Những lời cuối đầy ám ảnh của các nạn nhân vụ khủng bố 11/9

Thứ ba, 11/09/2018, 16:36 PM

Các cuộc gọi của hành khách trên máy bay, phi hành đoàn và nhân viên văn phòng cho người thân trước khi thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 tại New York, Mỹ năm 2001 đã được thu thập lại và được công bố để cho thấy nỗi đau mà khủng bố đã gây ra.

loi-cuoi-day-am-anh-cua-cac-nan-nhan-vu-khung-bo-119
Tháp đôi bốc cháy trong vụ khủng bố 11/9 ở New York, Mỹ năm 2001.

Vài phút trước khi chuyến bay 175 của United Airlines bị cướp đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001, Brian Sweeney, 38 tuổi, một hành khách trên máy bay đã để lại lời nhắn cho vợ ở Massachusetts.

“Jules, anh là Brian. Nghe này, anh đang trên một chiếc máy bay vừa bị cướp. Nếu mọi thứ không ổn và mọi thứ có vẻ như không ổn, anh chỉ muốn em biết rằng anh rất yêu em. Anh muốn em hạnh phúc, có những quãng thời gian vui vẻ, giống như bố mẹ anh và những người khác. Anh rất yêu em và anh sẽ gặp em ở thế giới bên kia. Tạm biệt em”, Brain nói.

Sweeney cũng gọi cho mẹ mình để nói rằng ông yêu bà và nói với bà rằng các hành khách đang có kế hoạch chống lại những kẻ cướp máy bay. “Chúng có thể quay lại đây. Con có thể phải đi. Chúng con đang cố làm điều gì đó”, ông nói với mẹ.

Ba phút sau, chiếc máy bay lao vào các tầng trên cùng của tòa tháp Nam.

Melissa Doi là một sinh viên tốt nghiệp Đại học Northwestern. Cô mơ ước trở thành một nữ diễn viên ballet và làm quản lý tại IQ Financial Systems. Cô gọi 911 từ tầng 83 của Tháp Nam.

Doi: Ở đây rất nóng, tôi thấy ... Tôi nhìn thấy gì nữa!

911: Vậy à ...

Doi: Tất cả những gì tôi thấy là khói.

Doi: Bạn thân mến, tôi rất xin lỗi, hãy chờ một chút, hãy giữ bình tĩnh, giữ bình tĩnh, hãy nghe tôi, cuộc gọi đang diễn ra, tôi đang ghi lại, xin hãy chờ một chút…

Doi: Tôi sẽ chết, phải không?

911: Không, không, bạn hãy cầu nguyện.

Doi: Tôi sẽ chết.

911: Bạn phải suy nghĩ tích cực bởi vì các bạn phải giúp đỡ lẫn nhau cùng xuống dưới.

Doi: Tôi sẽ chết.

911: Nghe này, bạn hãy bình tĩnh, bình tĩnh nhé.

Doi: Lạy chúa ...

Kevin Cosgrove ở tầng 105 của cùng một tòa nhà khi ông gọi cấp cứu từ văn phòng lúc 9h04 sáng sau khi vụ tấn công xảy ra. Người cha 46 tuổi có ba con bị mắc kẹt trong một văn phòng với đồng nghiệp Doug Cherry, cố thở trong màn khói đen dày đặc.

Cosgrove: Thưa cô, có hai người trong văn phòng này. Chúng tôi chưa muốn chết nhưng mọi thứ đang trở nên tồi tệ.

911: Chúng tôi đang đến đó.

Cosgrove: Tôi không nghĩ như vậy. Tôi có các con.

Cosgrove: Thực sự có rất nhiều khói.

911: Hãy ngồi ở đó, chúng tôi sẽ liên lạc với bạn ngay khi có thể.

Cosgrove: Tôi biết các bạn có rất người trong tòa nhà nhưng chúng tôi đang ở trên cùng. Khói cũng đang ngày càng nhiều. Nhanh lên, tôi gần như không thở được, không thể thấy được gì. Khói thật sự khủng khiếp, đen đặc và mù mịt. Chúng tôi vẫn còn trẻ và chưa muốn chết.

911: Alo, anh còn ở đó không?

Cosgrove: Alo...chúng tôi có ba người, hai cửa sổ bị vỡ ... Ôi Chúa ơi!

Cuộc điện thoại kết thúc đột ngột với tiếng la hét và âm thanh của những mảnh vỡ rơi xuống.

Melissa Harrington Hughes chỉ tới New York công tác một ngày và không may đó lại chính là ngày xảy ra vụ tấn công. Cô gọi cho chồng mình là Sean ở San Francisco. "Em chỉ muốn anh biết là em yêu anh. Em đang mắc kẹt trong tòa nhà này ở New York. Có rất nhiều khói và em chỉ muốn anh biết rằng em luôn yêu anh", cô gửi lời nhắn cho chồng.

Ceecee Lyles là một tiếp viên hàng không làm việc trên máy bay bị cướp United Airlines Flight 93 . Khi máy bay bị tấn công vào ngày 11/9, mẹ của bốn người con này đã gọi về nhà hai lần, nhưng không thể gọi được cho chồng là cảnh sát bởi anh đang ngủ sau khi làm ca đêm.

United 93 là chiếc máy bay mà hành khách và phi hành đoàn quyết định chiến đấu chống lại những kẻ không tặc, và sau cuộc đụng độ nó đã rơi ở Pennsylvania, chỉ cách Washington, DC 200 km về phía tây bắc. Người ta tin rằng họ đã ngăn chặn một thảm kịch tồi tệ hơn để cứu sống rất nhiều người.

“Chào anh yêu” Lyles nói trong thư thoại. “Em...anh yêu à, anh phải nghe em nói thật kĩ. Em đang trên một chiếc máy bay bị tấn công. Em đang trên máy bay, em đang gọi từ máy bay. Em muốn nói với anh rằng em yêu anh. Hãy nói với các con rằng em yêu chúng rất nhiều. Và em rất tiếc. Em không biết phải nói gì. Có ba kẻ, họ đã cướp máy bay ... chúng em đang cố làm điều gì đó. Em nghe nói có những chiếc máy bay đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Em hy vọng được nhìn thấy anh một lần nữa. Em yêu anh. Tạm biệt".

Trên đây là một số trong nhiều lời nói cuối cùng của các nạn nhân mà du khách đến bảo tàng 9/11 của New York có thể nghe qua chiếc điện thoại cố định được gắn trên tường.

Chúng là những lời cuối cùng của hành khách, thành viên phi hành đoàn và nhân viên văn phòng, những người trong số 2.996 người thiệt mạng khi máy bay bị cướp đâm vào tòa Tháp đôi, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Pennsylvania.

Giọng nói cuối cùng vừa chứa đựng sự sợ hãi không thể cưỡng lại được trong giờ phút họ nhận ra rằng có thể họ sắp chết vừa như để trấn an và an ủi những người thân yêu.