Những tiêu đề ấn tượng của báo chí thế giới về Brexit

Thứ bảy, 01/02/2020, 19:09 PM

Ba năm sau khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu, khiến đất nước trở nên chia rẽ chưa từng thấy, Vương quốc Anh cuối cùng đã rời đi vào tối 31/1 theo giờ địa phương.

Các tiêu đề nổi bật về Brexit trên các báo lớn của Anh và châu Âu. Ảnh: Metro

Các tiêu đề nổi bật về Brexit trên các báo lớn của Anh và châu Âu. Ảnh: Metro

Đến sáng nay, tất cả cờ của Vương quốc Anh được hạ xuống khỏi tòa nhà các thể chế của Liên minh châu Âu, trong đó có Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu. “Brexit”đã có mặt trên trang nhất của hầu hết tờ báo châu Âu sáng nay. Tờ Frankfurter Rundschau chạy tiêu đề “Tạm biệt”. Trong khi đó, nhật báo Taz chạy tiêu đề "Tạm biệt và chúc may mắn" với hai đôi giày trên trang nhất.

 Hãng tin AFP của Pháp thì đăng tải bài viết nhan đề: “Nước Anh bắt đầu cuộc sống mới bên ngoài Liên minh châu Âu”. Theo bài viết, “bảo đảm và tái thiết” sẽ là những gì mà nước Anh hướng tới khi bắt đầu làm quen với cuộc sống không phải là thành viên của Liên minh châu Âu. Nước Anh sẽ đối mặt với thách thức trong thiết lập các mối quan hệ mới với khối 27 quốc gia thành viên và xác định chỗ đứng mới trên thế giới. Bài viết cũng đặt ra một loạt câu hỏi mà nước Anh sẽ phải trả lời: “Liệu có tiến gần hơn với Mỹ hay không khi nước này đã giang sẵn cánh tay? Liệu Anh sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh mới ngay cửa ngõ châu Âu hay châu Âu vẫn là một đối tác thiết yếu?

Các hãng truyền thông lớn tại Pháp thì đồng loạt ra số đặc biệt đúng ngày Anh rời Liên minh châu Âu. Chiếc đồng hồ Big Ben là hình ảnh nổi bật nhất trên trang nhất tờ Le Figaro của Pháp, với tựa đề: “Vĩnh biệt châu Âu” và một bài viết mang tính chơi chữ khi nhấn mạnh: “Vương Quốc Anh ra khơi”. Tờ Chữ Thập thì nói lời tạm biệt “See You!” với nước Anh, đi kèm hình ảnh người đàn ông trong trang phục đen, với chiếc mũ và ô đen đặc trưng của người Anh.

“Giờ đã điểm” ("It's Time !"), là tựa đề bài viết trên trang nhất tờ “Giải phóng” (Libération). Nhật báo kinh tế Tiếng vang (Les Echos) thì đăng ảnh một người đàn ông với hai lá cờ châu Âu và Anh trên vai, mặt cúi gằm nhìn chiếc điện thoại cầm tay, kèm dòng tít “10 vấn đề chính trong giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit. Lần đầu tiên Liên minh Châu Âu mất một thành viên, Liên minh buộc phải tìm cách trở mình”.

Bắt đầu từ ngày 01/02/2020, Liên minh Châu Âu chính thức chỉ còn có 27 thành viên thay vì 28 sau khi nước Anh rời đi. Một điều không khó nhận ra, là tất cả các tờ báo đều có chung nhận định, cả Anh và Liên minh châu Âu đều đang đứng trước một “thời kỳ bất định”.

Cả tờ Le Figaro và Tiếng Vang đều nhấn mạnh tới những hồ sơ chính đôi bên sẽ bắt tay vào đàm phán ngay từ đầu tháng 3/2020. Các hồ sơ đó bao gồm từ thương mại đến quyền tự do đi lại của các công dân Anh và châu lục, từ các quy định đánh bắt cá và hải sản đến an ninh, từ tài chính đến sự tham gia của nước Anh trong các dự án công nghiệp chung của Liên minh Châu Âu.

Bài liên quan