Thứ hai, 25/03/2019, 09:57 AM
  • Click để copy

Gian lận thi cử ở Sơn La: 'Phải công khai danh tính thí sinh được nâng điểm'

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cơ quan chức năng cần phải công bố danh tính thí sinh và những người liên quan trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình.

gian-lan-thi-cu-o-son-la-phai-cong-khai-danh-tinh-thi-sinh-duoc-nang-diem
TS Nguyễn Văn Khải: "Phải công khai danh tính thí sinh và những người liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La và Hòa Bình...".

Thí sinh được nâng điểm không thể vô can?

Liên quan đến vụ việc gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình vừa được Bộ GD&ĐT công bố, gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần phải công bố danh tính thí sinh được nâng điểm để làm gương cho những kỳ thi sau. Tuy nhiên, đến hiện tại các Sở GD&ĐT lại chưa công bố.

Thậm chí trả lời trước đó, trên tờ Tiền Phong, bà Đinh Thị Hường - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, nếu công bố sẽ làm tổn thương các thí sinh này.

“Vì tuổi của các thí sinh 17, 18, đang ở tuổi tuy có những suy nghĩ chín chắn nhưng cũng có những suy nghĩ bồng bột. Việc người lớn làm, các em phải chịu đã là một tổn thất lớn cho các em. Chúng tôi muốn làm sao để tâm lý các em không bị đột ngột, không bị xáo trộn”, bà Hường giải thích.

Chia sẻ quan điểm, TS Nguyễn Văn Khải (thầy giáo Vật lý) cho rằng, phải công khai danh tính các thí sinh được "nâng điểm" ở Sơn La và Hòa Bình để làm gương. Theo ông Khải, trong vụ việc gian lận thi cử này, những thí sinh được nâng điểm không thể "vô can" bởi chính các em là người phải biết rõ điểm của mình.

"Đơn cử là trường hợp được nâng 26,55 điểm ở Sơn La. Điểm tối đa 3 môn là 30 điểm mà thí sinh này được nâng đến 26,55 thì chứng tỏ bài thi của các em chỉ đạt 1 điểm, cao nhất là 3 điểm. Như vậy, thí sinh này không làm được bài. Thế nhưng khi thấy bài được điểm cao nhờ "gian dối" thì em có phản ánh không hay cũng nhắm mắt để nhập học? Và với điểm số như thế, năng lực như thế liệu các em sau này có thành tài hay lại tiếp tục việc gian dối để thăng tiến?", TS Khải phân tích. Đồng thời cho rằng, các em này đều đã đủ 18 tuổi để tự chịu được trách nhiệm với bản thân.

Bên cạnh việc công khai danh tính thì sinh, TS Khải cho rằng cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ và công khai tên tuổi những người tiếp tay trong vụ gian lận thi cử này. "Ví dụ bố mẹ các em đưa tiền để chạy điểm cho con, người nào môi giới... cũng cần làm rõ", TS Khải đề cập.

Cũng theo TS Khải, với trường hợp gian lận thi cử này, cơ quan chức năng cũng cần phải rà soát lại quá trình học của các thí sinh được "nâng điểm" bởi rất có thể thực lực học của các em yếu nhưng  vì lý do nào đó quá trình học em này cũng được "nâng điểm" sửa điểm đề làm đẹp hồ sơ vào đại học.

Chịu thiệt thòi phải là những thí sinh bị "trượt oan"

Cùng trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng, đây là vụ tiêu cực, đã xử lý thì liên lụy đến ai, người đó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều em vốn không đủ điểm trúng tuyển. Nhờ được sửa điểm, các em mới vào trường, chiếm vị trí của người khác vì thế không thể nói "sợ các em tổn thương".

gian-lan-thi-cu-o-son-la-co-thi-sinh-duoc-nang-den-2655-diem
Nhiều cá nhân trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La đã bị cơ quan chức năng khởi tố.

Ông Nhĩ nhấn mạnh rằng: "Trong vụ gian lận thi cử những thí sinh bị trượt "oan" do điểm thi của các thí sinh được nâng mới là người chịu thiệt thòi, chứ không phải các thí sinh được nâng điểm".

Hơn nữa việc các em được "nâng khống" điểm chẳng lẽ các em này lại không biết? Độ tuổi các em là độ tuổi đã tự chịu trách nhiệm được. “Giờ sao lại nói chuyện tổn thương hay không. Sở phải công khai những ai được sửa điểm, đang học trường nào”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Bày tỏ quan điểm này ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: “Việc không công khai danh sách thí sinh trong vụ gian lận điểm thi là vi phạm Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng. Thậm chí là vi hiến”.

Đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh: “Đây là một vụ việc hoàn toàn là tham nhũng. Có vấn đề chạy điểm, vi phạm quy chế thi. Do đó, phải công khai chứ không được độc quyền vi phạm. Các cơ quan pháp luật không được độc quyền vi phạm. Còn nếu không công khai thì coi là hành vi bao che cho vi phạm. Hành vi như vậy có thể coi là một dạng vi phạm”.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử này, nhiều phụ huynh đặt câu hỏi: "Những thí sinh chạy điểm họ có biết lực học và bài thi của mình không? Có phải đã cướp đi hàng trăm cơ hội của các thí sinh học thật, thi thật không?.

Có thể không công bố tên các thí sinh nhưng đối với các phụ huynh chạy điểm cho con là vi phạm pháp luật, cần xem xét trách nhiệm hình sự. Và việc công bố danh sách những người này là hoàn toàn có thể. Nếu không thì sẽ không có những bài học tránh sự việc tương tự diễn ra sau này”.

 

Phụ huynh Sơn La: 'Mong nghiêm trị dù đó là con cháu lãnh đạo nào'

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết luận điều tra vụ gian lận tại Sơn La, phụ huynh tỉnh này bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng công bố danh sách thí sinh được nâng điểm và phải nghiêm trị dù đó là con cháu lãnh đạo nào.

 

44 thí sinh ở Sơn La được nâng điểm là con cháu của ai?

Theo phụ huynh ở Sơn La, trong top những thí sinh có điểm thi cao bất thường của tỉnh, có không ít em là con, cháu của các cán bộ, lãnh đạo phòng, ban của tỉnh này.

 

Gian lận thi cử ở Sơn La: Có thí sinh được nâng đến 26,55 điểm

Kết quả điều tra vụ gian lận thi cử ở Sơn La cho thấy: Có đến 44 thí sinh với 97 bài thi được nâng điểm. Trong đó, thí sinh được nâng điểm cao nhất đến 26,55 điểm.