Những sự kiện quốc tế nổi bật nhất tuần qua

Thứ bảy, 15/12/2018, 11:28 AM

Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua: Quan hệ Nga – Ukraine tiếp tục căng thẳng; Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết về Dòng chảy phương Bắc 2; Tổng thống Pháp Macron công bố biện pháp giải quyết khủng hoảng; Xả súng tại khu chợ Giáng sinh ở Strasbourg, Pháp làm nhiều người chết và bị thương...

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko

Quan hệ Nga – Ukraine tiếp tục căng thẳng

*Hãng tin Ria Novosti đưa tin ngày 10/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, ông đã ký luật chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị với Nga. Văn kiện này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4/2019.

 

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga được ký ngày 31/5/1997 tại Kiev, có hiệu lực ngày 1/4/1999 với thời hạn 10 năm. Hiệp ước này sẽ tự động gia hạn 10 năm sau khi hết hạn nếu không có sự phản đối từ một trong hai bên. Giới phân tích cho rằng văn kiện này có ý nghĩa nền tảng trong quan hệ song phương, nếu bị chấm dứt thì phía Ukraine thiệt hại nhiều hơn so với Nga.

*Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) ngày 14/12 cho biết các tin tặc Nga đã đột nhập vào hệ thống công nghệ thông tin của hơn 100 tổ chức quân sự và nhà nước tại miền Tây Ukraine.

Tuyên bố trên cho rằng, những thông tin bị đánh cắp có thể được Nga sử dụng để gây tổn hại tới an ninh quốc gia Ukraine. Hiện Moscow chưa đưa ra phản hồi về cáo buộc trên.

Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2

Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết về Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 12/12, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng dự án này đe dọa an ninh năng lượng châu Âu, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của Ukraine trong hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu. Điện Kremlin coi nghị quyết này là ví dụ điển hình của sự “cạnh tranh không lành mạnh”.

Ngày 13/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích nghị quyết của Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi ngừng thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, bà Zakharova nhấn mạnh, việc châu Âu - nơi đang rất cần nguồn cung năng lượng - phản đối hợp tác năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và hình thức hợp tác năng lượng là sự điên rồ.

Nga nhiều lần kêu gọi không coi đường ống dẫn khí đốt như công cụ gây ảnh hưởng. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, Moscow coi dự án này thuần túy mang tính chất kinh tế.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng âm mưu của Mỹ nhằm làm suy yếu dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 do Nga hậu thuẫn là một ví dụ minh chứng cho sự cạnh tranh không công bằng. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nêu rõ: "Chúng tôi đánh giá đây là tuyên bố sai lầm và không thể chấp nhận đối với chúng tôi".

Bộ phận báo chí Nội các Đức cho biết, việc Nghị viện châu Âu thông qua Nghị quyết kêu gọi dừng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 không làm thay đổi lập trường của chính phủ Đức đối với dự án này.

"Lập trường của Đức vẫn không hề thay đổi. Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 trước hết là một dự án kinh tế. Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Nhưng dự án có chứa cả thành tố chính trị. Về vấn đề này, chính phủ Đức một lần nữa chỉ ra rằng chúng ta cần biết rõ về những gì sẽ xảy ra đối với vai trò của Ukraine như một quốc gia trung chuyển khí đốt sau năm 2019. Điều này vẫn còn hiệu lực", đại diện của Nội các Đức cho biết.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 lắp đặt hai nhánh đường ống có tổng công suất 55 tỷ m3/năm từ bờ biển của Nga chạy qua Biển Baltic đến Đức. Các nước Đức, Thụy Điển và Pháp đã cấp phép xây dựng dự án này. Một số nước phản đối dự án phải kể đến là Ukraine, quốc gia lo ngại bị mất thu nhập từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, và Mỹ - nước đang thúc đẩy những dự án tham vọng về xuất khẩu khí đốt hóa lỏng sang châu Âu. Ngoài ra, các nước Latvia, Litva và Ba Lan cũng phản đối vì cho rằng dự án mang tính chính trị.

 
Tổng thống Pháp Macron

Tổng thống Pháp Macron công bố biện pháp giải quyết khủng hoảng

Sau hơn 3 tuần diễn ra các cuộc biểu tình chống chính phủ của phong trào “Áo vàng”, ngày 10/12, Tổng thống Emmanuel Macron đã lên tiếng trấn an dư luận bằng một bài phát biểu trên truyền hình, đưa ra một loạt biện pháp cụ thể nhằm giải quyết xung đột xã hội.

Trong bài phát biểu, ông Marcon cho rằng, nước Pháp đang đối mặt với một tình huống khẩn cấp, về cả mặt xã hội và kinh tế, đồng thời nhấn mạnh đến tính cần thiết của việc xây dựng nên một xã hội mà ở đó, điều kiện sống của mọi người dân đều được cải thiện. Ngoài việc đề cập tới chính sách tăng lương tối thiểu thêm 100 euro mỗi tháng tính từ tháng 1-2019, Tổng thống Macron còn đưa ra một loạt các biện pháp khác gồm việc miễn thuế đối với các khoản tiền làm thêm giờ, tiền thưởng cuối năm cho người lao động… Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng từ chối xem xét lại các khoản “thuế nhà giàu” vì cho rằng, việc khôi phục loại thuế này sẽ làm suy yếu nước Pháp.

Thủ tướng Anh May

Thủ tướng Anh Theresa May đối mặt nhiều khó khăn trong nỗ lực thông qua thỏa thuận Brexit

Ngày 12/12, Thủ tướng Anh Theresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng Bảo thủ cầm quyền với 200/117 phiếu ủng hộ. Cuộc bỏ phiếu trên diễn ra trong bối cảnh đã có ít nhất 15% nghị sỹ của đảng Bảo thủ cầm quyền đề nghị lên Ủy ban 1922 bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bà May sau khi bà vừa bất ngờ hoãn kế hoạch đưa Thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu tại Hạ viện Anh vì lo ngại có nhiều nghị sĩ sẽ bỏ phiếu phản đối.

Nhưng cho dù đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng Bảo thủ cầm quyền, theo đó Thủ tướng Anh Theresa May sẽ có thêm 12 tháng “an toàn” theo luật định để hoàn thành tiến trình Brexit, thì tiến trình này vẫn được đánh giá là không hề dễ dàng với rất nhiều hệ quả khó lường.

Xả súng tại khu chợ Giáng sinh ở Strasbourg, Pháp

Xả súng tại khu chợ Giáng sinh ở Strasbourg, Pháp làm nhiều người chết và bị thương

Tối ngày 11/12/2018, một vụ nổ súng đã xảy ra tại một khu chợ Giáng sinh nổi tiếng ở thành phố Strasbourg, miền Đông nước Pháp. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, đã có ít nhất 3 người đã thiệt mạng và 12 người bị thương trong vụ nổ súng trên.

Sau 48 giờ gây án và tẩu thoát khỏi hiện trường bằng xe taxi cùng với một khẩu súng và một con dao, nghi phạm đã bị cảnh sát Pháp tiêu diệt. Nghi phạm có tên là Cherif Chekatt, 29 tuổi. Để truy tìm tên này, nhà chức trách Pháp đã phải huy động 720 cảnh sát và lính hiến binh. Cherif Chekatt là thành phần bất hảo, bị kết án đến 27 lần, chủ yếu là tội trộm cắp, cướp giật tại Pháp, Đức và Thụy Sĩ. Cherif Chekatt từng thụ án tù tại Đức trong năm 2016 và 2017 do các cáo buộc trộm cắp. Được biết, trong thời gian ở tù Cherif Chekatt đã trở thành kẻ cực đoan và nằm trong danh sách theo dõi của cảnh sát Pháp "fiche S" đối với những đối tượng có tư tưởng cực đoan, những người có nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia.

Tai nạn tàu cao tốc ở Thổ Nhĩ Kỳ làm hàng chục người thương vong

Ngày 13/12, một vụ tai nạn tàu cao tốc đã xảy ra tại thủ đô Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) khi đoàn tàu cao tốc đang di chuyển từ thủ đô Ankara tới tỉnh miền Trung Konya thì đâm vào một đầu máy xe lửa đang bảo trì và lao tiếp vào cầu vượt tại nhà ga Marsandiz. Tại hiện trường, hai toa của đoàn tàu cao tốc đã bị lật.

Theo số liệu thống kê do nhà chức trách công bố, vụ tai nạn trên đã khiến 7 người thiệt mạng, gồm cả người lái tàu; 46 người bị thương, trong đó có 3 người trong tình trạng nghiêm trọng. Những người bị thương đã được chuyển đi điều trị tại các bệnh viện ở thủ đô Ankara.

Hiện các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn.

 

Paris lại sắp hứng ‘bão’ biểu tình Áo Vàng đợt 5

Thủ đô Pháp lại gồng mình đối phó với đợt biểu tình Áo Vàng quy mô lớn lần thứ 5 vào cuối tuần này bất chấp Tổng thống Macron đã đưa ra nhiều nhượng bộ.

 

Mỹ định lại ngày tăng thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

0h01 ngày 2/3/2019 (giờ Miền Đông-EST), tức 12h01 cùng ngày (giờ Việt Nam) sẽ là thời điểm Mỹ dự kiến tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Channel News Asia đưa tin.

Nguồn: https://infonet.vn/nhung-su-kien-quoc-te-noi-bat-nhat-tuan-qua-post285073.info