Vụ cô giáo phạt học sinh 50 cái tát: Không đọc báo hay vì sao?

Thứ tư, 05/12/2018, 16:45 PM

Nhiều chuyên gia giáo dục thắc mắc rằng bài học nhãn tiền từ vụ 231 cái tát ở Quảng Bình vẫn còn nguyên tính thời sự, vậy tại sao cô giáo ở ngay Thủ đô Hà Nội lại tái diễn, phạt học sinh 50 cái tát?

xac-minh-thong-tin-hoc-sinh-lop-2-bi-co-giao-cho-ban-tat-50-cai-vi-noi-bay-o-ha-noi
Trường tiểu học Quang Trung, nơi xảy ra vụ việc cô giáo bị tố phạt học sinh 50 cái tát.

Trao đổi với PV xung quanh vụ việc cô giáo ở Trường tiểu học Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) bị "tố" phạt học sinh 50 cái tát, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ sự bức xúc và yêu cầu xử thật nặng.

Trên cương vị là một nhà giáo từng công tác trong ngành giáo dục ông Nhĩ cho biết, bản thân rất buồn và hoang mang vì thời gian gần đây có quá nhiều thông tin tiêu cực đến từ các giáo viên.

Cũng theo ông Nhĩ, sự việc cô giáo cho bạn tát 50 cái vào mặt học sinh lớp 2 thậm chí còn nghiêm trọng hơn vụ việc 231 cái tát vì xảy ra ở giữa Thủ đô, nơi mọi người được tiếp cận đầy đủ thông tin về pháp luật hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hơn nữa, nạn nhân là những em học sinh chỉ mới học lớp 2.

Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng bày tỏ băn khoăn rằng "không biết cô giáo Trường tiểu học Quang Trung phạt học sinh 50 cái tát có đọc thời sự, tiếp cận thông tin hàng ngày không mà không rút ra bài học từ vụ 231 cái tát ở Quảng Bình".

"Tôi cho rằng vụ việc lần này còn nghiêm trọng hơn bởi cháu học sinh lớp 2 thì còn quá nhỏ để chịu những hình phạt như thế. Nó không chỉ là hành động vi phạm pháp luật hình sự... Chả lẽ cô giáo không đọc báo, xem ti vi hàng ngày, không nói chuyện với mọi người nên không biết bài học nhãn tiền từ vụ 231 cái tát? Hay phải chăng cô giáo này muốn nổi tiếng?", ông Nhĩ bày tỏ.

Bên cạnh đó, PGS Trần Xuân Nhĩ đề nghị Bộ GD&ĐT, các ngành chức năng Hà Nội khẩn trương điều tra xử lý nghiêm.

vu-co-giao-phat-hoc-sinh-50-cai-tat-khong-doc-bao-hay-muon-noi-tieng
PGS Trần Xuân Nhĩ.

Trong khi đó, GS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: "Tôi không hiểu cô giáo này có theo dõi và cập nhật thông tin về câu chuyện 231 cái tát đối với một học sinh tại Quảng Bình hay không. Một sự việc rúng động như vậy, tôi nghĩ người bình thường còn đọc được huống chi một nhà giáo”.

Cũng theo ông Dong, với sự việc này phải xử lý thật nghiêm và nặng hơn cô giáo tại Quảng Bình. Bởi, vụ việc 231 cái tát vừa mới diễn ra, sờ sờ và cụ thể như vậy, bị xã hội lên án mạnh mẽ. Vậy tại sao họ không coi đó là một bài học kinh nghiệm mà lại có hành động tương tự như thế!

Cùng quan điểm PGS Trịnh Hòa Bình – Chuyên gia xã hội học thắc mắc: Không hiểu vì sao thời gian qua một loạt các thông tin cô giáo phạt học sinh với đủ các hình thức mà vụ việc này vẫn xảy ra.

Vị chuyên gia xã hội học cho rằng, có lẽ hiện nay ngành sư phạm không còn là một nghề được yêu thích, trước đây ai cũng thích vào sư phạm được chăm sóc ưu ái từ lúc vào trường cho đến khi ra trường thì đến nay sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc, các đãi ngộ cho ngành sư phạm không còn trong khi đó áp lực bệnh thành tích thì ngày càng dày lên. Rõ ràng ở đây ai cũng nhận thấy sự non yếu trong nghiệp vụ sư phạm, thậm chí là giáo viên đã sai trong phương pháp dạy và sai cả trong phương pháp giao tiếp, hành xử...

 

Vụ học sinh lớp 2 bị phạt 50 cái tát: Động thái lạ của Trường tiểu học Quang Trung

Trước sức nóng của dư luận sau thông tin học sinh lớp 2 bị cô giáo phạt 50 cái tát, lãnh đạo Trường tiểu học Quang Trung lại "đóng cửa" từ chối tiếp báo chí.

 

Đình chỉ cô giáo phạt học sinh 50 cái tát ở Hà Nội

Lãnh đạo quận Đống Đa đã yêu cầu Trường tiểu học Quang Trung đình chỉ cô giáo bị "tố" phạt học sinh 50 cái tát vì nói bậy.