Những nghi vấn quanh vụ rơi máy bay quân sự Trung Quốc ở Hồng Kông

Thứ sáu, 03/04/2020, 08:02 AM

Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ tai nạn trực thăng quân sự Trung Quốc ở Hồng Kông.

Theo các nguồn tin báo chí Hồng Kông, chiều 30/03/2020, một vụ tai nạn máy bay quân sự đã xảy ra tại hòn đảo này. Một chiếc trực thăng thuộc Đơn vị đồn trú Hồng Kông của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã bị rơi khi đang huấn luyện tại khu vực công viên quốc gia Đại Lãm rộng 5.370 ha ở phía tây nam thành phố. Đại Lãm cũng là công viên quốc gia lớn nhất ở Hồng Kông.

Chưa rõ số phận phi hành đoàn trực thăng gặp nạn

Thông báo của Văn phòng Cục An ninh Hồng Kông không cho biết thêm thông tin chi tiết, cũng như công khai những thiệt hại nhân mạng của vụ tai nạn. Cơ quan này chỉ đưa ra một thông cáo báo chí ngắn gọn, rằng họ đã nhận được thông báo từ Đơn vị đồn trú Hồng Kông về việc chiếc trực thăng gặp nạn khi đang thực hiện các bài huấn luyện bay thông thường. Số phận của các thành viên phi hành đoàn không được đề cập trong thông cáo này. Tuy nhiên, không có bất cứ người dân Hồng Kông nào bị đe dọa tính mạng trong tai nạn này.

Trực thăng của quân đội Trung Quốc diễn tập tại Hồng Kông năm 2016

Trực thăng của quân đội Trung Quốc diễn tập tại Hồng Kông năm 2016

Theo thẩm quyền được qui định trong Luật về đơn vị đồn trú tại đặc khu hành chính Hồng Kông, Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa sẽ tiến hành xử lý và điều tra vụ việc.

Một số nhà nghiên cứu quân sự cho hay: Đây là lần đầu tiên một sự cố loại này xảy ra tại Hồng Kông, kể từ khi thành phố được chuyển giao từ Anh về cho Trung Quốc năm 1997. Tai nạn này cũng là đòn giáng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, nhằm vào các hoạt động của lực lượng đồn trú thuộc quân đội Trung Quốc trên hòn đảo này.

Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, thời tiết ở Hồng Kông đã có mưa trong suốt cả tuần trước đó, khiến cho tầm nhìn giảm xuống thấp, và các tòa nhà cũng như đồi núi bị phủ trong sương mù, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bay.

Tin tức hôm 01/04/2020 cho hay: Cả bốn thành viên phi hành đoàn đã chết trong vụ tai nạn.

Đường dây điện Hồng Kông bị ảnh hưởng trong vụ tai nạn

Vụ tai nạn trực thăng đã làm ảnh hưởng đến hệ thống diện ở khu vực Cửu Long và Tân Giới của Hồng Kông. Có khả năng một đến hai trụ điện, cũng như một phần đường dây điện cao thế 400kV ở Nguyên long đã bị phá hủy trong vụ tai nạn. Đây là những tài sản này thuộc sở hữu của công ty điện lực CLP Group có trụ sở tại Hồng Kông.

Vào khoảng 5 giờ chiều ngày thứ hai, 30/03/2020 (sau khi vụ tai nạn xảy ra), đã có ít nhất 42 báo cáo về sự gián đoạn dịch vụ thang máy trên khắp Cửu Long và Tân Giới do sụt áp đột ngột, và các dịch vụ tàu điện ngầm trên một số tuyến MTR ở hai khu vực này cũng bị ảnh hưởng nhẹ. Phía đơn vị cung cấp điện - CLP Group - cho biết vào thời điểm đó không có bất cứ sự cố mất điện nào, và một cuộc điều tra đang được tiến hành.

Phía CLP Group cũng cho biết họ đã phái các đội sửa chữa khẩn cấp đến các trụ điện, nhưng từ chối bình luận về việc có nhận sự hỗ trợ của quân đội Trung Quốc trong khắc phục sự cố hay không. Những hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy có nhiều xe tải quân sự Trung Quốc gần các trụ điện.

Chủng loại máy bay gặp nạn?

Ở đặc khu hành chính Hồng Kông, đơn vị đồn trú của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa có một tiểu đoàn hàng không, sử dụng hai loại trực thăng, với tổng cộng 16 chiếc:

Trực thăng Z-8 của Đơn vị đồn trú Hồng Kông trong

Trực thăng Z-8 của Đơn vị đồn trú Hồng Kông trong "ngày mở cửa" doanh trại cho nhân dân vào tham quan

Thành phần chủ yếu là 12 chiếc trực thăng Z-9 - được chế tạo dựa trên mẫu Eurocopter AS365 Dauphin đã lỗi thời của Pháp. Những chiếc Z-9 có khả năng bay liên tục trong 5 giờ, với trần bay cao 4.500m. Ngoài ra, đơn vị đồn trú Hồng Kông cũng có trong biên chế 04 chiếc máy bay trực thăng vận tải và cứu hộ Z-8 - một phiên bản nội địa của dòng trực thăng Super Frelon của Pháp.

Tất cả các máy bay trực thăng đều đóng quân tại căn cứ không quân Cơ Trường (Shek Kong) ở Tân Giới Bắc, gần thị trấn Nguyên Long (Yuen Long).

Như vậy, rất có thể loại máy bay đã gặp nạn chính là một trong hai kiểu máy bay thuộc tiểu đoàn hàng không này.

Trực thăng Z-8 của Đơn vị đồn trú Hồng Kông trong một cuộc duyệt binh năm 2017

Trực thăng Z-8 của Đơn vị đồn trú Hồng Kông trong một cuộc duyệt binh năm 2017

Đơn vị đồn trú Hồng Kông là một hình thức tổ chức lực lượng đặc thù của Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa, để đảm nhiệm chức năng quốc phòng cho đặc khu hành chính Hồng Kông. Hồng Kông có bộ máy cảnh sát riêng; và trên lý thuyết, đơn vị  đồn trú (và quân đội Trung Quốc nói chung) không có quyền can thiệp vào tình hình trị an của Hồng Kông, trừ những tình huống đặc thù, và do chính quyền đặc khu hành chính này kêu gọi.

Đơn vị đồn trú Hồng Kông có quân số chừng 6.000 người, gồm 03 tiểu đoàn bộ binh (không vận trực thăng), 01 tiểu đoàn xe bọc thép hạng nhẹ, 01 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn công binh, 01 tiểu đoàn nghi lễ, 01 đại đội trinh sát đặc nhiệm, 01 đại đội vận tải. Về phòng không - không quân có 01 tiểu đoàn trực thăng (16 chiếc), và 01 tiểu đoàn phòng không trang bị các tổ hợp tên lửa phòng không Hồng Kỳ 6A (HQ-6A), tổ hợp pháo phòng không cao tốc 30mm LD-2000. Về hải quân có đơn vị 38081 thuộc hạm đội Nam Hải, với 02 tàu hộ vệ tên lửa Kiểu 056, 06 tàu tên lửa Kiểu 037-II, 02 tàu đổ bộ Kiểu 074.

Trong tổ chức quân sự Trung Quốc sau cải cách thời kì Tập Cận Bình, Đơn vị đồn trú Hồng Kông được xếp vào cấp phó chiến khu, ngang cấp với quân khu Tây Tạng, quân khu Tân Cương, và cảnh khu Bắc Kinh - Khu Vệ Tuất. Điều này cho phép Tư lệnh và Chính ủy của Đơn vị đồn trú Hồng Kông có trần quân hàm Trung tướng.

Việc duy trì hai sĩ quan cấp Trung tướng lãnh đạo đơn vị đồn trú Hồng Kông - trong khi quân số và trang bị của lực lượng này rất hạn chế - là để có sự tương xứng trong giao thiệp với chính quyền của đặc khu hành chính Hồng Kông. Quân hàm Trung tướng của hai chỉ huy cao cấp cũng cho phép họ báo cáo trực tiếp tình hình ở Hồng Kông lên Quân ủy Trung ương mà không cần qua trung gian (mặc dù về mặt tổ chức, Đơn vị đồn trú Hồng Kông vẫn thuộc quyền của Chiến khu Nam Bộ, Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa). Điều này cho thấy sự coi trọng của Bắc Kinh đối với việc kiểm soát tình hình ở Hồng Kông. Tư lệnh hiện nay của Đơn vị đồn trú Hồng Kông là Thiếu tướng Trần Đào Tường (mới bổ nhiệm năm 2019). Chính ủy Đơn vị đồn trú là Thiếu tướng Thái Vĩnh Trung.

Bài liên quan