Những trận không chiến Mỹ - Trung hiếm người biết

Thứ tư, 21/08/2019, 19:24 PM

Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, ít người biết rằng đã có những trận đối đầu giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngày 9/4/1965, cuộc đụng độ đầu tiên diễn ra giữa 4 máy bay tiêm kích bom F-4B Phantom II của Hải quân Mỹ và 4 máy bay tiêm kích J-5 (phiên bản MiG-17 do Trung Quốc chế tạo) của Trung Quốc trên vùng trời gần đảo Hải Nam.

Theo phía Mỹ, biên đội 2 chiếc F-4B thuộc Phi đoàn tiêm kích số 96 (VF-96) “Fighting Falcons, Không đoàn không quân hạm số 9 (CVW-9) của Hải quân Mỹ trên tàu sân bay USS Ranger (CV-61) lúc này đang trong quá trình nhận chuyển giao nhiệm vụ tuần phòng cảnh giới (BARCAP) trên vịnh Bắc Bộ từ 2 chiếc F-4B khác đã bị J-5 tấn công.

Kết quả là chiếc F-4B số 151403 bị bắn rơi sau khi đã bắn hạ 1 chiếc J-5, cả 2 phi công là Trung úy Terence Meredith Murphy và Thiếu úy Ronald James Fegan đều thiệt mạng.

Theo phía Trung Quốc thì cuộc đụng độ xảy ra vào 8 giờ 20 sáng sau khi 2 tốp máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Trung Quốc. Khi Trung đoàn 24, Sư đoàn 8 Không quân Hải quân Trung Quốc cho 4 chiếc tiêm kích J-5 cất cánh từ sân bay Lăng Thủy trên đảo Hải Nam lên ngăn chặn, các F-4B đã khai hỏa trước và bắn tổng cộng 6 đến 7 tên lửa.

Trong quá trình cơ động quần vòng, một chiếc F-4B trong nỗ lực nhằm bắn chiếc J-5 của phi công Lý Đại Vân đã vô tình phóng tên lửa AIM-7 trúng máy bay của đồng đội. Cả 4 máy bay Trung Quốc đều hạ cánh an toàn.

nhung-tran-khong-chien-my-trung-hiem-nguoi-biet
F-4B số 151403 của Hải quân Mỹ bị bắn rơi ngày 9/4/1965. 

Ngày 20/9/1965, tiêm kích F-104C Starfighter số 56-0883 thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 436 (436 TFS), Không đoàn chiến thuật số 479 (479 TFW) của Không quân Mỹ phối thuộc cho Không đoàn chiến thuật số 6252 (6252 TFW) xuất phát từ Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ tuần phòng đã bay lấn vào vùng trời đảo Hải Nam.

Lúc 11 giờ 28, Trung đoàn 10, Sư đoàn 4 Không quân Hải quân Trung Quốc xuất kích 2 tiêm kích J-6 (phiên bản MiG-19 do Trung Quốc chế tạo) do phi công Cao Tường và Hoàng Phượng Sinh lái lên đánh chặn. Cao Tường tiếp cận và khai hỏa trúng chiếc F-104C ở cự ly 300m, Đại úy phi công Phillip Eldon Smith nhảy dù bị dân quân Trung Quốc bắt làm tù binh và đến ngày 15-3-1973 mới được trao trả.

Tổn thất của Không quân Mỹ còn không dừng lại ở đó khi 2 chiếc F-104C khác của Phi đoàn 436 trong quá trình bay tìm kiếm phi công Smith đã đâm vào nhau, tuy nhiên cả 2 phi công đều nhảy dù và được giải cứu.

nhung-tran-khong-chien-my-trung-hiem-nguoi-biet
F-104C Starfighter số 56-0883 của Không quân Mỹ bị bắn rơi ngày 20-9-1965 qua gun camera.

Ngày 5/10/1965, theo phía Trung Quốc, lúc 12 giờ 35 máy bay tác điện tử RA-3D của Mỹ xâm phạm không phận Quảng Tây, Trung Quốc. Biên đội 4 chiếc J-6 thuộc Trung đoàn 25, Sư đoàn 9 Không quân Trung Quốc xuất kích từ Long Châu do các phi công Trương Vận Bảo, Tôn Bính Quân, Trương Chân Phương và Ông Kế Xương lái lần lượt tấn công và đã bắn hạ chiếc RA-3D sau 55 giây chiến đấu.

Tuy nhiên các dữ liệu từ phía Mỹ không công nhận mất bất cứ chiếc RA-3 nào trong ngày hôm đó.

nhung-tran-khong-chien-my-trung-hiem-nguoi-biet
Đại úy phi công Phillip Eldon Smith của Không quân Mỹ bị Trung Quốc bắt làm tù binh.

Ngày 12/4/1966, máy bay tiếp dầu KA-3B số 142653 thuộc Phi đoàn cường kích hạng nặng số 4 (VAH-4) “Fourrunners“, Không đoàn không quân hạm số 11 (CVW-11) của Hải quân Mỹ sau khi bảo dưỡng ở căn cứ Subic, Phillipines trên đường trở về tàu sân bay USS Kitty Hawk (CVA-63) đã bay vào khu vực bán đảo Lôi Châu lúc 13 giờ 10.

Biên đội gồm 2 chiếc J-6 thuộc Trung đoàn 76, Sư đoàn 26 Không quân Trung Quốc do phi công Dương Kiện Toàn và Lý Lai Hy lái được lệnh xuất kích đánh chặn. Lý Lai Hy tiếp cận và khai hỏa ở cự ly 300m. Chiếc KA-3B bốc cháy đâm xuống biển, cả 4 thành viên phi hành đoàn là Thiếu tá William Albert Glasson, Trung úy Larry Micheal Jordan, Thượng sĩ Reuben Beaumont Harris và Hạ sĩ nhất Kenneth Ward Pugh đều thiệt mạng.

nhung-tran-khong-chien-my-trung-hiem-nguoi-biet
KA-3B Skywarrior s/n 142653 của Hải quân Mỹ trong một phi vụ tiếp dầu năm 1965.

Ngày 9/9 và 17/9/1966, theo phía Trung Quốc, các máy bay J-6 thuộc Sư đoàn 18 Không quân do phi công Cao Tú Minh và Cao Trường Cát lái đã bắn bị thương cường kích F-105 của Không quân Mỹ trên vùng trời Đông Hưng, Quảng Tây.

Phía Mỹ không có thông tin về những trận đụng độ này.

Ngày 24/4/1967, theo phía Trung Quốc, lúc 17 giờ 09, tốp 2 chiếc F-4B Phantom II của Hải quân Mỹ xâm phạm vùng trời Quảng Tây. Một chiếc bị pháo cao xạ bắn rơi. Chiếc còn lại trong quá trình thoát ly đã bị biên đội 4 máy bay J-5 thuộc Trung đoàn 78, Sư đoàn 26 Không quân Trung Quốc truy kích và bị phi công Tống Nghĩa Dân bắn hạ bằng 3 loạt đạn, bốc cháy đâm xuống biển.

Thông tin phía Mỹ không xác nhận tổn thất này. Theo họ, chiếc F-4B duy nhất bị bắn rơi trong ngày hôm đó là F-4B số 153000 thuộc Phi đoàn tiêm kích số 114 (VF-114) "Aardvarks", Không đoàn không quân hạm số 11 (CVW-11) xuất kích từ tàu sân bay USS Kitty Hawk (CVA-63).

Chiếc F-4B này làm nhiệm vụ tuần phòng khống chế mục tiêu (TARCAP) để yểm hộ cho các biên đội vào đánh sân bay Kép và Hòa Lạc. Trên thực tế chiếc F-4B trên bị pháo cao xạ của Việt Nam bắn bị thương, sau đó bị phi công Nguyễn Văn Bảy của Trung đoàn tiêm kích 923 KQNDVN bắn hạ, 2 phi công nhảy dù và được giải cứu.

Ngày 26/6/1967, chiếc tiêm kích F-4C Phantom II số 63-7577 thuộc Phi đoàn tiêm kích chiến thuật số 390 (390 TFS) “Blue Boar”, Không đoàn chiến thuật số 366 (366 TFW) Không quân Mỹ ở căn cứ Đà Nẵng đang hộ tống 1 chiếc F-4 khác trên hành trình từ căn cứ Clark, Phillipines đến Đà Nẵng.

Theo phía Trung Quốc, tốp F-4C này đã nhiều lần xâm phạm vùng trời đảo Hải Nam, nên đến 16 giờ 58, biên đội 2 chiếc J-6 thuộc Trung đoàn 16, Sư đoàn 6 Không quân Hải quân do phi công Vương Trụ Thư và Lã Kỷ Lương lái được lệnh cất cánh. Tốp J-6 tấn công khi chiếc F-4C đang ở phía nam đảo Hải Nam khoảng 40km. Chiếc F-4C bị trúng nhiều phát đạn pháo 30mm từ cả 2 máy bay J-6 ở cự ly 200-250m và đâm xuống biển ở khu vực phía nam cảng Du Lâm.

Phi hành đoàn gồm Thiếu tá J. C. Blandford và Trung úy J. M. Jarrvis nhảy dù và được trực thăng của Hải quân Mỹ giải cứu.

nhung-tran-khong-chien-my-trung-hiem-nguoi-biet
F-4C Phantom II số 63-7577 của Không quân Mỹ bị bắn rơi ngày 26-6-1967.

Ngày 21/8/1967, biên đội 3 cường kích A-6A Intruder thuộc Phi đoàn cường kích số 196 (VA-196) “Main Battery”, Không đoàn không quân hạm số 14 (CVW-14) xuất phát từ tàu sân bay USS Constellation (CVA-64) vào đánh ga Đông Anh.

Chiếc A-6A chỉ huy số 152638 bị Tiểu đoàn 63, Trung đoàn tên lửa 236 của Việt Nam bắn rơi tại chỗ, 2 chiếc còn lại trong quá trình thoát ly đã bay lạc lên phía bắc và xâm phạm không phận Trung Quốc lúc 13 giờ 10.

Theo tín hiệu radar do Hải quân Mỹ thu được, tốp A-6A này vượt qua biên giới 17km thì bị 4 chiếc J-6 thuộc Trung đoàn 52, Sư đoàn 18 Không quân Trung Quốc đánh chặn trên vùng trời Ninh Minh, Quảng Tây. Chỉ trong 1 phút 30 giây, cả 2 chiếc A-6A mang số 152625 và 152627 đều bị phi công Trần Phong Hà và Hàn Thụy Giai bắn hạ, rơi xuống khu vực Đông Hưng và Ninh Minh.

Trong số 4 phi công Mỹ, chỉ có Đại úy Robert James Flynn nhảy dù và bị bắt làm tù binh, sau đó được trao trả ngày 15/3/1973, số còn lại gồm Thiếu tá Jimmy Lee Buckley, Trung úy Dain Vanderlin Scott và Trung úy Forrest George Trembley đều thiệt mạng.

nhung-tran-khong-chien-my-trung-hiem-nguoi-biet
Đại úy phi công Robert James Flynn của Hải quân Mỹ bị Trung Quốc bắt làm tù binh.

Ngày 14/2/1968, cường kích A-1H Skyraider số 134499 thuộc Phi đoàn cường kích số 25 (VA-25) “Fist of the Fleet”, Không đoàn không quân hạm số 15 (CVW-15) của Hải quân Mỹ trên tàu sân bay USS Coral Sea (CVA-43) hộ tống 1 máy bay tác chiến điện tử EA-1F thuộc Phi đoàn cảnh báo hạm số 13 (VAW-13) trên đường từ căn cứ Subic, Phillipines trở về tàu sau bảo dưỡng.

Trong quá trình bay, tốp A-1 đã bay chệch lên phía bắc, lấn vào vùng trời phía đông đảo Hải Nam và bị 2 chiếc tiêm kích J-5 thuộc Trung đoàn 18, Sư đoàn 6 Không quân Hải quân Trung Quốc đánh chặn. Kết quả là phi công Trần Vũ Lục bắn rơi chiếc A-1H, Trung úy phi công Joseph Patrick Dunn nhảy dù nhưng sau đó mất tích và được cho là đã thiệt mạng.

nhung-tran-khong-chien-my-trung-hiem-nguoi-biet
A-1H số 134499 của Hải quân Mỹ bị bắn rơi ngày 14/2/1968.

Theo phía Trung Quốc thì phi công Vương Thuận Nghĩa bắn rơi chiếc EA-1F, tuy nhiên phía Mỹ không công nhận và cho biết chiếc EA-1F này hạ cánh an toàn ở Đà Nẵng. Đây cũng là vụ đụng độ cuối cùng giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc trong thời gian chiến tranh Việt Nam.

Bài viết sử dụng các nguồn tham khảo:

[1] Vietnam Air Losses: USAF, Navy, and Marine Corps Fixed-Wing Aircraft Losses in SE Asia 1961-1973 (https://www.amazon.com/Vietnam-Air-Losses-Fixed-Wing-1961-1973/dp/1857801156)

[2] https://zhuanlan.zhihu.com/p/26998394

[3] http://news.ifeng.com/mil/special/jianliutuiyi/

 

Nga 'san phẳng' vị trí phóng 36 rocket vào căn cứ không quân ở Syria

Nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham ở Syria đã bắn 36 rocket vào căn cứ không quân Khmeimim của Nga ở Syria hôm 6/5, RT đưa tin. Đáp lại, Nga san phẳng vị trí đã phóng ra những rocket đó.

 

Máy bay C17 của Không quân Mỹ vừa hạ cánh tại Đà Nẵng

Sáng ngày 18/2, một chiếc máy bay C17 số hiệu Reg 90-0533 của quân đội Mỹ đã hạ cánh tại Đà Nẵng.