Ông Kim Jong-un chính thức thành nguyên thủ quốc gia sau khi Triều Tiên sửa hiến pháp

Thứ năm, 11/07/2019, 22:25 PM

Yonhap đưa tin, Hiến pháp mới của Triều Tiên đã công nhận ông Kim Jong-un là nguyên thủ quốc gia chính thức.

trieu-tien-sua-hien-phap-ong-kim-jong-un-chinh-thuc-thanh-nguyen-thu-quoc-gia
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, Hiến pháp nước này đã được sửa vào kỳ họp tháng 4 của Hội đồng Nhân dân tối cao (SPA), tức Quốc hội Triều Tiên.

Văn bản mới quy định rõ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên (SAC) đóng vai trò lãnh đạo tối cao “đại diện cho nhà nước”, theo Naenara, một trang web tuyên truyền của Triều Tiên. Vì vậy, ông Kim Jong-un, người đứng đầu SAC hiện tại, đã trở thành nguyên thủ quốc gia của nước này.

Hiến pháp trước đó quy định rằng chủ tịch SAC sẽ giữ vị trí lãnh tụ tối cao, còn chủ tịch Quốc hội mới là nguyên thủ quốc gia.

Hiến pháp mới quy định rằng chủ tịch SPA sẽ đại diện cho đất nước và nhận được thông tin từ các đặc phái viên nước ngoài. Theo Yonhap, điều này có nghĩa rằng vị trí chủ tịch SPA dường như sẽ mang ý nghĩa tượng trưng trong hoạt động đối ngoại.

Các đồn đoán về việc Triều Tiên sửa Hiến pháp để ông Kim trở thành nguyên thủ quốc gia đã được đưa ra từ đầu năm nay sau khi tên ông Kim không xuất hiện trong cuộc bầu cử hồi tháng 3 để lựa chọn đại biểu Quốc hội cho SPA khóa 14. Ông Kim cũng không nằm trong danh sách 687 đại biểu Quốc hội trúng cử.

Đây là động thái chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Triều Tiên khi một nhà lãnh đạo tối cao không có tên trong danh sách đại biểu Quốc hội khóa mới. Trước đây, cả ông nội và cha của ông Kim, 2 nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, đều có ghế trong Quốc hội nước này.

Ông Kim được bầu làm chủ tịch SAC vào tháng 4. Truyền thông Bình Nhưỡng khi đó gọi ông bằng danh hiệu mới “đại diện tối cao”, động thái khiến các bên tiếp tục đồn đoán về việc Triều Tiên sẽ sửa Hiến pháp.

Cũng vào tháng 4, ông Choe Ryong-hae, một trong những cánh tay đắc lực của ông Kim Jong-un được chọn làm Chủ tịch SPA.

Thay đổi chính sách

Ngoài ra, theo Yonhap, Hiến pháp mới của Triều Tiên đã loại bỏ thuật ngữ “songun”, ám chỉ chính sách “quân sự là số một” của Triều Tiên. Thuật ngữ này bắt đầu được đưa ra từ thời cố lãnh đạo Kim Nhật Thành vào năm 1960 và cũng là cách thức ông Kim điều hành đất nước Triều Tiên thời đó.

Ngoài ra, văn bản này còn loại bỏ “các dự án xây dựng quốc phòng quốc gia” ra khỏi định nghĩa về bổn phận và nghĩa vụ của các thành viên nội các, một động thái mà các chuyên gia cho rằng ông Kim dường như đang nỗ lực thay đổi chính sách “songun” truyền từ thế hệ trước.

Theo Yonhap, Hiến pháp mới phản ánh ông Kim dường như đang tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế thông qua khoa học và công nghệ. Thêm vào đó, văn bản này cũng tuyên bố rằng Triều Tiên sẽ “mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại”, thay vì cụm từ “phát triển thương mại nước ngoài” trước đó.

Các chuyên gia cho rằng những sự thay đổi nói trên cho thấy Bình Nhưỡng sẽ tập trung hơn vào việc phát triển quan hệ với các quốc gia khác để nâng cao uy tín nhằm thúc đẩy phát triển thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài vào Triều Tiên trong bối cảnh lệnh trừng phạt vẫn đang bủa vây quốc gia Đông Á.

Việc ông Kim trở thành nguyên thủ quốc gia chính thức cũng được giới quan sát đánh giá là hợp lý với tình hình hiện tại khi ông ngày càng tăng cường các hoạt động ngoại giao với chính phủ và lãnh đạo nước ngoài.

 

Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc sở hữu tiêm kích F-35

Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc sở hữu tiêm kích F-35 là “hành động cực kỳ nguy hiểm” trong bối cảnh quan hệ liên Triều đang lâm vào bế tắc.

 

Quan hệ Triều Tiên - Đài Loan: Mối tình phức tạp giữa ‘ẩn sĩ’ và ‘đứa con rơi’?

Thương vụ trị giá 2,2 tỷ đô giữa Mỹ và Đài Loan đang khiến quan hệ Mỹ - Đài – Trung trở nên ngày càng phức tạp. Thế nhưng ít ai biết rằng, chính sách đối ngoại với Triều Tiên cũng là một nước cờ quan trọng Đài Loan đang sử dụng để cân bằng vai trò của mình trong tam giác lửa nói trên.