Những trường hợp cá biệt nào được phép tách thửa đất ở Bình Dương?

Thứ năm, 19/12/2019, 16:08 PM

Các trường hợp cá biệt bao gồm, tách thửa đất để tặng cho phục vụ việc xây dựng nhà ở; tách thửa đất tại các khu tái định cư; tách thửa đất để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất do hoàn cảnh gia đình khó khăn…

nhung-truong-hop-ca-biet-nao-duoc-phep-tach-thua-dat-o-binh-duong
Một dự án tại Bình Dương.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 28/2019/QĐ-UBND ngày 3/12/2019 (Quyết định số 28) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND (Quyết định số 25) quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với các loại đất trên địa bàn.

Quyết định số 28 của UBND tỉnh Bình Dương sửa đổi, bổ sung tại 3 điều của Quyết định số 25, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2019.

Đáng chú ý, trong Quyết định này có nhắc đến những trường hợp cá biệt có nhu cầu tách thửa nhưng không đảm bảo diện tích tối thiểu và quy định tách thửa thì giao UBND cấp huyện thành lập hội đồng tư vấn để xem xét, giải quyết việc tách thửa và chỉ xem xét, giải quyết tách thửa 1 lần cho hộ gia đình, cá nhân.

Theo đó, các trường hợp cá biệt bao gồm: Tách thửa đất để tặng cho phục vụ việc xây dựng nhà ở; tách thửa đất tại các khu tái định cư; tách thửa đất để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất do hoàn cảnh gia đình khó khăn; thửa đất không tiếp giáp đường nhưng có nhu cầu tách thửa để hợp thửa với thửa đất có tiếp giáp đường giao thông do Nhà nước quản lý thành thửa đất mới; thửa đất tiếp giáp mương thoát nước và mương này tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý.

Hội đồng tư vấn xem xét và giải quyết tách thửa đối với các trường hợp nêu trên với điều kiện như sau:

Đối với đất ở: Diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa là 36m2 đối với thửa đất tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý có lộ giới dưới 20m. Diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa là 45m2 đối với thửa đất tiếp giáp đường do Nhà nước quản lý có lộ giới lớn hơn hoặc bằng 20m.

Trong trường hợp này sẽ giao hội đồng tư vấn xem xét, giải quyết kích thước về bề rộng và chiều sâu của thửa đất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhưng phải đảm bảo mỹ quan đô thị, việc cấp phép xây dựng, không ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, thực hiện dự án.

Đối với đất tái định cư: Dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án trước ngày 10/10/2017. Thỏa mãn với các điều kiện quy định tại quy chế quản lý xây dựng khu dân cư và giao UBND cấp huyện phải có văn bản thống nhất. Thửa đất tách ra có bề rộng tối thiểu bằng bề rộng ô nhỏ nhất trong lô đất đề nghị tách theo quy hoạch chi tiết được duyệt.

Đối với đất nông nghiệp: Diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và còn lại sau khi tách thửa tại các phường là 100m2, thị trấn 200m2, xã 300m2. Trường hợp quy hoạch sử dụng đất là đất ở, đất phi nông nghiệp phải đảm bảo thửa đất sau khi tách thửa phải tiếp giáp đường giao thông do Nhà nước quản lý.

Đối với trường hợp này sẽ giao hội đồng tư vấn xem xét, giải quyết kích thước về bề rộng và chiều sâu của thửa đất phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhưng phải đảm bảo mỹ quan đô thị, việc cấp phép xây dựng, không ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp, thực hiện dự án.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, nếu như Quyết định số 25 giao Sở Xây dựng hướng dẫn việc đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực thì trong quyết định mới tỉnh Bình Dương giao đơn vị này phối hợp địa phương tăng quản lý trật tự xây dựng.

Phòng Quản lý đô thị, UBND cấp xã và các tổ chức liên quan được giao quản lý, kiểm tra trật tự xây dựng trên địa bàn, nhất là các khu vực có dấu hiệu phân lô bán nền trái phép; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng tách thửa không đúng quy định.

 

Chuyên gia chỉ ra 10 'lỗ hổng' luật đất đai

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ ngành và lãnh đạo TP HCM chỉ ra 10 "lỗ hổng" của hệ thống pháp luật đất đai làm giảm hiệu quả kinh tế đất – tài chính đất đai.

 

Sư Toàn xin được giữ lại trang trại, đất đai, xe cộ sau khi hoàn tục

Ngoài việc xin xả giới hoàn tục, Đại đức Thích Thanh Toàn đưa thỉnh nguyện tại cuộc họp xin được giữ lại những tài sản như trang trại, đất đai, xe cộ mang tên cá nhân nhà sư này.

 Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/nhung-truong-hop-ca-biet-nao-duoc-phep-tach-thua-dat-o-binh-duong-146422.html