Những ứng viên sáng giá cho Nobel Hòa bình 2019

Thứ ba, 08/10/2019, 16:19 PM

Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg hay Thủ tướng New Zealand Ardern rất có thể được xướng tên cho giải Nobel Hòa bình vào ngày 11/10.

Những ứng viên sáng giá cho Nobel Hòa bình 2019
Greta Thunberb phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Hành động Khí hậu ở Liên Hợp Quốc hôm 23/9. Ảnh: AP.

Ủy ban Nobel tại Oslo, Na Uy sẽ công bố người chiến thắng giải Nobel Hòa bình 2019 vào cuối tuần này. Giải thưởng được trao hàng năm cho cá nhân hoặc tổ chức nỗ lực nhiều nhất để thúc đẩy hòa bình thế giới. Năm ngoái, bác sĩ người Congo Denis Mukwege và nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad đã cùng nhau giành giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực chấm dứt sử dụng bạo lực tình dục làm vũ khí chiến tranh.

Có 301 đề cử cho giải thưởng năm nay, gồm 223 cá nhân và 78 tổ chức, theo Viện Nobel. Danh sách đề cử chính thức vẫn còn là bí mật, nhưng điều đó không ngăn được suy đoán về những người đang tranh cử.

Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg, 16 tuổi, đang được xem là ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình năm nay. Greta nghỉ học năm 14 tuổi, sau đó hoạt động tích cực để tuyên truyền về biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Năm 15 tuổi, Greta dẫn đầu cuộc biểu tình bên ngoài quốc hội Thụy Điển vào tháng 8/2018. Chưa đầy một năm sau là cuộc biểu tình ước tính có 4 triệu người tham gia, trong đó có nhiều nhà hoạt động môi trường là trẻ em, diễn ra trên toàn cầu, từ Thái Lan đến Afghanistan và Haiti.

Ngày 23/9, Greta có bài phát biểu gây ấn tượng mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh về Hành động Khí hậu ở Liên Hợp Quốc, trong đó lên án các lãnh đạo thế giới vì đã không ngăn chặn biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng những phát biểu của Greta gây đối đầu, chia rẽ và không thiết thực.

Nếu chiến thắng, Greta sẽ trở thành người trẻ nhất từng được trao giải Nobel Hòa bình. Danh hiệu này hiện thuộc về Malala Yousafzai, người giành giải Nobel Hòa bình 2014 năm 17 tuổi.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cũng có khả năng giành chiến thắng. Ông gây chú ý vào năm 2018 sau khi xúc tiến chấm dứt 20 năm xung đột giữa Ethiopia và Eritrea. Chiến tranh giữa hai nước bắt đầu từ tranh chấp biên giới năm 1998, 5 năm sau khi Eritrea giành độc lập khỏi Ethiopia. Ít nhất 70.000 người đã thiệt mạng trước khi hai bên ký thỏa thuận hòa bình vào tháng 12/2000, nhưng căng thẳng vẫn ở mức cao khi Ethiopia từ chối công nhận biên giới.

Khi Ahmed nhậm chức vào tháng 4/2018, ông trả tự do cho tù nhân chính trị và tiếp tục ký thỏa thuận hòa bình với người đồng cấp Eritrea Isaias Afwerki. Ahmed cũng tăng cường vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị. Phụ nữ chiếm một nửa trong số 20 bộ trưởng của chính phủ, bao gồm nữ bộ trưởng quốc phòng đầu tiên của đất nước.

Trong năm qua, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern là biểu tượng của sự đồng cảm, thách thức và sức mạnh khi đối mặt với những sự kiện bi thảm. Vụ xả súng hai nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch khiến 51 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương hồi tháng ba khiến cả đất nước bị sốc.

Những ứng viên sáng giá cho Nobel Hòa bình 2019
Thủ tướng new Zealand Jacinda Ardern ôm một phụ nữ ở nhà thờ Hồi giáo tại Wellington hồi tháng ba, hai ngày sau vụ xả súng hai nhà thờ ở Christchurch. Ảnh: AFP.

Ardern phản ứng nhanh chóng khi chưa đầy một tháng sau, quốc hội New Zealand đã thông qua luật kiểm soát súng đạn. Ardern, nữ lãnh đạo trẻ nhất thế giới ở tuổi 38, sẽ là người New Zealand đầu tiên giành giải Nobel Hòa bình nếu bà chiến thắng.

Thủ lĩnh bản địa người Brazil Raoni Metuktire đã dành cả cuộc đời để bảo vệ ngôi nhà của mình, rừng nhiệt đới Amazon. Metuktire, 89 tuổi, đã tới Hội nghị thượng đỉnh G7 2019 hồi tháng 8 để thảo luận về Amazon với các lãnh đạo thế giới sau khi một đám cháy bùng phát phá hủy phần lớn rừng nhiệt đới này.

Metuktire cũng chỉ trích Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và việc ông khai thác Amazon. Theo dữ liệu ảnh vệ tinh, kể từ khi Bolsonaro nhậm chức hồi tháng một, tỷ lệ phá rừng đã tăng vọt lên tới 92%.

Ngoài cá nhân, một số tổ chức quốc tế cũng được nhắc tới là ứng viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình năm nay, như Phóng viên Không biên giới, tiếng nói mạnh mẽ chống Arab Saudi sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tháng 10 năm ngoái, hay Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc vì bày tỏ quan ngại về quy tắc mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.