Thuế bảo vệ môi trường: ‘Phải minh bạch thu chi thuế, phí như báo cáo tài chính của doanh nghiệp’

Thứ ba, 27/02/2018, 06:22 AM

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cần phải minh bạch thu chi các khoản thuế, phí và công bố công khai như báo cáo tài chính doanh nghiệp theo từng quý để người dân giám sát.

xang_e5_va_95le_quan_14-4-0103400
Dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường đưa ra ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa

Tăng thuế để bù ngân sách

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành và địa phương để xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề nghị tăng thuế đối với một số hàng hóa trong đó đáng chú ý là mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 1/7/2018, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng 1.000 đồng, lên 4.000 đồng/lít- mức kịch trần theo khung hiện hành; với dầu diesel là 2.000 đồng/lít, tăng 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng lên 2.000 đồng/lít (kg) - cũng là mức trần khung hiện hành.

Dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trườngđưa ra ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, người dân quan tâm thuế bảo vệ xăng dầu vì đây là mặt hàng thiết yếu bất kể động thái tăng – giảm nào cũng sẽ tác động lên đời sống người dân.

“Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường mới đây hay trước đó đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường của Bộ Tài chính đã có rất nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia. Trong đó hầu hết đều lên tiếng phản đối lý do tăng thuế và việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu không được minh bạch”, ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá.

Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết việc điều chỉnh mức tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm: xuất phát từ việc Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, đã tham gia 11 FTA. Nhất là xăng, mức thuế cam kết trong WTO là NK 40% tuy nhiên mức thuế ưu đãi chỉ có 20%. Theo lộ trình thực hiện các FTA thì chúng ta còn phải giảm dần mức thuế NK đối với xăng dầu. Mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%. Từ 2015, trong ATIGA thì dầu đã về 0% rồi.

Theo ông Thi, người dân cần phải nhìn nhận trên nhiều giác độ khác nhau. Đối với xăng dầu, hiện nay đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Đây là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách.

thue-bao-ve-moi-truong-xang-dau-dua-vao-ngan-sach-chi-tieu-chung
Ông Phạm Đình Thi lý giải định hướng chính sách sửa đổi bổ sung các luật thuế - ảnh H. Lực

Mặt khác, giá xăng dầu của chúng ta hiện nay so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á cũng như một số nước thế giới ở mức thấp. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước.

Về việc sử dụng nguồn thu khi tăng thuế bảo vệ môi trường, ông Phạm Đình Thi khẳng định, theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Dư địa giảm chi còn lớn

Trước lý giải trên của đại diện Bộ Tài chính ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, Bộ Tài chính mới chỉ nhìn góc độ đơn vị thu ngân sách. Do đó, điều quan trọng nhất của Bộ Tài chính là thu được càng nhiều càng tốt.

“Tuy nhiên nếu Bộ Tài chính chỉ quan tâm thu ngân sách mà quên đi giảm chi thì rõ ràng Bộ với chỉ hoàn thành 1 nửa công việc được giao. Thiếu ngân sách do thuế giảm khi hội nhập thì ngay lập tức phải có phương án giảm chi chứ không phải nghĩ đến tăng thu. Tôi thấy dư địa giảm chi chúng ta còn rất nhiều, thu chỉ có 1 nhưng dư địa giảm chi phải lên đến 10”, ông Hải nói.

nguyen-hoang-hai-pho-chu-tich-vafi-thue-bvmt
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải cần phải minh bạch thu chi các khoản thuế, phí và công bố công khai như báo cáo tài chính doanh nghiệp theo từng quý để người dân giám sát.

Phân tích cụ thể dư địa giảm chi Phó chủ tịch VAFI cho biết: Thứ nhất, giảm chi bằng cách tinh giảm biên chế. Theo thống kê Kiểm toán Nhà nước năm 2017 cả nước có 57.175 người là số biên chế dư thừa tại các cơ quan. Con số này ngân sách hàng ngày phải trả lương hoàn toàn có thể tinh giảm để giảm khoản chi ngân sách.

Thứ hai thu gọn bộ máy, giảm đầu tư cơ sở vật chất. “Theo tôi có thể đưa cơ quan chính quyền, cơ quan đảng vào cùng trụ sở, hợp nhất đơn vị giảm khoản chi cho đầu tư hạ tầng, đầu tư cơ quan, văn phòng làm việc, mua xe công…”, ông Hải cho biết.

Thứ ba, không lấy ngân sách nuôi các hội, tổ chức xã hội như hiện nay. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổng số người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức quần chúng công (có biên chế và không có biên chế), ước tính vào khoảng 338.000 người.

Nhóm các tổ chức này bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 5 tổ chức chính trị - xã hội, còn gọi là đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, và Hội Cựu chiến binh), cùng 28 hội đặc thù.

VEPR tính toán, tổng chi phí kinh tế của xã hội cho các tổ chức quần chúng công dao động trong khoảng 45.670 tỷ đồng đến 52.700 tỷ đồng, ước bằng 1,7% GDP của cả nước (năm 2014). Trong đó, khoản tiêu tốn từ ngân sách Nhà nước khoảng 14.023 tỷ đồng.

“Theo tôi Bộ Tài chính cơ quan thu chi ngân sách, bản thân Bộ phải làm gương bằng việc tinh giảm biên chế, báo cáo của Chính phủ đánh giá, giai đoạn 2011 – 2016 bộ máy vẫn cồng kềnh, riêng Bộ Tài chính có 181 cục trưởng, 6 thứ trưởng. ông Hải cho rằng, Bộ Tài chính phải làm gương giảm chi”, ông Hải nêu quan điểm.

Mặt khác, theo Phó chủ tịch VAFI Bộ Tài chính nên giảm phần trích tỷ lệ phần trăm cho Hải quan và thuế. “Hiện nay lực lượng này đang hưởng 4% trên tổng số thu, theo tôi con số này quá lớn nên giảm xuống 1%, như vậy sẽ tiết kiểm ngân sách”, ông Hải cho đề xuất.

Ngoài vấn đề giảm chi ngân sách, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, lâu nay khi cơ quan quản lý nhà nước thông báo các khoản thu thuế, phí, người dân chỉ biết nộp đủ, còn việc sử dụng ra sao, đúng mục đích hay không hoàn toàn không biết.

Ngay cả trong khối cơ quan nhà nước việc thu chi ra sao không rõ. Ngay các trường học, bệnh viện việc thu, chi sử dụng ngân sách bao nhiêu không được minh bạch.

“Cần có quy định yêu cầu Bộ Tài chính cũng như bộ ngành báo cáo thu, chi các khoản phí, thuế, lệ phí theo từng quý như doanh nghiệp cổ phần và được công khai trên báo chí để người dân biết và giám sát”, ông Hải nhấn mạnh.

 

Bộ Tài chính lên tiếng lý giải vì sao tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nguồn thu từ tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ được đưa vào ngân sách dùng cho chi tiêu chung trong đó có chi cho bảo vệ môi trường.

 

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu: Có đi ngược tinh thần kiến tạo của Chính phủ?

Theo các chuyên gia kinh tế, thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường để bù nguồn thu hao hụt do thuế nhập khẩu giảm thì nên giảm chi ngân sách, giảm biên chế trả lương. Bởi tăng thuế không chỉ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp mà còn đi ngược với tinh thần kiến tạo của Chính phủ.

 

Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu kịch khung: Túi tiền người dân đâu phải nồi cơm Thạch Sanh

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa 13 Bộ Tài chính cần công khai việc sử dụng tiền thu từ thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, người dân nộp thuế phải biết thuế đó dùng làm gì, đầu tư vào đâu, chi có đúng mục đích không…