Nông dân Hà Nội 'mất Tết' vì không được hỗ trợ 214 con lợn dịch Châu Phi: Huyện áp dụng luật gì?

Thứ tư, 22/01/2020, 19:00 PM

Trong vụ việc một hộ nông dân ở xã Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) bị dừng việc hỗ trợ đàn hợn 214 con bị tiêu hủy do mắc dịch tả Châu Phi, mặc dù luật sư khẳng định gia đình người nông dân hoàn toàn đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Gia đình người nông dân Phạm Như Thủy (Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ

Gia đình người nông dân Phạm Như Thủy (Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ "mất Tết" vì chưa được hỗ trợ đối với hàng trăm con lợn bị mắc dịch tả Châu Phi.

Mất Tết vì không được hỗ trợ hàng tấn lợn dịch

Vụ việc gia đình người nông dân Phạm Như Thủy (Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội) có đàn lợn hàng trăm con đến tuổi xuất chuồng, trọng lượng hàng chục tấn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước đang thu hút sự quan tâm của bạn đọc.

Càng đến những ngày cận Tết, gia đình người nông dân càng lâm cảnh khốn cùng bởi chăn nuôi thì bết bát, cả chục tấn lợn mắc dịch bị tiêu hủy mà chưa nhận được một đồng hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, các khoản nợ cứ dồn dập đến kỳ phải trả.

"Cái Tết này với chúng tôi coi như mất, gia đình không có tiền trả nợ anh em họ hàng, chúng tôi cũng chẳng còn tiền mà mua sắm...", ông Thủy tâm sự.

Theo ông Thủy, kể từ khi xảy ra dịch lợn đến nay ông đã gửi đơn, thậm chí "gõ cửa" đến rất nhiều cơ quan chức năng thì đều nhận được "lời hứa" suông, hoặc có trả lời cũng làm ông cảm thấy không thuyết phục.

Ông Thủy cho rằng, việc gia đình ông nhập 250 con lợn giống (đã có giấy tờ kiểm dịch) từ nơi khác về để kế đàn thì đã bị xử phạt hành chính, không hỗ trợ tiêu hủy, không hỗ trợ tiền đã đành nhưng việc 214 con lợn đã nuôi được gần 1 năm trước thời điểm địa phương có dịch mà không được hỗ trợ là hoàn toàn không đúng quy định pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Định (46 tuổi, vợ ông Thủy) bức xúc: "250 con lợn giống với trọng lượng là hơn 4.000kg đã được kiểm dịch, gia đình tôi bị UBND xã Hồng Hà lập biên bản xử phạt vì mua lợn ở địa bàn khác về nuôi khi đang có dịch. Gia đình tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành và nộp phạt 2,5 triệu đồng theo quy định.

Thế nhưng, với đàn lợn 214 con đến tuổi xuất chuồng không mắc dịch tả nhưng bị tiêu hủy, đến nay chúng tôi vẫn chưa được nhận một đồng tiền hỗ trợ nào từ Nhà nước. Mặc dù, các hộ nuôi lợn khác trong cùng địa phương có lợn bị tiêu hủy đã nhận được hết tiền hỗ trợ".

Bà Định chua xót: "Là nông dân, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào những đồng tiền có được từ chăn nuôi. Khi dịch đến, chúng tôi là người xót xa, đau đớn nhất. Bởi để có đủ lực nuôi được đàn lợn này, gia đình tôi phải vay mượn anh em họ hàng và ngân hàng, tổng số tiền nợ hiện tại là hơn 1 tỷ đồng.

Huyện áp dụng luật gì để không hỗ trợ lợn dịch cho gia đình ông Thủy?

Theo tìm hiểu của PV, khoảng tháng 8/2019, gia đình ông Thủy từng có đơn đề nghị xem xét hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con bị dịch tả Châu Phi.

Đến tháng 10/2019, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng ký văn bản số 1562 trả lời gia đình ông Thủy khẳng định không có căn cứ hỗ trợ đối với toàn bộ số lợn dịch bị tiêu hủy.

Văn bản khẳng định không hỗ trợ toàn bộ lợn dịch cho gia đình người nông dân Phạm Như Thủy do Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng ký.

Văn bản khẳng định không hỗ trợ toàn bộ lợn dịch cho gia đình người nông dân Phạm Như Thủy do Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng ký.

Điều đáng nói, trong văn bản này, phía UBND huyện Đan Phượng đưa ra căn cứ rất chung chung và không thực sự rõ ràng.

Theo đó, phía UBND huyện Đan Phượng cho rằng, thời điểm thống kê tháng 4/2019, gia đình ông Thủy có nuôi 214 con lợn, đến ngày 10/6/2019, khi địa phương đang có dịch thì gia đình ông Thủy đã nhập 250 con lợn giống về.

UBND huyện Đan Phượng cho rằng, hành vi nhập đàn lợn trong khi trên địa bàn xã và huyện đang xảy ra dịch tả lợn Châu Phi và vi phạm điểm B, khoản 2, điều 8 Nghị định 90/2017 của Chính Phủ.

"Do vậy, ngày 18/6/2019, UBND xã Hồng Hà đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với gia đình ông Thủy là 2,5 triệu đồng và không hỗ trợ tiêu hủy đối với đàn lợn này (đàn lợn 250 con)", văn bản của UBND huyện Đan Phượng nêu.

Đến ngày 27/9/2019, UBND huyện Đan Phượng đã gửi văn bản xin ý kiến của Sở NN&PTNT Hà Nội về trường hợp xử lý hỗ trợ thiệt hại cho gia đình ông Thủy.

"Ngày 15/10/2019, Sở NN&PTNT có văn bản trả lời yêu cầu xử lý nghiêm đối với hành vi nhập lợn của hộ ông Thủy theo nghị định số 90/2017 của Chính Phủ.Căn cứ văn bản trên, UBND huyện Đan Phượng không có căn cứ để thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho toàn bộ số lợn phải tiêu hủy của hộ gia đình ông", văn bản trả lời của UBND huyện Đan Phượng nêu.

Như vậy, văn bản thừa nhận việc 214 con lợn của gia đình ông Thủy đã được thống kê vào thời điểm địa phương có dịch (tháng 4/2019). Tuy nhiên, không đề cập việc 214 con lợn mắc dịch của gia đình ông Thủy có được hỗ trợ hay không mà chỉ khẳng định, Sở NN&PTNT có văn bản trả lời yêu cầu xử lý nghiêm đối với hành vi nhập lợn của hộ ông Thủy theo nghị định số 90/2017 và không hỗ trợ toàn bộ đối với số lợn dịch của gia đình ông Thủy.

Văn bản của Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị huyện Đan Phượng xem xét hỗ trợ thiệt hại đối với 214 con lợn cho gia đình ông Thủy.

Văn bản của Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị huyện Đan Phượng xem xét hỗ trợ thiệt hại đối với 214 con lợn cho gia đình ông Thủy.

Ở diễn biến khác, ngày 15/11/2019, Sở NN&PTNT có văn bản số 3841 gửi UBND huyện Đan Phượng và gia đình ông Thủy nêu rõ, việc nhập lợn giống về chăn nuôi tại thời điểm địa phương có dịch tả lợn Châu Phi của gia đình ông Thủy là vi phạm quy định.

"Việc xử lý vi phạm quy định căn cứu theo quy định tại nghị định số 90/2017 của Chính Phủ ngày 31/7/2017, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (điều 8 - Vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn).

Bên cạnh đó, Sở đề nghị huyện Đna Phượng xem xét, hỗ trợ thiệt hại đối với đàn lợn 214 con của gia đình ông Phạm Như Thủy đã chăn nuôi tại thời điểm thống kê 2014.

Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), khẳng định gia đình lão nông Phạm Như Thủy hoàn toàn đủ điều kiện để nhận được hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con bị tiêu hủy vì dịch tả Châu Phi bởi đàn lợn này được nuôi trước thời điểm địa phương mắc dịch.

Theo luật sư, đối chiếu với nghị định 90/2017 của Chính phủ, nếu việc không hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con lợn của gia đình ông Thủy chỉ vì gia đình ông nhập 250 con lợn là không đúng và không thỏa đáng.

Điều 8 nghị định 90/2017 quy định, ngoài mức xử phạt hành chính thì hành vi buộc khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy.

Trích lược một số nội dung quy định tại 90/2017 của Chính Phủ.

Trích lược một số nội dung quy định tại 90/2017 của Chính Phủ.

Theo ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: "Đến thời điểm này, việc hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi là do phía huyện, bởi thành phố đã cấp đủ kinh phí để các địa phương hỗ trợ".

Cũng theo ông Mỹ, về trường hợp hộ chăn nuôi Phạm Như Thủy, Sở đã có văn bản đề nghị UBND huyện Đan Phượng xem xét để hỗ trợ thiệt hại đối với đàn lợn 214 con của gia đình ông Thủy vì đã chăn nuôi tại thời điểm thống kê tháng 4/2019 trên địa bàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Đà, Chủ tịch UBND xã Hồng Hà cho biết, trước sau gia đình ông Thủy cũng nhận được hỗ trợ đối với đàn lợn 214 con. Tuy nhiên, việc hỗ trợ vào thời điểm nào thì chưa nắm được bởi còn chờ huyện và TP chỉ đạo.

Trong khi sự việc xảy ra từ tháng 6/2019, Chính Phủ cũng đã đề nghị các địa phương khẩn trương hỗ trợ nông dân có dịch tả lợn Châu Phi để sớm tái đàn chăn nuôi thì ngay tại Hà Nội, gia đình một người nông dân đang có nguy cơ mất Tết chỉ vì phải "chờ đợi" chưa biết bao giờ được nhận tiền hỗ trợ với hàng trăm con lợn bị dịch tả Châu Phi.

Chúng tôi tiếp tục thông tin sự việc này.