'Phải truy tận cùng trách nhiệm vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu'

Thứ năm, 17/10/2019, 07:44 AM

Đại biểu quốc hội, chuyên gia, luật sư khi được hỏi đều bày tỏ sự bức xúc trước cách làm ăn thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà và cho rằng phải truy trách nhiệm đến cùng.

Ảnh chụp của báo chí thể hiện rõ việc dòng nước bẩn chảy xung quanh nhà máy nước sông Đà ở Hòa Bình. (Ảnh: Tiền Phong).
Ảnh chụp của báo chí thể hiện rõ việc dòng nước bẩn chảy xung quanh nhà máy nước sông Đà ở Hòa Bình. (Ảnh: Tiền Phong).

Tại sao thấy nước bẩn vẫn dùng sản xuất cấp cho dân?

Một câu hỏi lớn cũng là nỗi bức xúc của hàng vạn cư dân Hà Nội đang chịu ảnh hưởng từ vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu bẩn đó là: "Vì sao cán bộ nhân viên Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà mà trực tiếp là nhà máy nước sạch sông Đà khi phát hiện nguồn nước nhiễm dầu thải đã không đóng cửa lại mà còn tiếp tục lấy nước bẩn đó để sản xuất bán nước cho dân?".

Câu hỏi này cũng đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giải đáp một phần tại cuộc tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ở Hoàn Kiếm hôm 15/10 vừa qua.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Kết quả xét nghiệm, các đơn vị TP Hà Nội xác định chất gây ra mùi bất thường đó có tỷ lệ cao hơn từ 1,3 đến 3,6 lần bình thường. Công ty phát hiện việc đổ dầu từ ngày 8/10 nhưng không báo cáo ngay, cũng không có hành động gì ngăn chặn và cứ để dầu trôi vào nhà máy, dẫn đến vào nguồn nước sạch".

Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia đặt dấu hỏi rằng những con người của Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mà trực tiếp là nhà máy nước sạch sông Đà ở Hòa Bình đã có vai trò thế nào khi ở hiện trường. 

"Nguồn nước nhiễm dầu bằng mắt thường cũng có thể phân biệt, đặc biệt mùi khét có thể ngửi thấy ngay. Nhiều bức ảnh báo chí chụp cho thấy cả dòng nước đen sì pha lẫn những dòng nước sạch, thế vì lý do gì mà nhà máy vẫn tiếp nhận nước đó để sản xuất cho dân ăn?", TS vật lý Nguyễn Văn Khải đặt dấu hỏi.

Cũng theo vị chuyên gia này, nếu không may thay dầu bằng một loại hóa chất có thể làm người ăn, uống nước sạch chết ngay thì phía nhà máy cũng mặc kệ, dùng nước đó sản xuất nước sạch bán cho dân sao?

Chỉ đến khi người dân hoang mang phát hiện nước có mùi khét và lên mạng xã hội hỏi thì sự việc mới vỡ lẽ.
Chỉ đến khi người dân hoang mang phát hiện nước có mùi khét và lên mạng xã hội hỏi thì sự việc mới vỡ lẽ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia khác cũng đặt dấu hỏi quanh kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước mà nhà máy nước sạch sông Đà đăng tải. Trong đó có nêu rằng chất lượng nước đảm bảo chỉ có độ Clo là vượt qua bình thường 0,3% trong ngày 10/10.

Thậm chí nhiều người bức xúc khi lãnh đạo Viwasupco còn bảo thủ khi trả lời rằng nguồn nước vẫn đảm bảo. "Đây không phải hành động che dấu thì là hành động gì, trong khi kết quả kiểm nghiệm của Hà Nội cho thấy Styren cao gấp đến 3,6 lần bình thường", anh Quang người dân ở Hà Nội bức xúc.

Cũng theo nhiều người dân Hà Nội, họ có thể tha thứ cho việc nước sạch bị nhiễm bẩn "nhưng việc bao che, dấu nhẹm thông tin, nói nước vẫn an toàn khi người dân phát hiện mùi khét chẳng khác nào là hành vi muốn giết người".

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Bộ phận Thường trực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc làm của Viwasupco là vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng khi cung cấp sản phẩm kém chất lượng.

Không chỉ về chất lượng nước sạch, Viwasupco trước đây đã liên tục để vỡ đường ống dẫn nước sạch làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân của Thủ đô. “Chúng tôi tiếp tục theo dõi sự việc và sẽ có yêu cầu xử lý chính thức đến các ban ngành của thành phố và doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng nói.

Phải khởi tố hình sự, truy tận cùng trách nhiệm

Bày tỏ quan điểm với báo chí về vụ việc nước sông Đà nhiễm bẩn vẫn bán cho dân, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: “Các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét đánh giá về tính chất, mức độ vi phạm của pháp nhân Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà 

Nếu thấy có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân này thì phải khởi tố vụ án để xử lý. Trong quá trình khởi tố vụ án, cơ quan tố tụng sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan. Trong đó, có trách nhiệm của giám đốc – người đứng đầu công ty, trách nhiệm của các bộ phận phụ trách vấn đề sản xuất, cung ứng sản phẩm nước sạch cho người tiêu dùng và cho xã hội”.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng chia sẻ thêm: “Mấy ngày qua, có rất nhiều cử tri bức xúc và đề nghị phải xem xét một cách nghiêm túc vụ việc nước sạch của công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn. Cử tri cho rằng, đây là vụ việc rất nghiêm trọng.

Thứ nhấ, ở khía cạnh an ninh nguồn nước. Nhiều cử tri đã lên tiếng về vấn đề này. Họ cho rằng, lần này mới chỉ là nước nhiễm dầu, vậy nếu là nhiễm các vi khuẩn, các chất vô cùng độc hại khác thì phải giải quyết làm sao…Như vậy, quá trình quản lý đầu vào và đầu ra của nguồn nước cho người dân là “có vấn đề”.

Người Hà Nội khổ sở đên cũng phải dậy
Người Hà Nội khổ sở đên cũng phải dậy "xin" nước sạch cứu khát.

Thứ hai, cử tri đánh giá chất lượng dịch vụ do công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà cung cấp. Đây là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống xã hội, cho nên nếu chỉ sơ sẩy thì nó sẽ tạo ra hậu quả vô cùng to lớn. Trên thực tế, những ngày vừa qua, người dân đã bị sử dụng nước không đảm bảo chất lượng, chứ chưa nói đến độc hại.

Thứ ba, cử tri quan tâm đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Trong đó, UBND TP Hà Nội là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất đối với người dân ở Hà Nội cũng như những người khách vãng lai đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm bẩn này...

Luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ trách nhiệm các đơn vị có liên quan, đặc biệt là đối với công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà.

Theo luật sư Hải, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng, dù với bất cứ lý do gì thì khi hậu quả xảy ra, người dân vẫn là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Do vậy thiết nghĩ cơ quan CSĐT nên khởi tố vụ án để điều tra làm rõ động cơ, mục đích của cá nhân, đơn vị gây ra sự việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt trên, cũng như khi nguồn nước bị ô nhiễm mà vẫn cung cấp cho người dân sử dụng.

Trả lời báo chí ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà nói nước sạch vẫn đảm bảo sau khi người dân phát hiện có mùi khét.
Trả lời báo chí ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà nói nước sạch vẫn đảm bảo sau khi người dân phát hiện có mùi khét.

Luật sư Nguyễn Thanh Hải còn cho biết thêm, hiện nay 1 số người dân bị ảnh hưởng do nguồn nước bị ô nhiễm, thiệt hại về tài sản cũng như các chi phí khám chữa bệnh… có thể khởi kiện đơn vị cung cấp nước yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Cùng nhận định luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật)ngoài công ty cấp nước Sông Đà phải chịu trách nhiệm, thì sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cũng là đơn vị phải chịu trách nhiệm.