'Nợ như chúa chổm' Sông Đà vẫn được đề xuất làm cao tốc Bắc - Nam

Chủ nhật, 07/06/2020, 07:19 AM

Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã lên tiếng giải thích về đề xuất Tổng Công ty Sông Đà thầu nhiều dự án trên cao tốc Bắc - Nam dù doanh nghiệp nợ rất nhiều.

Bộ Xây dựng đề xuất Sông Đà tham gia cao tốc Bắc-Nam.

Bộ Xây dựng đề xuất Sông Đà tham gia cao tốc Bắc-Nam.

Mới đây, trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã đề nghị xem xét, chỉ định thầu Tổng Công ty Sông Đà thi công một số dự án đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Đề xuất được Bộ Xây dựng đưa ra sau khi Chính phủ có chủ trương chuyển một số dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư PPP (hợp tác nhà nước và tư nhân) sang đầu tư công.

Trước đó, Tổng công ty Sông Đà cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng bày tỏ mong muốn được chỉ định thầu làm một số dự án trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Tổng công ty Sông Đà gặp nhiều khó khăn về tài chính. Cụ thể, theo thông tin từ VTC News cho hay: Tổng công ty Sông Đà đang nợ ADB khoảng 114,8 triệu USD nhưng không có khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Trong đó, công ty mẹ vay 73,9 triệu USD, Công ty CP xi măng Hạ Long vay 25,59 triệu USD, Công ty CP thủy điện Cần Đơn vay 5 triệu USD, Công ty CP Sông Đà 4 vay 3 triệu USD…

Riêng nợ gốc, lãi vay, phí cho vay lại đến hạn của tổng công ty tạm tính khoảng 6,1 triệu USD... Chính điều này làm dấy lên lo ngại việc Tổng Công ty Sông Đà có đủ tiềm lực để làm dự án?

Lý giải điều này với báo chí, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng: Về công nghệ xây dựng, công nghệ làm đường ở Việt Nam, không chỉ Sông Đà mà còn rất nhiều đơn vị khác làm được. Nhưng về mặt kinh tế xã hội, đây là doanh nghiệp có truyền thống nên ủng hộ.

Việc Bộ Xây dựng giới thiệu Tổng công ty Sông Đà tham gia xây dựng cao tốc Bắc-Nam với hình thức chỉ định thầu "cũng chỉ là một trong những phương thức thầu và phải kèm theo nhiều điều kiện khác".

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng, Bộ Xây dựng cũng nhắc đến việc chỉ định thầu Tổng công ty Sông Đà thi công một số đoạn đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông để tạo việc làm cho khoảng 20.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại tổng công ty.

Tổng công ty Sông Đà từng thi công, xây dựng các nhà máy thủy điện lớn như Hòa Bình, Ialy, Sông Hinh, Sơn La và Lai Châu. Những năm qua, đơn vị này tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn như cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 10, Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

"Khi chỉ định thì có điều kiện của chỉ định chứ không phải chỉ định một cái là xong. Chỉ định thầu là cũng là một phương thức thầu và có các điều kiện của nó”, vị lãnh đạo nói.

Vị lãnh đạo này cũng lấy ví dụ: ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, phần của Việt Nam thi công thì "không có vấn đề gì".

"Còn gói thầu của nhà thầu Trung Quốc, họ đi thuê lại các thầu phụ Việt Nam. Mấy thầu phụ không có tên tuổi, lại làm bằng bất cứ giá nào nên chất lượng mới như vậy. Còn các doanh nghiệp Việt Nam, các Tổng công ty làm vẫn tốt.

"Rất nhiều người lo năng lực của Tổng công ty Sông Đà nhưng tôi cho rằng không phải lo. Vấn đề có dám tin để giao không. Tại sao không khơi dậy những điều đó. Dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật mình giao. Chưa chắc đấu thầu đã tốt bởi còn "quân xanh, quân đỏ" nữa. Chỉ định thầu cũng là một phương thức thầu”, vị lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ với báo giới.

Bộ Tài chính cảnh báo tình trạng nợ với Tổng công ty Sông Đà

Liên quan đến tình hình nợ phải trả lên đến hơn 11.000 tỷ đồng và nợ phải thu trên 8.000 tỷ của Tổng công ty Sông Đà, Bộ Tài chính cho biết, tình hình công nợ của công ty mẹ Sông Đà chủ yếu liên quan đến các khoản phải thu và phải trả trong tổ hợp công ty mẹ con và công ty liên kết.

Cụ thể, nợ phải thu tại Công ty CP Xi măng Hạ Long khoảng 2.700 tỷ đồng, Công ty CP Điện Việt Lào hơn 800 tỷ đồng, Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến gần 700 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 1 gần 300 tỷ đồng, Công ty TNHH Điện Xekaman 3 khoảng 560 tỷ đồng.

Một số khoản đầu tư của “ông lớn” Sông Đà đã bị lỗ, mất vốn, như đầu tư vào Công ty CP Sông Đà 3, Công ty CP PCCC và ĐTXD Sông Đà, Công ty CP Sông Đà 12, Công ty CP Phú Riềng Kraitie…

Đơn cử, Công ty CP Sông Đà 3 lỗ lũy kế 188 tỷ đồng, Công ty CP Sông Đà 12 âm vốn chủ sở hữu 41 tỷ đồng, Công ty CP PCCC và ĐTXD Sông Đà âm vốn chủ sở hữu hơn 11 tỷ đồng.

Ngoài tình trạng nợ công ty mẹ, công ty con Sông Đà còn nhiều lần bị bêu tên nợ thuế. Cụ thể, Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long từng bị nhắc đến với khoản nợ thuế hơn 360,5 tỷ đồng.

Ngoài ra công ty "họ" Sông Đà còn bị nhắc tên nợ bảo hiểm xã hội, cụ thể, đầu tháng 4/2018, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã làm việc với 10 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trước khi chuyển sang cơ quan công an. Trong danh sách này có hai cái tên thuộc “họ” Sông Đà là: Cổ phần Sông Đà 207 và Công ty Cổ phần Cơ khí-Lắp máy Sông Đà.