Những điểm thú vị trong ngày tết cổ truyền của Thái Lan

Thứ ba, 28/01/2020, 19:58 PM

Người Việt Nam vẫn thường gọi Songkran là Lễ hội té nước của người Thái Lan. Tuy nhiên, Songkran chính xác là ngày lễ đón năm mới của xứ sở chùa vàng với rất nhiều lễ hội và phong tục truyền thống thu hút.

Thái Lan là đất nước của Phật giáo. Đa số người dân Thái Lan đều theo đạo Phật. Vì thế, người dân nước này chọn ngày đón năm mới chính là ngày sinh của Đức Phật, tức là ngày 15/4. Từ năm 1941, Hoàng gia Thái quy định Tết Songkran bắt đầu vào ngày 13/4, kết thúc vào ngày 15/4 Dương lịch hàng năm.

 

 

Người dân Thái Lan tắm tượng Phật bằng nước thơm trong lễ Songkran

Trong mỗi ngày dịp tết của Thái Lan đều có những hoạt động chuẩn bị chào đón năm mới theo tuần tự và có những nét đặc sắc riêng.

Ngày 13/4 được gọi là Wan Maha Songkran, là ngày cuối cùng của năm cũ, họ cử hành nghi lễ Rod Nam Dum Hua – chỉ dành cho người cao tuổi. Trong đó, những người trẻ sẽ vẩy nước thơm vào bậc cao niên để thể hiện sự thành kính và cầu mong hạnh phúc, may mắn đến.

Ngày 14/4 được gọi là Wan Nao, là ngày kết nối giữa năm cũ và năm mới, sẽ dành cho gia đình. Cả nhà cùng dậy thật sớm, chuẩn bị đồ cúng dường trên chùa và cuối ngày lại quây quần đầm ấm. Một nghi thức nữa cũng không kém phần quan trọng là lễ tắm Phật trên chùa. Lý do là tại Thái Lan, năm mới tính từ ngày sinh của Đức Phật.

Ngày 15/4 được gọi là Wan Ta -leung Sok, là ngày đầu tiên của năm mới. Sau nghi thức này, lễ hội té nước sẽ bắt đầu. Theo truyền thống, nước sử dụng phải có mùi thơm, té vào các thành viên trong gia đình và bạn bè thân hữu.

Hoạt động té nước ở Thái Lan đã được mở rộng thành lễ hội dành cho du khách trong và ngoài nước. Do vậy, khi lễ hội bắt đầu, mọi người sẽ dùng mọi thứ có thể đựng nước để té nước vào nhau. Những ai càng được té nhiều nước được tin rằng sẽ nhận nhiều may mắn trong năm mới. Các thành phố được nhiều người tìm đến nhất trong dịp này là Bangkok, Ayutthaya, Khon Kaen, Phuket, Chiang Mai...

 

 

Lễ hội té nước diễn ra trong dịp Songkran

Chiang Mai là thành phố thu hút được nhiều khách du lịch nhất dịp Songkran. Vì nơi đây còn lưu giữ nhiều tập tục trong lễ hội này như lễ rước và tắm tượng Phật Phra Buddha Sihing, xây dựng tháp cát, cuộc thi sắc đẹp và lễ buộc chỉ cổ tay.

Vì sao lại té nước vào nhau trong dịp lễ Songkran

Theo quan niệm của người Thái, việc té nước vào người khác mang ý nghĩa giúp họ gột rửa những điều chưa tốt trong năm cũ, đón nhận sự may mắn trong năm mới. Ngày xưa, nước sử dụng trong dịp này phải có mùi thơm và chỉ té vào các thành viên trong gia đình, bạn bè thân hữu.

Những điều cần lưu  ý khi tham gia lễ hội té nước ở Thái Lan

Khi tới Thái Lan, nếu gặp lễ hội té nước, hãy mặc nhiên xem việc mình bị té là một niềm vui, không nên tức giận với người xung quanh. Nếu không muốn bị ướt, bạn nên ở trong nhà những dịp này. Nếu ra đường nên bọc kín những vật dụng không được phép chạm nước như điện thoại, ví tiền, giấy tờ,…v.v để tránh việc các đồ này bị hỏng hóc.

Bạn cũng nên tránh mang đồ có giá trị ra ngoài đường dịp tết té nước, vừa phòng việc có thể bị ướt, vừa phòng tránh mất mát chỗ đông người. Cũng không nên mặc áo trắng tinh vì nhiều người Thái họ pha cả bột màu vào nước để bắn.

Vào ngày đầu năm mới, hãy học cách nói "Sawadee bee mai" với người Thái. Câu này có nghĩa là "Chúc mừng năm mới".

Một số lễ hội lớn khác trong năm của người Thái

 

 

Lễ hội nến vào tháng 7 ở Thái Lan

Lễ hội Nến: Đây là lễ hội ấn tượng tại Thái Lan được tổ chức công phu và hoành tráng hàng năm vào tháng 7. Nó nổi bật là bởi các hoạt động sôi nổi và những buổi diễu hành độc đáo của người dân tại thành phố Ubon. Lễ hội nến có nguồn gốc từ những lễ nghi truyền thống xung quanh mùa an cư của các Phật tử. Những ánh nến lung linh được thắp trong lồng đèn giấy và được các vị sư truyền kinh, niệm Phật. Theo truyền thuyết, điều này sẽ giúp cho mùa màng của cư dân sẽ bội thu hơn.

Hội chợ ô tại Bosang: Hội chợ được tổ chức vào cuối tuần thứ 3 của tháng 1 hàng năm. Đây là lễ hội của những chiếc ô giấy với đủ loại màu sắc sặc sỡ, cùng với hàng trăm thứ đồ thủ công mỹ nghệ được trưng bày tai khu chợ Bo Sang, Chiang Mai. Hội chợ có rất nhiều hoạt động, cuộc thi được tổ chức gây được sự chú ý lớn như cuộc thi tài năng, triển lãm, bày bán các loại ô và những hàng hóa thủ công mỹ nghệ trong các gian hàng nhỏ xinh, và đặc biệt là cuộc thi tìm ra Người Đẹp Bo Sang.

Loy Krathong (Lễ hội hoa đăng): Trong tiếng Thái, Loy có nghĩa là “trôi”, còn Krathong là chiếc bè nổi trên nước có hình hoa sen. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào đêm rằm tháng 12 theo lịch Thái (vào khoảng tháng 11 dương lịch) trên khắp Thái Lan với lịch sử hơn 700 năm. Vào những ngày này, người ta làm những chiếc lồng đèn hoa đăng để thả xuống sông, đây là ngày lễ có ý nghĩa kính trọng Thần Nước và ban đêm mọi người sẽ thả những chiếc lồng đèn dọc 2 bờ sông để cầu nguyện an lành cho gia đình, người thân.

Lễ hội voi Surin: Đây là một lễ hội ấn tượng tại Thái Lan được tổ chức vào cuối tuần thứ 3 trong tháng 11 tại Surin. Nó nhằm tôn vinh voi và những người huấn luyện - bạn đồng hành của chúng. Lễ hội có những hoạt động thú vị như cuộc diễu hành của hơn 300 con voi. Chúng thể hiện tài năng của mình qua những điệu nhảy, đua, đá bóng và kéo co với con người.

Tết Âm lịch: Vào ngày 9 tháng 2 hằng năm là ngày tết âm lịch của Thái Lan. Cũng như tết Âm lịch của Việt Nam, họ tổ chức những sự kiện vui chơi, ăn mừng và ca nhạc. Tuy nhiên chỉ diễn ra trong một ngày và chủ yếu là người Hoa tại Thái Lan chào đón lễ hội này.