Ông Dương Trung Quốc: Phải kiểm soát rượu, bia, xây dựng văn hóa uống rượu

Thứ sáu, 24/05/2019, 14:18 PM

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng thay vì "Luật Phòng chống tác hại của rượu bia", nên đổi thành "Luật kiểm soát bia, rượu".

ong-duong-trung-quoc-kiem-soat-ruou-bia-xay-dung-van-hoa-uong-ruou
 Đại biểu Dương Trung Quốc. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến những tranh luận về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng điều bất cập nhất trong dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nằm ở ngay tên của nó. Chúng ta đang né tránh vấn đề cốt lõi là năng lực kiểm soát, không lấy con người là chính mà chỉ lấy chế tài.

Theo ông Quốc, vấn đề văn hóa trong uống rượu bia là đặc biệt quan trọng. Nhiều đại biểu cảnh báo nếu không cải thiện được yếu tố văn hóa thì người dân lại xài các loại rượu bia ngoài luồng, nhập lậu.

Thực trạng sử dụng rượu bia tràn lan gây tình trạng giao thông đến mức báo động. Nhưng nếu nói là do rượu bia tức là đang đổ vấy bởi rượu bia chỉ là một phần, còn có các nguyên nhân liên quan tới đường sá, đào tạo lái xe và nhiều yếu tố khác.

"Nguyên nhân không hoàn toàn vì rượu mà còn bởi người uống rượu. Phải điều chỉnh hành vi con người, chứ không phải điều chỉnh hành vi của "rượu"", ông Quốc cho biết.

Vị đại biểu Quốc hội cho rằng thay vì "Luật Phòng chống tác hại của rượu bia", nên đổi thành "Luật kiểm soát bia, rượu".

"Cái mù mờ nhất của dự thảo luật là cứ nói nhiều nước có luật tương tự. Nhưng thử hỏi có nước nào làm luật là chống tác hại của rượu bia không?

Trước đó, trong phiên thảo luận về dự Luật Phòng chống tác hại của rượu bia sáng 23/5, ông Quốc cho rằng cách tiếp cận luật này hiện giờ là sai.

"Chúng ta phải tiếp cận xây dựng Luật từ góc độ văn hoá. Uống rượu bia là văn hoá của cả nhân loại rồi, sao lại đưa nó lên đoạn đầu đài thế này. Liệu 'uống rượu bia có hại cho sức khoẻ' có phải là thông điệp của thế giới không? Nếu chúng ta cứ nhìn ở góc độ đó thì mãi mãi không khả thi, không thực tế, đi ngược lại xu thế của thế giới.

Chúng ta cần có lộ trình đúng đắn, nhìn nhận khách quan, phù hợp với xu thế, đừng cực đoạn, cục bộ thì luật sẽ không có gây hiệu ứng xã hội", đại biểu Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm.

Nữ đại biểu bày tỏ băn khoăn về nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật mới nhất. “Liệu nó đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên hay chưa”, bà Hiền đặt câu hỏi.

Với quy định về quảng cáo, theo bà Hiền, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.

Được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rà soát các quy định liên quan đến quảng cáo rượu, bia của Luật Quảng cáo (năm 2012), Luật Thương mại (năm 2005) cũng như lịch sử của các quy định về quản lý trong lĩnh vực này thì thấy rằng, từ năm 2001 (ban hành Pháp lệnh Quảng cáo) đến nay, quảng cáo, khuyến mại rượu, bia ngày càng được quan tâm quản lý, nhận thức được nồng độ cồn có trong sản phẩm rượu, bia tỷ lệ thuận với tác hại của sản phẩm này nên các sản phẩm rượu, bia đã được quản lý theo hướng chặt hơn.

Theo đó, từ việc không quy định về quản lý quảng cáo rượu, bia trong Pháp lệnh Quảng cáo (năm 2001), tiến tới quy định cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 30 độ cồn trở lên trong Luật Thương mại (năm 2005), xác định rượu mạnh là đồ uống có cồn, độ rượu từ 15% trở lên tính theo thể tích (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm đồ uống có cồn) và cấm quảng cáo rượu từ 15 độ cồn trở lên trong Luật Quảng cáo (năm 2012).

Để phù hợp với Luật Quảng cáo và tính đồng bộ của hai hình thức xúc tiến thương mại trong Luật Thương mại là quảng cáo, khuyến mại, dự thảo Luật đã quy định về cấm quảng cáo, khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên, cấm khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người chưa đủ 18 tuổi và cấm sử dụng rượu từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5.

Bên cạnh đó, với tính chất là sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng, có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và có thể tác động xấu đến an toàn, trật tự xã hội, để hạn chế ảnh hưởng của việc quảng cáo rượu, bia đến giới trẻ và phù hợp với xu hướng quốc tế (trên thế giới có hơn 123 nước có quy định biện pháp cấm hoặc hạn chế quảng cáo rượu, bia), tránh việc hiểu lầm là chỉ rượu từ 15 độ cồn trở lên mới gây hại nếu dự thảo Luật chỉ quy định cấm quảng cáo loại sản phẩm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu dưới 15 độ cồn và bia tại Điều 12 và Điều 13 của dự thảo Luật.

 

Đại diện Auchan Việt Nam: 'Chúng tôi quá xấu hổ'

Đó là phát biểu của đại diện Auchan Việt Nam trước cảnh tượng chen lấn, tranh giành, ăn thử sản phẩm ngay trong siêu thị.

 

Ông Bùi Kiến Thành: Vốn FDI tăng nhưng phải xem nhà đầu tư có ngụ ý gì về chủ quyền không?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, sự dịch chuyển dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải có sự sàng lọc, lựa chọn với tiêu chí rõ ràng.

 

Bãi xe ngầm công viên Thống Nhất giờ ra sao?

Hơn 3 năm kể từ khi Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa đồng ý chủ trương cho xây dựng bãi đỗ xe ngầm công viên Thống Nhất nhưng đến nay dự án “giậm chân tại chỗ”.