Làm sao để giảm ốm nghén, bớt mệt mỏi

Thứ bảy, 12/10/2019, 06:33 AM

Ốm nghén là hiện tượng thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai. Các con số thống kê cho thấy có tới gần 80% phụ nữ mang thai đều trải qua giai đoạn này. Vậy vì sao phụ nữ mang bầu lại nghén? Làm sao để có thể giảm ốm nghén, bớt  mệt mỏi mà vẫn đảm bảo sức khỏe của bà mẹ và thai nhi?

Vì sao bà bầu nghén?

Một số dự đoán gần như chắc chắn về các nguyên nhân gây ra ốm nghén được các nhà nghiên cứu chỉ ra cho thấy nồng độ HCG trong cơ thể phụ nữ ở giai đoạn mang thai có liên quan trực tiếp tới các triệu chứng nghén, mức độ nghén nhiều hay ít.

lam-sao-de-giam-om-nghen-bot-met-moi
Làm sao để giảm ốm nghén, bớt mệt mỏi. Ảnh minh họa

HCG là chữ viết tắt của Human Chorionic Gonadotropin. Đây là một loại hormone thai kỳ được tiết ra bởi nhau thai và được phát hiện bằng cách xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Nồng độ hormone trong cơ thể  tỉ lệ thuận với chứng buồn nôn, tình trạng nghén của bà bầu. Nghĩa là, thai phụ nào có nồng độ HCG trong máu càng cao thì càng buồn nôn nhiều hơn, càng nghén nặng nề hơn.

Mỗi bà mẹ mang thai có những biểu hiện nghén khác nhau, có người thèm ngủ, có người sợ mùi vị, có người thèm ăn một món rất đặc biệt... nhưng triệu chứng phổ biến thường gặp là ghê cổ, buồn nôn, nhạy cảm mùi vị và mệt mỏi.

Về cơ bản, nếu hiện tượng nghén không trầm trọng thì người mẹ mang thai sẽ được khuyên không cần can thiệp gì. Tình trạng nghén này sẽ giảm dần và thường kết thúc khi thai nhi được 12-13 tuần tuổi. Nhưng nếu bà bầu không thể ăn uống được, cơ thể mệt mỏi, sức khỏe suy giảm, sức khỏe thai nhi bị đe dọa do nghén thì bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng một số chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và có thể kê đơn một số loại thuốc hỗ trợ.

Cách giảm nghén cho bà bầu

Thứ nhất, giữ cho bà bầu thoải mái về tinh thần, hạn chế stress, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh.

Thứ hai, lên thực đơn bữa ăn theo sở thích bà bầu. Để giảm ốm nghén, bữa ăn của bà bầu nên được chia nhỏ; hạn chế các thức ăn đậm mùi, dễ gây đầy bụng.

Thứ ba, uống đủ nước, ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giờ; sử dụng vitamin bổ tổng hợp để đảm bảo cho bà mẹ mang thai có đủ lượng vitamin và khoáng chất cần thiết. Hơn thế, một số vitamin có khả năng giảm tình trạng nghén trực tiếp như vitamin B6.

*Trong trường hợp bà bầu bị nghén nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt, cần được bác sĩ thăm khám và kê đơn để hỗ trợ giảm nghén.

Vì sao vitamin B6 lại có thể giúp bà bầu giảm ốm nghén?

Vitamin B6 hay còn được biết là pyridoxine, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trí não và hệ thần kinh của trẻ. Vitamin B6 cũng giúp chuyển hóa protein và carbohydrate cho trẻ.

Vitamin B6 cũng giúp chuyển hóa protein và carbohydrate trong cơ thể bà bầu hình thành các tế bào máu mới, kháng thể và dây thần kinh.

Bổ sung vitamin B6 giúp cho bà bầu giảm cảm giác buồn nôn và ốm nghén trong thời kỳ mang thai. Theo các nghiên cứu, bà bầu được cung cấp đủ hàm lượng vitamin B6 cần thiết cho cơ thể (khoảng 2mg/ngày) gần như không có triệu chứng nghén.