Những thứ quà không thể thiếu trong Tết Trung thu

Thứ sáu, 21/09/2018, 08:10 AM

Cứ nhắc đến Tết Trung thu là phải nhắc tới thiếu nhi, tới bánh trái, mâm cỗ Trung Thu và tất nhiên là phải có một số thứ quà không thể thiếu.

Cứ nhắc tới Tết Trung thu người ta nhớ ngay tới lồng đèn

Tết Trung thu
Đèn lồng trung thu truyền thống được làm chủ yếu từ tre và giấy kính với rất nhiều loại hoa văn trang trí khác nhau như: đèn lồng con thỏ tượng trưng cho mặt trăng, đèn lồng con cóc cầu mong mưa thuận gió hòa, đèn lồng cá chép nguyện ước cho thiên thời, địa lợi, nhân hoà, con cháu giỏi giang.

Chẳng mấy chốc mà Tết trung thu đã đến cận kề. Vậy nên để Tết Trung thu này diễn ra thật trọn vẹn, bạn đừng quên sắm sửa và tận hưởng những thứ quà tuyệt vời này nhé!

“Tết trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trên tay. Em múa ca trong ánh trăng rằm. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn thiên nga với đèn bươm bướm. Em rước đèn này tới cung trăng”…

Có lẽ chỉ bằng vài câu hát thân thuộc ấy thôi cũng đã đủ sức nói lên vai trò quan trọng cũng như giá trị tinh thần khó có thể thay thế của những chiếc lồng đèn Trung thu.

Đây không chỉ là món quà ý nghĩa cho trẻ nhỏ nhân dịp rằm tháng 8 mà còn là một món quà cầu an bình, hạnh phúc cho cả gia đình.

Múa lân không thể thiếu trong Tết Trung thu

nhung-thu-qua-khong-the-thieu-trong-tet-trung-thu

Nhắc đến Tết Trung thu mà bỏ qua những màn múa lân “mãn nhãn” thì thật là thiếu sót. Đây cũng chính là một trong những “thứ quà” mà từ trẻ đến già, ai ai cũng háo hức chờ đợi.

Từ xa xưa, lân đã là một linh vật quý thường được đặt tại những nơi tôn nghiêm như đền đài, lăng tẩm vua chúa, các đình, chùa… Hình ảnh của lân cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho sức mạnh, sự oai phong, lẫm liệt.

Do vậy, cứ mỗi dịp Trung thu đến, người Việt lại có thói quen tổ chức các lễ múa lân long trọng, linh đình, trên nền nhạc kèn trống rộn ràng để không chỉ tạo thêm sự vui vẻ, hứng khởi cho ngày hội trăng tròn mà còn xua đuổi tà khí, cầu mong an khang thịnh vượng, phát lộc phát tài.

Mâm cỗ Tết Trung Thu

nhung-thu-qua-khong-the-thieu-trong-tet-trung-thu
Trung tâm” của một mâm cỗ trung thu truyền thống thường là một chú chó xù kết từ những múi bưởi tươi ngon nhất, gắn thêm hai hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh mâm sẽ bày thêm các loại hoa quả đặc trưng theo mùa như: chuối, bưởi, thị, hồng đỏ, na dai…, được biến tấu dưới nhiều tạo hình khéo léo như: búp bê lật đật, chú hề, con chuột, cá vàng, rồng bay…

Để tụi trẻ nhà mình có thể “phá cỗ” trung thu tưng bừng nhất thì bạn đừng quên bày biện một “mâm cỗ” trung thu thật “xôm” với các loại bánh kẹo, hoa trái “cây nhà lá vườn” nhé!

Không cần các đúng đủ giống như mâm ngũ quả ngày tết, “mâm cỗ” trung thu truyền thống có thể trang trí tùy theo sở thích của mỗi người, chủ yếu là dựa vào sự khéo léo của chính đôi tay người tạo ra “mâm cỗ” đó.

Bánh Trung thu

nhung-thu-qua-khong-the-thieu-trong-tet-trung-thu

Bánh trung thu Việt Nam truyền thống thường được chia làm hai loại chính là bánh dẻo và bánh nướng, biến tấu dưới nhiều hình dạng khác nhau, phổ biến nhất là hình tròn và hình vuông. Trong đó, hình tròn vừa tượng trưng cho trăng rằm tháng 8, vừa tượng trưng cho ước vọng hạnh phúc viên mãn, tròn đầy. Hình vuông vừa tượng trưng cho sự gắn kết, sum vầy, vừa thể hiện ước muốn đoàn viên bên gia đình.

Tết Trung thu đến, dù giàu nghèo gì thì nhà nào cũng có cặp bánh nướng, bánh dẻo. Bởi cũng như bánh chưng cho dịp Tết, Trung thu không có bánh nướng, bánh dẻo sao gọi là Trung thu. Theo đúng truyền thống thì bánh Trung thu sẽ là bánh nhân thập cẩm với mứt sen, lạp xưởng, hạt bí, mứt bí...