Những phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14

Chủ nhật, 10/06/2018, 17:14 PM

BOT, đặc khu kinh tế, quản lý đất đai chính, chất lượng giáo dục là vấn đề nóng được đại biểu chất vấn Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV (4 đến 6/6).

ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-14-ngay-315-luat-phong-chong-tham-nhung-sua-doi
Nhiều phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14. Ảnh minh họa

"Chênh lệch giữa kết quả kiểm toán với các dự án BOT là điều hiển nhiên"

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số năm thu phí và kết quả kiểm toán đối với các dự án BOT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo luật và nghị định của Chính phủ, giai đoạn vừa qua bộ đã tổ chức đầu thầu BOT và ký hợp đồng trên cơ sở được duyệt.

Trong đó, nhiều phần là dự phòng, trượt giá, khối lượng, tiền dự kiến công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề phát sinh, do đó dự án được duyệt bao gồm các khoản phát sinh mới nên có giá trị lớn hơn kết quả kiểm toán.

Căn cứ vào đó, bộ đã ký hợp đồng với nhà đầu tư theo dự án được duyệt nên bộ đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước cùng tiến hành kiểm toán trước bộ quyết toán. Thời gian gian qua với 56 trạm BOT đã kiểm toán 50 còn 6 dự án đang triển khai.

Theo hợp đồng Bộ đã đàm phán với các nhà đầu tư là giá trị sau kiểm toán là giá trị để bộ điều chỉnh thời gian thu phí và chính sách phí, do đó việc Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn là điều hiển nhiên, những dự án triển khai nhanh ít phát sinh.

nhan-trach-nhiem-bo-truong-nguyen-van-the-mong-cu-tri-thong-cam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn. Ảnh cắt tại VTV

"Bộ sẵn sàng mua lại các dự án BOT sai vị trí nếu cân đối được nguồn vốn"

Sáng 4/6, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV về các vấn đề còn tồn tại của các dự án BOT, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, trước khi duyệt và triển khai các dự án BOT đều có sự đồng ý của các bộ ngành, đia phương, thực hiện đúng trình tự thủ tục, bên cạnh đó là hợp đồng với chủ đầu tư. Do đó, để mua lại hay thu hồi các dự án này sẽ phải xin ý kiến lại các cơ quan hộ ngành.

Mặt khác, ngân sách nhà nước hiện đang rất khó khăn, khó có thể cân đối được nguồn vốn lớn để mua lại toàn bộ các dự án BOT đặt sai vị trí này. "Nếu Quốc hội thảo luận cân đối được nguồn vốn, Bộ Giao thông vận tải sẵn dàng mua lại các dự án. Còn trong bối cảnh hiện nay, mong các Đại biểu Quốc hội và người dân thông cảm, bộ sẽ tiếp tục thực hiện việc giảm cước phí qua trạm để hỗ trợ người dân", ông Thể cho hay.

"Đầu tư đường sắt bị bỏ rơi vì ít mang lại lợi ích cho các nhóm?"

Cũng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại Quốc hội sáng 4/6, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã làm nóng hội trưởng Quốc hội với câu hỏi: "Phải chăng đường sắt bị bỏ rơi là do đầu tư đường sắt ít mang lại lợi ích cho các nhóm hơn? Phải chăng đầu tư đường bộ dễ chia sẻ lợi nhuận hơn nên các bộ ngành ít quan tâm đến đường sắt?

Vị đại biểu này cho rằng, đường sắt là câu chuyện nhức nhối và là ngành được thừa kế từ cách đây rất lâu. Cách đây 8 năm Quốc hội đã không đồng tình để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nhưng vẫn thống nhất là đầu tư mạnh để nâng cấp hệ thống này.

nhung-phat-ngon-an-tuong-tai-phien-chat-van-ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-14
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai). Ảnh quochoi.vn

Ông Quốc không đồng ý với lý do Bộ trưởng Thể đưa ra giải thích cho sự lạc hậu của ngành đường sắt là do tham mưu kém. Tuy nhiên ông Thể khẳng định: "Đầu tư đường sắt và đường bộ đều như nhau, không có nhóm lợi ích. Bản thân chúng tôi đều lấy cái tâm ra làm và chịu trách nghiệm trước pháp luật".

"Tôi lấy cái tâm để làm"

Tại phiên chất vấn ngày 4/6, đại biểu Tô Thị Bích Châu, TP HCM cho biết, cử tri cho rằng chất lượng đường sắt hiện nay quá tệ và hỏi: “Đề nghị Bộ trưởng cho giải pháp cụ thể tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng đường sắt và giảm tối đa tai nạn đường sắt?”

Trả lời đại biểu Bích Châu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giao thông đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc - Nam hết sức quan trọng, nếu giải quyết tốt sẽ giảm tải cho đường bộ rất nhiều.

“Tuy nhiên, tôi nhìn nhận ngành giao thông vận tải tham mưu kém nên thời gian qua chúng ta chưa có giải pháp hình thành tuyến đường sắt Bắc Nam đảm bảo đúng yêu cầu”, Bộ trưởng Giao thông vận tải thẳng thắn nói và cho rằng, đường sắt Bắc Nam hiện nay rất lạc hậu, và có những đoạn đường sắt đã hình thành 70-80 năm mà chưa có giải pháp nâng cấp.

“Chúng tôi nhận trách nhiệm của ngành trong công tác tham mưu, nâng cao chất lượng đường sắt”, Bộ trưởng Thể giãi bày.

nhung-phat-ngon-an-tuong-tai-phien-chat-van-ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-14
Đại biểu Tô Thị Bích Châu - TP HCM chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Bích Châu tranh luận lại: “Trong báo cáo của Bộ Giao thông vận tải chỉ có 3 dòng nói về giao thông đường sắt. Vừa qua liên tục tai nạn giao thông đường sắt xảy ra nhưng câu trả lời của Bộ trưởng chưa làm tôi hài lòng. Tôi muốn nói đến những giải pháp hết sức cụ thể”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định rất quan tâm đến đường sắt. “Báo cáo gửi Quốc hội không nói nhiều nhưng vừa qua, ngay khi tai nạn giao thông đường sắt xảy ra nhiều, bản thân lãnh đạo Bộ đã nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, nhận trách nhiệm và sự yếu kém của đường sắt”, Bộ trưởng lại nhận trách nhiệm.

“Theo quan điểm cá nhân, là người làm giao thông, chúng tôi mong muốn phát triển hài hoà giữa các loại hình giao thông, bởi tôi cũng thấy đường sắt đang lạc hậu và đầu tư chưa đúng mức. Tôi nghĩ làm đường sắt hay đường bộ đều như nhau, tôi lấy cái tâm ra để làm, nếu vi phạm tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Bộ trưởng Thể nói.

"Sẽ nhập các giáo trình đào tạo tiên tiến về nước để không phải đi du học nữa"

Tại phiên chất vấn sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục, giáo dục chất lượng cao, bộ đã tham mưu cho Chính phủ có giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội, khu vực tư nhân đầu tư vào giáo dục chất lượng cao.

Theo đó, ngoài thu hút đầu tư về cơ sở vật chất còn nhập các chương trình, giáo trình đào tạo của các nước tiên tiến để sinh viên có thể tiếp cận chương trình học tập theo tiêu chuẩn quốc tế ngay trong nước, không phải đi du học. Tới đây sửa đổi Luật Giáo dục đại học để cụ thể hóa chủ trương này.

"Bạo hành trẻ em mầm non phải bị đình chỉ, đóng cửa"

Chất vấn "tư lệnh" ngành Gíao dục và Đào tạo, đại biểu K'Nhiêu nêu bất cập trong đào tạo mầm non. ĐB muốn Bộ trưởng Giáo dục nhìn nhận rõ thực trạng và đưa ra giải pháp căn cơ.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đặng Thuần Phong không đồng tình với trả lời trước đó của Bộ trưởng Nhạ cho rằng giáo dục mầm non Việt Nam được quốc tế đánh giá cao.

Đại biểu Đặng Thuần Phong nhấn mạnh: "Ai đánh giá cao tôi không rõ, nhưng xin nhắc lại hiện quy mô phát triển lĩnh vực giáo dục này không đồng đều, mạng lưới chưa đồng bộ, chưa kể nguồn lực đầu tư cho mầm non rất thấp. So với các khu vực giáo dục khác thì tỷ lệ gia đình phải đóng góp đào tạo nhiều nhất, trong khi bức xúc của xã hội với giáo dục mầm non là rất lớn".

bao-hanh-tre-mam-non-dong-cua-co-so-cho-ra-khoi-nganh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn. Ảnh AVG

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thẳng thắn thừa nhận, đây là một trong vấn đề gây bức xúc xã hội, dư luận thời gian qua. Theo Bộ trưởng: Hiện toàn ngành có 15.000 cơ sở giáo dục mầm mon, 337.000 giáo viên. Ông Nhạ đánh giá, cơ bản các thầy cô tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ, song cũng đã xuất hiện tình trạng bạo hành trẻ ở một số cơ sở mầm non.

Bộ trưởng bày tỏ: "Những vụ bạo hành trẻ mà báo chí đã nêu là không thể chấp nhận được. Cá nhân tôi với trách nhiệm người đứng đầu ngành giáo dục rất phản đối, có ý kiến chỉ đạo kiên quyết, với những giáo viên không đủ năng lực thì phải đưa ra khỏi ngành, không chần chừ. Các cơ sở để xảy ra tình trạng này phải bị đình chỉ, đóng cửa".

“Chi phí thấp nên chất lượng đại học khó mong đợi cao”

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) viện dẫn báo cáo của Bộ về kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước và tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn vì bộ cũng tự nhận chất lượng đào tạo đại học chưa cao, đặc biệt sau đại học. Việt Nam có gần 300 trường đại học nhưng cũng chỉ có 5 trường có tên trong bảng xếp hạng châu Á. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng nền giáo dục đại học của chúng ta đang đứng ở đâu trong bảng xếp hạng của khu vực châu Á và giải pháp nào để nâng cao vị trí xếp hạng của đại học Việt Nam?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, so với mặt bằng chung, chúng ta phải yên tâm là chất lượng tương đối. Tuy nhiên, giáo dục đại học có một số trường, một số nhóm ngành tốt chứ không phải tất cả. Về cơ bản chất lượng giáo dục đại học thấp và không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nhất là cuộc cách mạng 4.0.

nhung-phat-ngon-an-tuong-tai-phien-chat-van-ky-hop-thu-5-quoc-hoi-khoa-14
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

Nguyên nhân theo ông Nhạ, trước hết do chương trình đào tạo chưa sát với thị trường. Đối với các trường đại học, tỷ lệ tiến sĩ trên tổng giảng viên các nước rất cao, còn của chúng ta chưa được 23% trên toàn ngành, rất thấp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phần lớn chưa đủ điều kiện cơ bản để thực hiện nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao và nghiên cứu.

Ngoài ra, chất lượng giáo dục đại học hạn chế còn do mức học phí thấp. Theo ông Nhạ, ở nước ta, suất học phí đối với sinh viên bình quân là 630 USD, trong khi ở Mỹ 19.000 USD, Trung Quốc 3.500 USD... Chi phí thấp nên chất lượng đại học khó mong đợi cao.

"Không cần quá lo lắng về con số 200.000 sinh viên thất nghiệp"

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết một năm số lao động mới vào thị trường và sinh viên tốt nghiệp là 700.000 người. Nhưng số sinh viên thất nghiệp là 200.000 người. Trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp thanh niên toàn cầu là 13%, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 11%.

Do đó, ông Dung cho rằng, không cần quá lo lắng về vấn đề này, nên lo lắng đến chất lượng lao động, chất lượng việc làm.

"Sốt đất đặc khu do giao dịch ngầm"

Về tình trạng sốt đất ở những nơi dự kiến thành đặc khu kinh tế, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, khi đầu tư hạ tầng vào khu vực nào thì theo quy luật, thị trường sẽ đổ xô vào đó, giá cả đất đai sẽ thay đổi. Chính quyền đã ban hành quy định về quản lý đất đai như cấm giao dịch nhưng người dân vẫn giao dịch ngầm, một trong số đó là người bán ủy quyền cho người mua.

lo-ngai-moi-truong-o-du-an-alumin-nhan-co-bo-truong-tran-hong-ha-noi-yen-tam
Bộ trưởng Trần Hồng Hà

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này cũng như quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai tại các địa phương, trong thời gian tới, ông Hà kiến nghị Quốc hội nên ban hành một nghị quyết có tính đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu kinh tế, cần có cơ chế tính toán kỹ để tránh xảy ra thực trạng sốt đất như hiện nay.

Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch tại các đặc khu kinh tế, kiểm tra, xử lý kịp thời các sai phạm để người đầu cơ đất tại các đặc khu không có cơ hội sinh lợi trên các giao dịch mua bán đất đai trái pháp luật.

"Thấy người nước ngoài mua đất thì báo tôi"

Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu vấn đề bờ sông, bờ biển bị “xẻ thịt”. “Tôi đề nghị Chính phủ rà soát lại hết các bờ sông, bờ biển để trả lại cho người dân, không để các doanh nghiệp chiếm dụng”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng hỏi về thực tế hiện nay các bờ biển ở các tỉnh đã bị các doanh nghiệp chắn rào trong các dự án đã được mua đứt, được cấp bìa đỏ.

"Vậy thì hướng giải quyết sắp tới, mà nhìn ra xa là câu chuyện đặc khu nếu có những việc như vậy thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giải quyết thế nào?", ông Hòa hỏi.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: "Trong các quy định đã nói rõ về hành lang bờ biển. Tôi cho rằng cái gì đã luật hoá rồi thì chúng ta không cần đề cập nữa. Việc cần làm bây giờ dựa trên luật mà siết chặt kỷ cương, kỷ luật".

"Tất nhiên là với các dự án nào có vấn đề thì phải xem lại quy hoạch, xem trước đây nếu có sai chỗ nào thì điều chỉnh cho đúng”, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Về lo ngại trong việc người nước ngoài sẽ lấy đất tại đặc khu rồi bao chiếm như ở dọc bờ biển miền Trung, bộ trưởng Hà nói rằng luật hiện nay không có quyền mua đất trên đất nước ta, mà chỉ được quyền mua căn hộ.

“Tôi nhờ các đại biểu cung cấp thông tin cho tôi biết là nếu có tình trạng đó thì mua ở đâu?”, bộ trưởng Hà nói.

 

Ngày 12/6 dự kiến thông qua Luật An ninh mạng

Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an mới đây đã được trình Quốc hội và dự kiến sẽ được thông qua vào 12/6 tới với hàng loạt quy định liên quan trực tiếp tới người dùng internet.

 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Lùi Dự luật Đặc khu là quyết định sáng suốt

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hết sức vui mừng khi nhận được thông tin Chính phủ thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu).

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quyết định huỷ bỏ 13 văn bản thành lập trường đại học

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký quyết định hủy bỏ các văn bản phê duyệt chủ trương thành lập, chủ trương cho phép thành lập các trường đại học đã quá thời gian quy định.