Nữ nghi phạm bắt cóc bé 2 tuổi ở Bắc Ninh đối diện án phạt nào?

Chủ nhật, 23/08/2020, 13:00 PM

Theo luật sư, cơ quan chức năng cần thiết làm rõ mục đích của nữ nghi phạm bắt cóc cháu bé 2 tuổi ở Bắc Ninh để có căn cứ xử lý, lời khai chỉ là 1 phía.

Nguyễn Thị Thu (người phụ nữ bắt cóc bé 2 tuổi ở Bắc Ninh) và Đặng Văn Bằng. (Ảnh: Đoàn Tuấn).

Nguyễn Thị Thu (người phụ nữ bắt cóc bé 2 tuổi ở Bắc Ninh) và Đặng Văn Bằng. (Ảnh: Đoàn Tuấn).

Vụ việc Công an Bắc Ninh cùng lực lượng chức năng giải cứu thành công cháu bé 2 tuổi bị bắt cóc ở Bắc Ninh khi đi chơi công viên cùng bố ngày 21/8, nhận được sự tán dương của dư luận.

Cháu bé bị bắt cóc là Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi, ở TP Bắc Ninh).

Nghi phạm bắt cóc cháu bé là Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, Tổ 5, phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng, đang cư trú cùng người yêu tại Xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) và Đặng Văn Bằng (33 tuổi, quê Tuyên Quang).

Bước đầu, cảnh sát làm rõ Nguyễn Thị Thu là người bắt cóc cháu bé. Theo lời khai của Bằng, Thu là người bắt cóc cháu bé. Khi anh ta đến điểm hẹn thì thấy nữ nghi phạm dẫn theo cháu Gia Bảo.

Trong khi đó, thông tin trên tờ VNE: Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho hay: Thu khai, lập gia đình nhiều năm song chưa có con.

Chiều 21/8, thấy bé Gia Bảo đứng một mình tại Công viên Nguyễn Văn Cừ (phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh), cô ta đã đưa đi và thay quần áo khác. 3h sáng 22/8, Thu đưa bé về nhà Đặng Văn Bằng.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đến thời điểm này có thể thấy, đây là vụ việc có dấu hiệu của hành vi bắt cóc chiếm đoạt trẻ em.

"Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ nhân thân lai lịch của các đối tượng này và mục đích bắt cóc đứa trẻ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật".

"Pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, quyền tự do của công dân. Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe quyền tự do cư trú của công dân đều bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự.

Bé 2 tuổi sau khi được tìm thấy.

Bé 2 tuổi sau khi được tìm thấy.

Theo quy định của pháp luật, trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục theo quy định của luật trẻ em và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Theo đó cha, mẹ, người giám hộ là người có quyền và có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc giao trả em cho người khác trông nom, quản lý phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý", luật sư Cường cho hay.

Nhận định hành vi của đối tượng, luật sư cho rằng: Việc các đối tượng đã lợi dụng sơ hở của cha cháu bé để đưa cháu đi thì đây là hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em.

"Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội bởi đứa trẻ phải rời khỏi gia đình, tước bỏ quyền nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ cháu bé một cách trái pháp luật. Do đó, các đối tượng bắt cóc chiếm đoạt cháu bé sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 153, bộ luật hình sự năm 2015 về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Theo đó, mọi hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự bàn bạc, phân công, phân nhiệm, có sự cấu kết chặt chẽ với nhau thì các đối tượng phạm tội sẽ phải chịu mức án từ 5 năm đến 10 năm tù", luật sư Cường nhận định.

Luật sư Đặng Văn Cường lên án hành vi bắt cóc trẻ em.

Luật sư Đặng Văn Cường lên án hành vi bắt cóc trẻ em.

Luật sư Cường cho rằng, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các đối tượng trong vụ việc này để xác định ý thức chủ quan của các đối tượng có nhằm chiếm đoạt đứa trẻ hay không, mục đích chiếm đoạt đứa trẻ để nuôi dưỡng hay để tống tiền hay để bán cho người khác?

Trong trường hợp, hành vi chiếm đoạt đứa trẻ để nhằm tống tiền cha mẹ, người thân thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội bắt cóc nhầm chiếm đoạt tài sản.

Nếu nhằm mục đích mua bán trẻ em thì đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151 Bộ luật hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi... mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân.

"Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ động cơ mục đích của đối tượng để có kết luận chính xác và xác định trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.

Trường hợp cho thấy các đối tượng muốn chiếm đoạt cháu bé này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 153 Bộ luật hình sự nêu trên, hình phạt thấp nhất là 3 năm tù, hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 15 năm tù.

Còn nếu hành vi bắt cóc đứa trẻ nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc nhằm mục đích thực hiện hoạt động mua bán người thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn bởi những hành vi đó không những nguy hiểm cho xã hội còn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé” – luật sư Cường cho hay.

Qua vụ việc trên, luật sư Cường cho rằng, hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em là hành vi đáng lên án và đáng phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Bởi hành vi này không những xâm phạm quyền tự do thân thể của các cháu bé mà tước đoạt quyền của cha mẹ cháu bé trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Hành vi bắt cóc trẻ em có thể gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của nhiều người. Do đó, cơ quan điều tra cần sớm làm rõ sự việc và có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Bài liên quan