Nữ ĐBQH đề xuất dành một ngày để tôn vinh đàn ông

Thứ tư, 29/05/2019, 20:02 PM

Chiều 29/5, nữ đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng nên có một ngày để tôn vinh nam giới, cũng giống như ngày phụ nữ Việt Nam.

nu-dbqh-de-xuat-danh-mot-ngay-de-ton-vinh-dan-ong
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Chiều 29/5, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thể hiện sự nhất trí với đề xuất có thêm một ngày nghỉ lễ trong năm nhưng băn khoăn với phương án nghỉ lễ vào ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7).

Lý do theo ông, việc nghỉ lễ vào ngày 27/7 sẽ khiến cho một bộ phận người dân từng thuộc về “chiến tuyến bên kia” tâm tư, nhất là trong bối cảnh chiến tranh đã lùi xa.

Thay vào đó, đại biểu Trí đề xuất, nên bố trí ngày nghỉ lễ mới vào đúng ngày gia đình Việt Nam (28/6) vì đây là ngày để cho các gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng cho rằng, việc bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm là cần thiết nhưng vào ngày nào thì Chính phủ nên lắng nghe ý kiến từ phía người dân. “Quan điểm của tôi là khi chúng ta có ngày tôn vinh phụ nữ thì cũng nên dành một ngày để tôn vinh đàn ông. Trên thế giới đã có rất nhiều nước có ngày này, Việt Nam vẫn chưa có. Đây cũng là tâm nguyện của tôi bấy lâu nay”, nữ ĐB Quốc Khánh đề xuất.

Còn ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên- Huế) đề xuất bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ trong năm là ngày khai giảng của học sinh.

“Dịp toàn dân đưa trẻ tới trường, không cho nghỉ thì các bậc cha mẹ vẫn xin nghỉ để cùng con tựu trường”, ĐB Nghĩa lý giải. 

Tranh luận quanh phương án nghỉ ngày 27/7

TĐB Lê Tấn Tới - GĐ Công an tỉnh Bạc Liêu bày tỏ băn khoăn phương án nghỉ vào ngày 27/7. “Khi tiếp xúc cử tri, có nhiều người phản ánh, trong đó có những thân nhân của thương binh liệt sỹ, họ nói những câu mà tôi thấy rất chạnh lòng, đó là ngày tang thương mất mát, ngày những người đã hi sinh xương máu cho đất nước mà lại lấy ngày đó làm ngày nghỉ thì người ta hoàn toàn phản đối”, ĐB Tới cho biết.

ĐB Võ Thị Ánh Xuân - Bí thư Tỉnh ủy An Giang cũng bày tỏ băn khoăn: “Ngày nghỉ lễ của Việt Nam cũng nhiều rồi, 1 đất nước còn khó khăn, đòi hỏi phải chung tay góp sức làm nhiều hơn cho sự phát triển. Nếu thêm 1 ngày nghỉ lễ nữa thì ý nghĩa của ngày nghỉ lễ này là gì? Tài sao chọn ngày 27/7?”, bà Xuân đặt câu hỏi.

Còn ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị xem lại việc giải thích từ ngữ: “Tôi đọc sáng nay mà cười ‘sặc sụa’. Tôi lên án kiểu nghỉ ngày 27/7, giăng khẩu hiệu rất to nhiệt liệt chào mừng ngày 27/7. Ngày đấy không phải là ngày chúng ta nhiệt liệt chào mừng.

“Trước giờ mặc dù không nghỉ nhưng thực tế cũng như nghỉ. Vào ngày này, hầu hết các cơ quan, đoàn thể đều tổ chức đi thăm cán bộ chính sách, tổ chức lễ lạt. Nếu quy định nghỉ trong luật sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của DN, không có lợi cho người sử dụng lao động. Hơn nữa thời gian nghỉ tết của Việt Nam đã dài rồi”, ĐB Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp nói.

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đồng tình ngày nghỉ lễ 27/7 và cho rằng việc này cũng mang ý nghĩa ngược dòng lich sử để tri ân, giáo dục tuyền thống uống nước nhớ nguồn, tác động đến đạo đức xã hội, đạo đức gia đình.

Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội về sự cần thiết xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung, như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thời giờ làm việc bình thường; việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên không quá 400 giờ (tăng thêm 100 giờ); căn cứ xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; nghỉ lễ, tết; việc nghỉ bù thời gian nghỉ Tết Âm lịch; việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27 tháng 7 Dương lịch); độ tuổi, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; việc thay đổi từ quy định người lao động “có thể nghỉ hưu” bằng quy định người lao động “có quyền nghỉ hưu” ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn; công việc, nơi làm việc cấm sử dụng người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi; quyền của thanh tra viên lao động; hợp đồng lao động và hình thức hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; thử việc, kết quả thử việc; việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc; thương lượng tập thể; thỏa ước lao động tập thể; tổ chức đại diện của người lao động; về tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; đình công và giải quyết tranh chấp lao động; việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, bổ sung thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài lao động…

Ngày mai (30/5), Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Theo chương trình, phiên họp sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội và Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình Quốc hội công ước 98

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế.

 

Đại biểu Quốc hội: 'Nhiều người giàu lên từ ôm đất vàng'

Trước việc nhiều dự án ở vị trí đắc địa được giao qua chỉ định thầu, các đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn "có lợi ích nhóm".

 

Bộ trưởng nào sẽ bị chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV?

Sáng 27/5, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi 5 nhóm vấn đề và danh sách 5 vị trả lời chất vấn để đại biểu lựa chọn 4 người trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 7 đang diễn ra.