Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến sai phạm tại Sadeco

Thứ bảy, 14/09/2019, 13:59 PM

Theo kết luận của Thanh tra TP HCM, sai phạm tại Sadeco có sự tiếp tay của ông Tất Thành Cang trên cương vị Phó bí thư Thành ủy.

ong-tat-thanh-cang-lien-quan-the-nao-den-sai-pham-tai-sadeco
Sai phạm tại Sadeco có sự tiếp tay của ông Tất Thành Cang trên  cương vị Phó bí thư Thành ủy. 

Theo đề án tái cơ cấu, công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TP) với tỷ lệ sở hữu vốn tại công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) là 44%, nên không cần giảm tỷ lệ sở hữu vốn. Đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%.

Thế nhưng, IPC đã trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. IPC cũng nêu  "Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”.

Tuy nhiên, Thanh tra TP cho biết thông báo này chỉ truyền đạt ý kiến của Phó bí thư thường trực Thành ủy (khi đó là ông Tất Thành Cang - PV), chứ không phải là chủ trương của Thường trực Thành ủy.

Với đề án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%, IPC đã phát hành cổ phiếu cho công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá. Thanh tra TP khẳng định việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”. 

Ngoài ra, ông Cang đã bút phê chấp thuận cổ phần hóa sai quy định tại Công ty TNHH MTV phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (IPD) khi còn đương chức Phó Chủ tịch UBND TP. HCM.

IPD tiền thân có 100 vốn nhà nước, là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC). Chủ trương được Thủ tướng phê duyệt sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50 vốn điều lệ.

ong-tat-thanh-cang-lien-quan-the-nao-den-sai-pham-tai-sadeco
Ông Tất Thành Cang khi còn đương chức.

IPD đề xuất 2 phương án về tỉ lệ vốn nhà nước là 49% và 36%. Tuy nhiên, khi trình lên UBND TP, IPC lại trình 2 phương án tỉ lệ vốn nhà nước tại IPD sau cổ phần hóa là 65% và 75% để IPC có quyền chi phối.

Cuối cùng, ông Cang chấp thuận phương án cổ phần hóa nhà nước nắm giữ 75% IPD.

Sau khi cổ phần hóa, IPD trở thành công ty CP tiếp vận Đông Sài Gòn (ESL) có vốn điều lệ 652 tỷ đồng. Cũng kể từ đây, ESL có những hoạt động đầu tư sai quy định, đẩy quyền chi phối hoạt động vào tay tư nhân.

Theo kết luận thanh tra, ESL sẽ đầu tư xây dựng, khai thác dự án cảng. Tuy nhiên, ESL góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Cát Lái - Đông Sài Gòn để khai thác cảng.

"Với tỉ lệ góp vốn 20%, ESL không còn quyền chi phối, dẫn đến kết quả đối tác khác nắm quyền, quyết định việc kinh doanh khai thác cảng" - kết luận thanh tra nhận định.

Thanh tra thành phố cũng chỉ rõ các khuyết điểm về thoái vốn của ESL tại Công ty Cổ phần xây dựng Thương mại Thái Dương, Công ty Cổ phần Tiếp vận Hồng Ngọc, Công ty Cổ phần Cơ khí và Đúc kim loại Sài Gòn, dẫn tới các khoản nợ khó có khả năng thu hồi.

Mặt khác, việc thực hiện dự án bất động sản khác cũng để xảy ra vi phạm như tại dự án tái định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, khu dân cư Hiệp Phước 1, khu dân cư Hiệp Phước 2, Khu dân cư Long Thới.

Đặc điểm chung của các dự án này khi IPC và các công ty liên kết thực hiện là không tổ chức bán đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định giá vốn góp, giá trị chuyển nhượng chưa đầy đủ cơ sở, không phù hợp, áp dụng đơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng với giá thị trường, chuyển nhượng nền đất không đúng đối tượng, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

 

Rạng Đông di dời, 'đất vàng' sẽ xây chung cư?

Sau vụ cháy khủng khiếp, nhiều người bất ngờ khi thông tin khu đất "vàng" của Công ty Rạng Đông đã nằm trong quy hoạch phân khu được dự kiến xây dựng cao đến 50 tầng.

 

Ninh Bình: Nhà máy xi măng The Vissai 'bức tử' môi trường?

Nhà máy Xi măng The Vissai Ninh Bình sản xuất xi măng liên tục bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường từ xả khói, bụi ...ảnh hưởng dân cư sinh sống quanh nhà máy bị ô nhiếm ,ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

 

VietJet Air xin tự phục vụ mặt đất và chuyện Chính phủ không bán bia, bán sữa

VietJet Air xin tự phục vụ mặt đất là phù hợp giúp doanh nghiệp chủ động trong nâng cao dịch vụ tuy nhiên lợi nhuận từ "miếng bánh" dịch vụ mặt đất sẽ khó nhường cho doanh nghiệp tư nhân