Nữ công an gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có thể bay ở nước ngoài?

Chủ nhật, 25/08/2019, 06:32 AM

Cục Hàng không cấm bay 12 tháng với nữ công an gây rối ở Tân Sơn Nhất, tuy nhiên đại úy Hiền có thể bay ở nước ngoài do lệnh cấm không có hiệu lực quốc tế.

images2361771_001
Cục Hàng không trong vòng 12 tháng với nữ công an gây rối ở Tân Sơn Nhất, tuy nhiên đại úy Hiền có thể bay ở nước ngoài do lệnh cấm không có hiệu lực quốc tế.

Sáng ngày 24/8 Cục Hàng không vừa ra quyết định cấm bay 12 tháng với hành khách Lê Thị Hiền sau hành vi gây rối tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo thông báo được đăng tải trên cổng thông tin của Cục Hàng không Việt Nam, bà Lê Thị Hiền (sinh năm 1983, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị cấm vận chuyển 12 tháng, tính từ ngày 27/8/2019 đến hết ngày 26/8/2020 và kiểm tra trực quan bắt buộc 12 tháng tiếp theo tính từ ngày 27/8/2020 đến hết ngày 26/8/2021.

Cục Hàng không Việt Nam cũng thông tin thêm, bà Lê Thị Hiền là hành khách đi chuyến bay VN248 chặng TP HCM - Hà Nội ngày 11/8/2019, đã có hành vi vi phạm trật tự công cộng, gây rối tại cảng hàng không, sân bay. 

Bà Hiền đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 0022055/QĐ-XPHC ngày 17/8/2019 của Trưởng đồn Công an Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Quyết định cấm được thực hiện theo quy định tại các điểm a và e, khoản 1, Điều 18 Nghị định số 92/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ và khoản 3, Điều 60 Thông tư số 13/2019/TT-BGTVT ngày 29/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Nghị định 92/2015 của Chính phủ về an ninh hàng không quy định Cục Hàng không Việt Nam là đơn vị ra quyết định cấm bay với hành khách. Quyết định này được áp dụng đối với các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ Việt Nam của tất cả hãng hàng không. 

Theo đó đại úy Hiền sẽ không thể làm thủ tục bay ở bất cứ cảng hàng không nào trong lãnh thổ Việt Nam trong 12 tháng tới dù có mua vé của một hãng bay nước ngoài.

Để đảm bảo hình phạt được thực thi nghiêm túc, Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ của hành khách để phát hiện, ngăn chặn kịp thời bà Lê Thị Hiền. Các cảng vụ hàng không phải thông báo đến công an, hải quan cửa khẩu hàng không và các hãng hàng không nước ngoài thuộc địa bàn quản lý để biết và thực hiện.

Tuy nhiên về nguyên tắc, bà Hiền vẫn có thể lên máy bay từ một cảng hàng không đặt ở nước ngoài.

Trường hợp này xảy ra khi bà Hiền rời khỏi Việt Nam bằng một loại hình phương tiện giao thông không phải máy bay.

Cụ thể, hiệu lực của luật hành chính chỉ có trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Do đó hành khách bị cấm bay ở Việt Nam có thể bay ở nước ngoài.

Liên quan vụ việc này trả lời báo chí Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách hàng không Lê Anh Tuấn thông tin: “Từ ngày 12/8 (một ngày sau khi xảy ra sự việc - PV), tôi đã chỉ đạo Giám đốc An ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất rằng mọi người phải thượng tôn theo pháp luật. Là công chức càng phải gương mẫu, phải xử lý nghiêm nếu vi phạm”.

Quá trình giải quyết vụ việc, Đồn công an Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng đối với khách Lê Thị Hiền Mức phạt này một lần nữa gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong khi đó, do đã chuyển giao hồ sơ sang cơ quan công an nên nhà chức trách hàng không không có thẩm quyền để ra một quyết định xử phạt hành chính tương tự.

Về việc này, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với cơ quan công an làm rõ, xử lý nghiêm đối với khách nữ “mạt sát” nhân viên hàng không, gây náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngành hàng không luôn đặt sự an toàn và tính bảo mật lên hàng đầu, vì vậy các hãng bay trên thế giới đã đặt ra những quy định chặt chẽ giúp bảo vệ khách hàng và sự an toàn cho chuyến bay. 

 

Tại các nước trên thế giới, hành vi gây rối, lăng mạ người khác bị xử lý năng. Tại Hàn Quốc Năm 2016 trên chuyến bay của hãng Korean Air từ Hà Nội đến Seoul, một người đàn ông say rượu đã lao vào xô xát với những hành khách khác. Dù sự việc không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng người này sau đó đã bị bắt và bị phạt 1.700 USD. Sau sự cố đó, hãng hàng không Hàn Quốc đã trang bị súng điện Taser cũng như tuyển thêm tiếp viên nam để khống chế hành khách có hành vi bạo lực. 

Tháng 7/2019, một người phụ nữ Nhật đã bị phạt 105.000 USD sau khi có hành vi đe dọa an toàn hành khách và phi hành đoàn, kết quả khiến chuyến bay bị thay đổi lộ trình và cần sự hỗ trợ từ quân đội.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh, người phụ nữ đó đã bị bắt giữ và bị tuyên mức phạt ngay lập tức vì hành động nguy hiểm.

Tại Anh, các hãng hàng không đã cùng thực hiện chiến dịch “One Too Many”, các cảnh báo về hành vi gây rối. Theo chiến dịch này, ngoài việc nhắc nhở hành khách sẽ phải đối mặt với các hình phạt rất nặng vì làm gián đoạn chuyến bay.

Hành khách bị từ chối đối với bất kì chuyến bay nào nếu tiêu thụ quá nhiều rượu. Phạt tiền 5.000 bảng với bất kì ai trì hoãn chuyến bay. Phạt tiền 80.000 bảng (khoảng 2,27 tỉ đồng) đối với bất kì ai làm gián đoạn chuyến bay khi đang ở trên không.

Thậm chí, hành khách có thể phải đối mặt với hai năm tù vì làm gián đoạn chuyến bay.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) định nghĩa một hành khách gây rối là khi người đó không tôn trọng các quy tắc ứng xử tại sân bay, trên máy bay hoặc không làm theo hướng dẫn của nhân viên sân bay, thành viên phi hành đoàn; những điều này khiến xáo trộn trật tự tại sân bay hoặc trên máy bay, gây ảnh hưởng đến hành khách khác.

Ngoài ra, ICAO cũng xây dựng một danh sách dài những hành vi được xem là gây rối và gây ảnh hưởng đến trật tự tại sân bay, trên máy bay, chẳng hạn như: không tuân thủ hướng dẫn an toàn bay (không thắt dây an toàn, không tắt thiết bị điện tử, hút thuốc,…), đe dọa hành khách hoặc phi hành đoàn, lạm dụng hay quấy rối tình dục,…

 

Vụ đeo mào xe hợp đồng điện tử: Hiệp hội taxi 3 miền 'cầu cứu' Thủ tướng

Mới đây, hiệp hội taxi 3 miền lại gửi đơn “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ sau khi quy định gắn hộp đèn nóc đối với xe hợp đồng điện tử dưới 09 chỗ bị đưa ra khởi dự thảo nghị định

 

Nữ công an gây rối sân bay: Cư dân mạng thắc mắc lương đại úy bao nhiêu để mua đồng hồ 6.000 USD?

Trong đoạn clip bà Lê Thị Hiền gây rối sân bay Tân Sơn Nhất có đoạn nữ đại úy công an gọi điện cầu cứu người khác có nói việc lực lượng an ninh làm hỏng chiếc đồng hồ 6000 USD.

 

Doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc, cơ hội nào để Việt Nam đón sóng đầu tư?

Các chuyên gia dự báo sẽ có làn sóng doanh nghiệp Mỹ rời bỏ Trung Quốc sau tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên trang cá nhân.