Ông Lê Hoàng Châu: Dự án BT dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

Thứ ba, 11/09/2018, 15:17 PM

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

dự án BT
Những rủi ro của nhà đầu tư dự án BT cần được xem xét giải quyết. Ảnh minh họa/ nguồn Báo Giao Thông.

Theo đó, Chủ tịch HoREA nhận định, việc xã hội hóa đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, hệ thống hạ tầng đô thị, hệ thống hạ tầng xã hội theo phương thức đối tác công - tư (PPP), trong đó, có hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT) trong hơn 20 năm qua và trong nhiều năm tới đã và sẽ tiếp tục giữ vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước và phục vụ lợi ích cộng đồng xã hội, nhất là trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn.

Thực hiện phương thức đối tác công - tư (PPP), nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài được coi là đối tác bình đẳng với cơ quan Nhà nước, hai bên đều có lợi. Đối với hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), về bản chất quan hệ thanh toán phổ biến là "hàng - tiền": Nhà nước giao Dự án BT cho nhà đầu tư; Nhà đầu tư thực hiện xong Dự án BT là "hàng", thì được Nhà nước thanh toán bằng "tiền".

Nhưng trong điều kiện thực tế hiện nay ở nước ta, do nguồn lực ngân sách có hạn nên phải sử dụng thêm các nguồn tài sản công khác để thanh toán Dự án BT cho nhà đầu tư, trong đó, có quỹ đất; nhà và tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan nhà nước; tài sản kết cấu hạ tầng công lập...

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn này đã bộc lộ những mặt còn hạn chế, chưa minh bạch, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, hình thành nhóm lợi ích và chủ nghĩa tư bản thân hữu có thể làm thất thoát tài sản công, trước hết là quỹ đất công. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa được coi là đối tác bình đẳng, chưa được coi trọng và đảm bảo đầy đủ lợi ích chính đáng.

HoREA cũng cho rằng vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Dự án BT. Việc chậm ban hành Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có thể mang lại một số rủi ro cho nhà đầu tư.

Theo đó, nhà đầu tư dự án BT sẽ chậm được bàn giao mặt bằng công trình dự án BT. Nếu chậm 1 năm thì nhà đầu tư đã khó khăn, nếu kéo dài nhiều năm thì không nhà đầu tư nào chịu đựng nổi.

Cũng theo HoREA, nhà đầu tư Dự án BT còn có thể chậm được bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán Dự án BT, hoặc chậm được bàn giao mặt bằng quỹ đất thanh toán Dự án BT theo giai đoạn. Nhất là trong trường hợp quỹ đất thanh toán chưa giải phóng mặt bằng mà nhà đầu tư đã ứng tiền cho cơ quan Nhà nước để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bởi lẽ, theo Khoản 5 Điều 3 của Dự thảo Nghị định, khoản lãi vay của Dự án BT kết thúc ngay sau khi Nhà nước giao đất cho nhà đầu tư, mà nếu thực hiện giao đất đúng hợp đồng thì Nhà nước sẽ tiết kiệm được không ít và nhà đầu tư cũng giảm được chi phí lãi vay. Hơn nữa không có tổ chức tài chính nào dám cho vay nếu Dự án BT kéo dài nhiều năm rồi mới được giao đất vì sẽ dẫn đến chi phí tài chính thì quá lớn, kể cả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ không thể kiểm soát nếu bị kéo dài và cũng rất khó dự đoán thị trường sau 5-7 năm.

Trong khi đó, trong Dự thảo Nghị định chưa quy định trách nhiệm tài chính của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017 khi cơ quan có thẩm quyền chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng để giao đất Dự án BT cho nhà đầu tư thi công, hoặc chậm tiến độ bàn giao quỹ đất thanh toán Dự án BT cho nhà đầu tư.

Trên cơ sở đó, HoREA đề xuất bổ sung chính sách, cơ chế bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư dự án BT vào Dự thảo Nghị định theo hướng đề nghị cơ quan có thẩm quyền bàn giao mặt bằng công trình theo đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng Dự án BT để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời đề nghị nghị cơ quan có thẩm quyền bàn giao quỹ đất thanh toán Dự án BT, hoặc bàn giao quỹ đất thanh toán Dự án BT theo giai đoạn, theo đúng tiến độ đã thỏa thuận trong hợp đồng Dự án BT cho nhà đầu tư;

Bên cạnh đó, cần bổ sung vào Dự thảo Nghị định nội dung quy định trách nhiệm tài chính của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước 2017, khi cơ quan có thẩm quyền chậm tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng để giao đất Dự án BT cho nhà đầu tư thi công, hoặc chậm tiến độ bàn giao quỹ đất thanh toán Dự án BT cho nhà đầu tư, để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, viên chức nhà nước trong thực thi công vụ.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008.

Nhưng cho đến nay vẫn chưa ban hành Nghị định mới để thay thế Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ "Quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao" (nay đã hết hiệu lực), nên trên thực tế, kể từ ngày 01/01/2018 đến nay, vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Dự án BT.

Do thiếu khung pháp lý nên mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, Ủy ban nhân dân thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.