Nước Ý tang tóc

Thứ bảy, 21/03/2020, 07:00 AM

627 người thiệt mạng trong ngày 20/3 vì dịch bệnh Covid-19, vượt xa những gì đã xảy ra ở tâm dịch Vũ Hán trước đây, nước Ý có một ngày tang tóc chưa từng thấy.

Một gia đình đi sau xe chở thi thể người thân trong nghĩa trang Monumentale của TP Bergamo, Ý. Ảnh: AP

Một gia đình đi sau xe chở thi thể người thân trong nghĩa trang Monumentale của TP Bergamo, Ý. Ảnh: AP

Đất nước Italy tiếp tục trải qua một ngày tang tóc vì đại dịch Covid-19. Trong ngày 20/3, nước này ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay trên toàn thế giới khi đã có thêm 627 bệnh nhân thiệt mạng, vượt xa những gì đã diễn ra tại Vũ Hán vào tháng trước.

Tính đến hết ngày 20/03, Italy đã có trên 47.000 ca nhiễm Covid-19 và trên 4.000 bệnh nhân thiệt mạng. Sự bùng phát khủng khiếp của đại dịch Covid-19 tại nước này thể hiện qua một cột mốc là cách đây đúng 1 tháng, Italy phát hiện bệnh nhân đầu tiên ở vùng Lombardy và đến hiện tại, con số này đã cao gấp 22.000 lần (22.264 người nhiễm bệnh).

Hiện tại Italy đang huy động tất cả những gì có thể để chiến đấu với đại dịch. Theo Cơ quan bảo vệ dân sự Italy, số giường điều trị tăng cường đã được tăng lên từ 5.800 lên 8.000 giường và sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Ngày càng nhiều tổ chức quốc tế đổ về miền Bắc Italy để trợ giúp nước này.

Quân đội Italy cũng bắt đầu được triển khai tại các thành phố lớn như Milan để hỗ trợ cảnh sát trong việc siết chặt các quy định về cấm đi lại khi ngày càng có nhiều phản ánh cho thấy rất nhiều người dân Italy không tôn trọng các lệnh cấm ra khỏi nhà.

Từ ngày 21/3, tất cả các công viên trên toàn Italy sẽ bị đóng cửa để hạn chế người dân đổ về đây tụ tập. Công dân Italy chỉ được phép hoạt động thể thao quanh nhà.

Cùng tình trạng nguy cấp như Italy, Tây Ban Nha trong ngày 20/3 cũng đã có số bệnh nhân thiệt mạng vượt quá con số 1 ngàn người khi có thêm 235 ca tử vong, tăng 30% trong vòng 24h. Tổng cộng, Tây Ban Nha hiện có 1.053 ca tử vong và trên 20 nghìn ca nhiễm Covid-19, vượt qua Iran để trở thành nước chịu tổn thất vì dịch lớn thứ 3 trên thế giới sau Italy và Trung Quốc.

Nhằm giảm tải cho các bệnh viện, chính quyền Tây Ban Nha bắt đầu tiến hành cải tạo một trung tâm hội nghị lớn ở thủ đô Madrid thành một bệnh viện dã chiến quân đội có sức chứa 5500 giường bệnh. Quân đội Tây Ban Nha cũng tiếp tục được huy động để khử trùng các địa điểm, đặc biệt là các nhà dưỡng lão, nơi có các đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì dịch Covid-19.

Thống kê về virus SARS-Cov-2 của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng trong ngày 20/3, theo đó, tổng số người thiệt mạng vì dịch Covid-19 đã lên tới 11.129, cả thế giới có 257.327 người nhiễm.

Thống kê về virus SARS-Cov-2 của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng trong ngày 20/3, theo đó, tổng số người thiệt mạng vì dịch Covid-19 đã lên tới 11.129, cả thế giới có 257.327 người nhiễm.

Pháp đã có 450 người chết, 12.612 người nhiễm. Thủ tướng Emmanuel Macron ngày 20/3 nói Pháp chỉ mới đang ở điểm bắt đầu của cuộc khủng hoảng.

Ngày 20/3 quân đội Pháp cho biết Thủ tướng Macron đã lệnh triển khai một tàu chiến sơ tán bệnh nhân COVID-19 từ đảo Corsica về các bệnh viện đất liền để điều trị.

Anh đã có 144 người chết, 3.269 ca nhiễm. Anh đã phải kêu gọi 65.000 bác sĩ, y tá về hưu trong vòng ba năm trở lại đây quay lại làm việc. Sinh viên y năm cuối cũng được huy động tham gia chống dịch.

Thủ tướng Boris Johnson đề nghị mọi người làm việc tại nhà và tránh các địa điểm giải trí. Tuy nhiên, đến thời điểm này ông Johnson vẫn kiềm chế không áp lệnh phong tỏa dù có tin đồn về điều này và nhiều nước châu Âu đã áp dụng, theo Reuters.

Đức đã có 44 người chết, 13.957 người nhiễm. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo công dân không ra nước ngoài đến hết tháng 4.

Ngày 20/3 chính phủ Đức cảnh cáo có thể sẽ phải áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc nếu 83 triệu dân nước này không tuân thủ giữ khoảng cách với nhau để ngăn dịch lây lan.

Người phát ngôn Thủ tướng Angela Merkel cho biết bà Merkel sẽ họp với các lãnh đạo khu vực vào ngày hôm nay (21/3) để bàn thêm các biện pháp mạnh chống dịch, trong đó biện pháp giới nghiêm. Hệ thống chính trị ở Đức không cho phép bà Merkel đơn phương áp lệnh này, vì còn tùy vào quyết định của từng bang.

Số liệu một số nước châu Âu khác: Hà Lan đã có 106 người chết, 2.994 người nhiễm. Bỉ có 37 người chết, 2.257 người nhiễm. Thụy Sĩ đã có 33 người chết, 3.438 người nhiễm. Thụy Điển 10 người chết, 1.423 ca nhiễm. Đan Mạch chín người chết, 1.226 ca nhiễm.

Bài liên quan