Ninh Thuận chỉ đạo khẩn trương giải cứu đàn bò tót gầy trơ xương

Thứ sáu, 02/10/2020, 15:15 PM

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo khẩn trương giải cứu đàn bò tót gầy trơ xương tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận).

Ninh Thuận chỉ đạo khẩn trương giải cứu đàn bò tót gầy trơ xương. (Ảnh: IT).

Ninh Thuận chỉ đạo khẩn trương giải cứu đàn bò tót gầy trơ xương. (Ảnh: IT).

Mới đây, ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Đã chỉ đạo các sở ngành liên quan khẩn trường thực hiện các giải pháp để cứu đàn bò tót gầy trơ xương đang được nuôi nhốt tại xã Phước Bình, huyện Bác Ái (Ninh Thuận).

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu: Trước hết là tiến hành kiểm tra sức khỏe hiện tại của đàn bò để cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng nhằm cứu đàn bò khỏi chết đói.

"Sở Khoa học Công nghệ và Vườn Quốc gia Phước Bình khẩn trương làm việc với đơn vị quản lý đàn bò và đề xuất phương án phù hợp, lâu dài để quản lý và phát triển đàn bò phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học", ông Vĩnh cho biết.

Trước đó, nhiều cơ quan báo chí phản ánh đàn bò tót được nuôi trong chuồng trại tại thôn Bạc Rây, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đang bị trơ xương vì đói ăn.

Đàn bò tót gồm 11 con là F1, F2, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Lâm Đồng tổ chức nuôi, bảo tồn và nhân giống. Tuy nhiên, hiện đà bò đang có nguy cơ bị chết vì đói vì thiếu thức ăn.

Từ giai đoạn năm 2008 - 2012, tại khu vực Vườn Quốc gia Phước Bình xuất hiện một con bò tót đực (tên khoa học Bos gaurus) tách đàn, thường xuyên xuống rẫy tấn công bò đực để chinh phục và giành quyền giao phối với bò cái nhà. Kết quả cho ra đời hơn 20 con bê con mang tính trạng ban đầu của “bò tót cha” như chống chịu được khí hậu khắc nghiệt, sức đề kháng bệnh cao và tầm vóc lớn.

Nhận thấy đây là cơ hội hiếm có để nhân rộng nguồn gen, từ năm 2013 - 2015, Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng thành lập đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng”.

Sau đó, một đề tài cấp Nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa” được triển khai, do Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thám (nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng) làm chủ nhiệm đề tài.

Đề tài này triển khai nghiên cứu từ năm 2016 với kỳ vọng sẽ lai thành công cá thể bò tót lai F2, F3 để nhân rộng nguồn gen giúp cải thiện chất lượng đàn bò nhà về khả năng cho thịt và chất lượng thịt; hướng tới xây dựng thương hiệu bò tót lai của ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận và cả nước. Phía dự án đã mua lại từ người dân 5 con bò F1 đực và 5 con F1 cái để nuôi nghiên cứu.

Ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Dự án nghiên cứu bò tót lai đã được hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận ký kết hợp tác chia sẻ nguồn gen, nghiên cứu trong 3 năm với kinh phí gần 3 tỷ đồng, từ tháng 6/2019 đã hết kinh phí. Hơn một năm nay đơn vị tự bỏ tiền thuê người dân chăm sóc đầy đủ, có bác sĩ thú y kiểm tra...”.

“Đơn vị bây giờ cũng đang rất khó khăn, lại ở xa nên dự kiến tháng 10 này sẽ bàn giao cho Vườn Quốc gia Phước Bình quản lý, duy trì và bảo tồn nguồn gen. Hướng để bảo tồn nguồn gen bò tót lai sắp tới kiến nghị các cơ quan chức năng hai tỉnh hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục cho thêm đề tài nghiên cứu thì mới đầy đủ kinh phí để nghiên cứu tiếp”, ông Chương cho biết thêm.

Bài liên quan