Đơn nguyên Thận nhân tạo.

Công ty Thiên Sơn sau đó chuyển nhượng hợp đồng này cho Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh (Công ty Trâm Anh) do bị cáo Bùi Mạnh Quốc làm Giám đốc. Giá trị hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình là 99.360.800 đồng. Trong khi đó, giá trị hợp đồng giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh, theo lời bị cáo Bùi Mạnh Quốc, chỉ là hơn 49 triệu đồng.

Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Danh Huế (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BVĐK tỉnh Hòa Bình) cho rằng việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng 100% giá trị hợp đồng cho Công ty Trâm Anh đã vi phạm quy định tại Điều 90 Luật Đấu thầu. Luật Đấu thầu quy định chỉ được phép chuyển nhượng tối đa 10% giá trị hợp đồng.

Cũng theo quy định của Luật, các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đấu thầu, tùy theo mức độ thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự, hoặc phải bồi thường về mặt dân sự. Ngoài ra, Luật cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung là cấm tổ chức, cá nhân vi phạm tham gia các hoạt động đấu thầu…

Đặc biệt, trong phiên xử án vừa qua, bị cáo Quốc khai rằng, anh ta không học trong ngành xử lý nước mà làm việc theo kinh nghiệm (12 năm đã lắp đặt nhiều hệ thống trên toàn quốc). Do đó, nhiều người đặt câu hỏi: "Tại sao việc chuyển nhượng hợp đồng cho một doanh nghiệp không đủ chuyên môn là nguyên nhân gây ra hậu quả đáng tiếc trên lại không bị xử lý, trong khi việc bác sĩ Lương ra y lệnh cứu người lại bị khởi tố?”.

Luật sư: “Tất cả các câu hỏi của HĐXX đều nhằm mục đích buộc tội bác sĩ”

Với những gì đã diễn ra trong 4 ngày vừa qua, có thể thấy đây là phiên tòa rất “lạ”. “Lạ” trong việc “mất tích” của nhiều nhân chứng nhưng tòa vẫn diễn ra, “lạ” bởi việc những chuyên gia, người có chuyên môn bị từ chối đột ngột, hay “lạ” trong chính cách đề nghị báo chí không được ghi âm ghi hình… và lạ trong chính cách xét hỏi của HĐXX mà luật sư Lê Văn Thiệp nhận xét rằng: “Tất cả các câu hỏi đều nhằm mục đích buộc tội bác sĩ”.

“Với tinh thần cải cách tư pháp và với nguyên tắc suy đoán vô tội nhưng trong trường hợp này họ đang làm ngược lại, tức là tất cả các câu hỏi đều nhằm mục đích cuối cùng là buộc tội bác sĩ…”, luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.

Theo luật sư, HĐXX cần phải tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. “Nếu như con người không thay đổi về nhận thức mà lúc nào cũng có tâm thế để buộc tội thì việc xét xử hay tranh tụng chẳng có ý nghĩa gì cả”, luật sư Thiệp kết luận.

Trong những ngày xét xử tới đây, liệu sẽ có thêm người tiếp tục vắng mặt vì lý do "sức khỏe" hay những điều “lạ lùng” nào nữa?

 

Phiên toà Hoàng Công Lương: Hàng loạt nhân chứng 'mất tích' dần sau những ngày xử án

Trong phiên xét hỏi chiều 18/5, luật sư Nguyễn Văn Chiến - người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương liên tiếp đề nghị HĐXX cho hỏi nhiều nhân chứng nhưng tất cả đều vắng mặt.

 

Hai đồng nghiệp vắng mặt khai được bác sĩ Hoàng Công Lương chỉ đạo ra y lệnh lọc máu

HĐXX đã công bố về lời khai của bác sĩ Linh, bác sĩ Huyền (vắng mặt tại tòa) là hai đồng nghiệp tại Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình.