Nóng vấn đề phi công nước ngoài

Thứ sáu, 16/08/2019, 13:51 PM

Trước việc các hãng hàng không Việt Nam đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đánh giá việc này "có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá".

nong-van-de-phi-cong-nuoc-ngoai
Có tiền không trả được lương cao khiến Vietnam Airlines mất phi công. Ảnh minh họa

Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chỉ ra trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không 6 tháng đầu năm 2019 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.

Đó là, vẫn còn để xảy ra một số vụ việc như trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; gây rối trật tự công cộng, đe doạ nhân viên hàng không (điển hình như vụ việc hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên tàu bay).

Nguyên nhân của các vụ việc này là do lỗ hổng từ công tác tuyên truyền pháp luật về an ninh, an toàn hàng không, lỗ hổng về pháp lý và việc thiếu sự tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn, tính chủ động chưa cao của đội ngũ nhân viên hàng không.

Công tác kiểm soát khai thác còn chưa đảm bảo tuân thủ quy định đã xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác xếp lịch bay và kiểm soát thời gian làm việc, nghỉ ngơi đối với thành viên tổ bay; công tác huấn luyện đào tạo cũng như chuẩn hoá đội ngũ giáo viên và các chương trình đào tạo. Nâng cấp trang thiết bị huấn luyện cần phải được tiếp tục chuẩn hoá, nâng cao chất lượng giáo viên bay của các hãng hàng không.

Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng đội tàu bay dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực của người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và đòi hỏi nguồn lực của nhà chức trách hàng không cho công tác giám sát an toàn hàng không.

Với tình trạng các hãng đang sử dụng tỉ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó thủ tướng đánh giá việc này "có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá".

"Phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm cho đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay", Phó thủ tướng yêu cầu.

Trước đó, câu chuyện “giành giật” lực lượng phi công đang gây xôn xao dư luận thời gian qua. Vụ việc được hé mở với việc Công ty TNHH hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) gửi đến Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không VN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Lý do theo Bamboo Airways là ngày 23/4 tại văn phòng Bamboo Airways, hãng này có "nhặt" được văn bản "báo cáo" dưới dạng photo, phản ánh thông tin về Bamboo Airways và Vietnam Airlines (VNA).

Thông tin văn bản này nêu Bamboo Airways có hành vi "giành giật lực lượng phi công của VNA", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VNA và cho rằng điều này trực tiếp dẫn đến thiệt hại tài chính cho VNA với mức thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm.

Đồng thời, "báo cáo" trực tiếp đề nghị Bộ Giao thông Vận tải dừng xem xét cấp chứng chỉ khai thác (AOC) đối với máy bay B787 của Bamboo Airways.

Hãng Bamboo Airways nhìn nhận có 2 trường hợp cần làm rõ. Khả năng thứ nhất là báo cáo giả mạo, không phải của VNA.

Còn trường hợp thứ 2, báo cáo này là của VNA, Bamboo Airways cho rằng thông tin giành giật phi công là bịa đặt, thực tế hãng này tuyển dụng công khai đúng qui định.

Liên quan vụ việc này tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4. Trước câu hỏi về việc Bộ Giao thông Vận tải có nhận được văn bản của Vietnam Airlines tố cáo tranh giành phi công là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cũng như quan điểm của cơ quan này.

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật xác nhận, vừa qua cơ quan này đã nhận được báo cáo của Vietnam Airlines về tình trạng các phi công của Vietnam Airlines chuyển sang làm việc cho Bamboo.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật có thể thấy, việc Vietnam Airlines gửi văn bản báo cáo việc phi công nghỉ việc chuyển sang Bamboo Airways. Trả lời phỏng vấn trên Tri Thức Trực Tuyến, ông Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Bamboo Airways, tuyên bố hãng này không giành giật phi công của Vietnam Airlines (VNA) và yêu cầu VNA đính chính.

CEO Bamboo Airways - khẳng định hãng này "đang thừa nhân lực phi công và tiếp viên", do đó không đi giành giật với ai.

“Trước hết, phải nói rõ rằng chúng tôi không giành giật với ai, mà thi tuyển cạnh tranh. Đúng là có những phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines nộp hồ sơ, được giới thiệu qua Bamboo Airways làm việc. Tuy nhiên, chúng tôi không giành giật của ai cả, chỉ thực hiện tuyển dụng thông thường.

Về việc doanh nghiệp khác đã phải tốn chi phí đào tạo nhân sự và họ chuyển sang chỗ khác thì cũng là điều bình thường trên thị trường. Họ chấm dứt hợp đồng và thực hiện đền bù theo hợp đồng thôi”, ông Quyết nói với báo giới.

Về nguồn tin của Vietnam Airlines cho rằng, có trong tay email “mời chào nhảy việc” từ Bamboo Airways gửi tới các phi công Vietnam Airlines. CEO Bamboo Airways cho rằng, trong bất kỳ cuộc tuyển dụng công khai nào, các doanh nghiệp đều khuyến khích việc giới thiệu ứng viên. Vì thế việc gửi thông tin giới thiệu cơ hội việc làm là bình thường.

Nhân sự từ Vietnam Airlines hay bất kỳ doanh nghiệp nào đều có quyền chọn công việc mà họ thấy phù hợp và chúng tôi không lý gì lại kỳ thị họ cả. Đó là quy trình tuyển dụng thông thường, cạnh tranh thị trường thôi.

Ông Quyết nhấn mạnh: “Chúng tôi bị chơi xấu, cạnh tranh không lành mạnh. Đó không chỉ là xúc phạm cá nhân tôi mà tập thể nhân viên. Nếu Vietnam Airlines không có đính chính, tôi sẽ khởi kiện”.

 

Câu chuyện ‘giành’ phi công: Không thể điều hành bằng mệnh lệnh hành chính

Lao động chất lượng cao như phi công đang nóng dần lên khi các hãng hàng không tư nhân với sức hút lương, thưởng cùng chế độ làm việc tốt cạnh tranh với hàng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines).

 

Vietnam Airlines: Lợi nhuận giảm, bài toán tăng lương giữ chân phi công

Trong bối cảnh phải tăng lương giữ chân phi công thì lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines lại chứng kiến mức sụt giảm mạnh trong quý II/2019.

 

Gặp mặt nhân chứng lịch sử trong cuốn sách Phi công Mỹ ở Việt Nam

Sáng nay, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Gặp mặt nhân chứng lịch sử và giới thiệu cuốn sách "Phi công Mỹ ở Việt Nam” - phiên bản tiếng Anh.