Có hay không sự miệt thị cộng đồng LGBT trong chương trình Táo quân?

Thứ bảy, 24/02/2018, 17:17 PM

Bên cạnh dư luận đồng tình với bức thư ngỏ gửi đến Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm để phản đối nội dung phản cảm về giới của chương trình này, có nhiều ý kiến cho rằng, cộng đồng LGBT đang quá nhạy cảm.

Dư luận xuôi chiều: Cần bảo vệ cộng đồng LGBT và bình đẳng giới

Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) gửi thư ngỏ gửi đến Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm. Trong thư, đại diện hai đơn vị này cho rằng, trong nhiều năm liền, cộng đồng LGBT luôn là đối tượng bị chương trình Gặp nhau cuối năm - Táo quân mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm, với ngôn từ tệ hại.

phan-hoi-ve-su-phan-hoi-vu-tao-quan-miet-thi-nguoi-trong-gioi-lgbt
Hình ảnh nhân vật Bắc Đẩu đang là đề tài tranh cãi về việc có hay không sự kỳ thị giới trong chương trình Táo quân.

Đặc biệt, trong chương trình Táo quân 2018, nhân vật Bắc Đẩu luôn được đem ra gây cười về vấn đề giới tính. Thậm chí, nhân vật Bắc Đẩu thậm chí còn bị nói là “con chi sống trên Trời không phải nữ cũng chẳng phải nam”, hay “bọn phụ nữ một nửa”.

Thư ngỏ còn cho rằng, những chi tiết cho thấy sự kỳ thị giới tính cho thấy việc đi ngược lại với những mục tiêu bình đẳng, đa dạng và tôn trọng quyền con người mà các tổ chức trong nước và quốc tế đang nỗ lực bảo vệ.

Bức thư ngỏ đã tạo ra một làn sóng dư luận xung quanh câu chuyện, liệu những tình huống gây cười về giới tính của nhân vật Bắc Đẩu có thực sự là kỳ thị giới tính hay không.

Trả lời báo chí liên quan đến câu chuyện, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho biết: Bản thân bà hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Viện ISEE và Trung tâm ICS nêu trong bức thư ngỏ nói trên.

“Việc đưa người chuyển giới lên sân khấu thì không có vấn đề gì. Nhưng đưa ra để làm trò cười, để chế nhạo thì tôi cảm thấy không được. Táo Quân cũng như các sản phẩm văn hóa khác có rất nhiều người xem, đặc biệt là các bạn trẻ vì thế sẽ có tác dụng dẫn dắt, thay đổi nhận thức rất lớn. Những năm trước Táo Quân còn có những câu đùa rất thô thiển, thậm chí thô tục”, TS. Hồng bày tỏ.

TS.Hồng cũng cho rằng, không riêng gì chương trình Táo quân 2018 mà hiện nay có khá nhiều bộ phim hài, các chương trình hài khác trên truyền hình giới nghệ sĩ thường xuyên đem những khiếm khuyến, sự phân biệt vùng miền ra để chọc cười cho khán giả gây phản cảm.

Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa cũng cho rằng, cách thức chọc cười bằng cơ học như giả gái, sứt môi, nói ngọng, răng hô, thậm chí giả tiếng người dân tộc, tiếng địa phương… để mang lại tiếng cười cho khán giả. Tuy nhiên, vì mục tiêu gây cười mà mỉa mai người đồng tính, cũng như đem khuyến khuyết của người khuyết tật ra để cười cợt là điều khó chấp nhận.

Theo ông Trịnh Trung Hòa, việc Táo Quân sử dụng từ miêu tả Bắc Đẩu "trông như con cave già chuyển giới hỏng" hay "nam không ra nam nữ không ra nữ", "Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "bọn phụ nữ một nửa"... là ngôn từ không chuẩn, xúc phạm đến cộng đồng LGBT.

Một biểu tượng trong cộng đồng LGBT ở Việt Nam, ‘Nữ hoàng chuyển giới’ Lâm Khánh Chi lên tiếng khẳng định: "Tôi không đồng tình với việc 'Táo Quân' đem giới tính thứ ba ra làm trò cười cho thiên hạ. Như vậy là xúc phạm, miệt thị và thiếu sáng tạo”.

“Là một chương trình hài, nên ngoài việc đả kích thói hư tật xấu, Táo Quân hiển nhiên phải có những chi tiết trào phúng, gây cười cho khán giả. Để làm được điều đó, không thể thiếu các hình tượng kệch cỡm, khác người”, cô cho biết.

Dư luận ngược chiều: Cộng đồng LGBT đang quá nhạy cảm

Trên mạng xã hội, rất nhiều luồng dư luận quan tâm đến câu chuyện bảo vệ giới tính sau chương trình Táo quân. Có một số ý kiến cho rằng, cộng đồng LGBT đang quá nhạy cảm. Đáng chú ý trong đó là ý kiến của tài khoản facebook Luan Phan. Theo tài khoản này, thư ngỏ của Isee và ICS là sự can thiệp khá thô bạo khi cho rằng chương trình Táo quân cố tình miệt thị giới tính.

Tài khoản Luan Phan viết: "Mặc dù mình không phải là người trực tiếp được nhận thư ngỏ nhưng bản kiến nghị trên là suy nghĩ của mình cách đây vài năm nên mình muốn được chia sẻ một góc nhìn mới về câu chuyện Táo quân đầy thú vị này.

Đầu tiên là phải nói qua về cơ chế tạo ra tiếng cười. Theo Ann Hale, nhà nhân học tại University of Sydney, cười được tạo ra bằng cách đặt cạnh nhau những khái niệm không tương xứng. Hale kể câu chuyện về một tù nhân chơi bài với người cai ngục. Vì người tù nhân đó chơi gian lận nên họ đã tổng cổ anh ta ra khỏi tù. Hale nói: "Nhà tù giam giữ bạn. Nhưng nếu bạn gian lận, bạn sẽ bị đuổi đi. Vì vậy bạn có 2 khái niệm đối lập ở đây". Điều đó cũng tương tự như việc chúng ta cười khi thấy bạn của mình ngã, vì cấu trúc hình tượng của việc đứng thẳng bị phá vỡ. Sự phá vỡ diễn ra khi có một “cấu trúc biểu tượng mới” chen ngang vào “trật tự hiện tại”. Cơ chế phản ứng sinh hóa như thế nào trong não người khi trải nghiệm sự phá vỡ cấu trúc đó để khiến chúng ta cười thì mình không biết, nhưng nếu tạm thời chấp nhận cách lý giải nguyên nhân gây ra tiếng cười như trên thì chúng ta chuyển qua đề tài Táo quân.

Mình cho rằng, đối với những người tạo ra Táo quân, việc đưa yếu tố LGBT vào chương trình vẫn đang là đưa một “cấu trúc biểu tượng mới” và có tác dụng gây cười khi nó phá vỡ được “trật tự hiện tại” của nhiều người (khi kiểu thể hiện giới mà họ biết vẫn chỉ có là nam-nữ rạch ròi). Vậy thì câu hỏi đặt ra là chúng ta nên đối xử như thế nào với những người vẫn đang xem đó là trật tự hiện tại?Trước hết phải nói mình hoàn toàn đồng ý với các giá trị bình đẳng, đa dạng và tôn trọng quyền con người và nhu cầu về việc mở rộng nhận thức của nhiều người về LGBT.

Nhưng với thư ngỏ của Isee và ICS, mình nghĩ đó là sự can thiệp khá thô bạo, khi tiền giả định của thư ngỏ trên là VTV là tryền hình quốc gia nên có vai trò định hướng dư luận, và việc “miệt thị cộng đồng LGBT” là một định hướng sai. Do vậy, cần định hướng lại và chấm dứt việc gây hài với nội dung trên, cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt nơi trình diễn trật tự hiện tại của nhiều người. Việc thay đổi nhận thức từ trên xuống bằng phương tiện truyền thông có hướng tập quyền như thế sẽ có tác dụng ngược, khi người bị tác động có thể vẫn chưa biết tại sao họ lại không được xem nội dung mà mình vẫn cảm thấy buồn cười nữa.

Thứ hai, như chúng ta thấy là Táo quân không phải chỉ trích trực diện một cộng đồng (LGBT) mà là dùng một biểu tượng về thể hiện giới để gây hài. Việc thư ngỏ nói đó là sự xúc phạm cộng đồng LGBT là hệ quả của chủ nghĩa tập thể (collectivism), khi họ nội tâm hóa sự chỉ trích về mình, và tách mình ra khỏi cộng đồng biệt lập. Từ đó sinh ra một não trạng “Bọn tao-chúng mày”, việc này có khi còn gây chia rẽ hơn là sự hòa hợp, bao dung.

1

Thứ ba, nếu xem thư ngỏ này là một công cụ nhằm truyền thông về LGBT đến với nhiều người thì nó cũng không có hiệu quả vì chưa triệt để. Táo quân có thể làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử. Nhưng lên án bằng thư ngỏ này cũng khắc sâu thêm một định kiến khác: Đó là định kiến về những người đang có định kiến. Yêu cầu của thư ngỏ nhằm mở rộng một khái niệm về con người nhưng lại co hẹp nội hàm một khái niệm khác nghi thức, đó là sự tế nhị. Nhìn một bức tranh tổng quát, thì chúng ta cũng không tự do hơn là bao.

Nhìn lại những “vụ án” gần đây như ông nhà báo chê cô hoa hậu, Dan Hauer,.. đều có những từ khóa chung là: Nỗ lực gây cười, ngăn cản quyền được nói về những người có “định kiến”, can thiệp thô bạo từ trên xuống, Bọn tao-chúng mày,… Vì vậy, mình nghĩ nếu đấu tranh cho quyền thể hiện của cộng đồng LGBT thì cũng nên tôn trọng quyền được thể hiện của nhiều người khi lấy đó làm niềm vui. Điều cần làm hơn cả là mỗi người cần mở rộng biên độ của việc chấp nhận. Có như vậy mới hi vọng có thể có một thế giới đa dạng, bao dung hơn vì việc rơi vào trạng thái cực đoan rất có thể xảy ra khi không thoát mình ra khỏi sự việc.Ước mơ duy nhất của mình là một thế giới ai cũng có thể bị châm biếm nhưng không ai cảm thấy bị miệt thị".

Theo tài khoản Phan Luan, cộng đồng LGBT hãy để công chúng tự nhận thức được rằng các giới đều như nhau, họ không xem việc Táo Quân lấy nội dung đó ra làm trò là buồn cười thì kết quả cao nhất cần đạt chứ không phải cấm nó diễn ra.

Ý kiến của facebooker Nguyễn Hữu Thành thì thẳng thắn hơn, cho rằng cộng đồng LGBT không cần thiết phải làm quá lên như vậy, chương trình Táo Quân nói cho cùng chỉ là chương trình nghệ thuật hài, việc lên tiếng chỉ trích, phản đối càng làm cho nhiều người cho rằng cộng đồng LGBT quá "nhạy cảm" mà thôi.

"Có gì phải giãy nảy lên, các bạn tự cho mình là bình thường thì tiếp nhận điều đó một cách bình thường đi. Nếu đã là muốn là một phần của cả một cái tổng thể thì bản thân mình cũng phải bỏ cái ranh giới nhạy cảm động đến là giãy nảy lên đi đã. Tôi chả kỳ thị giới tính nào cả, nhưng làm như các bạn thế này khác gì bảo là chúng tôi không bình thường và chúng tôi cần được bảo vệ", facebooker Nguyễn Hữu Thành nhận định.

"Tôi không xem táo quân nhưng tôi cũng biết vụ anh Đẩu "bóng" gây cười cả chục năm nay. 

Tôi ủng hộ tự do, bình đẳng về giới và tôi cho rằng cách tốt nhất để tôn trọng sự khác biệt giới tính chính là không quá xửng cồ với nhân vật có giới tính nào đó bị coi là đối tượng gây cười. Cần hiểu rộng, sự phân biệt thiểu số là không thể tránh, ở bất kỳ xã hội nào, cho dù xã hội đó có văn minh đến mấy, người ta có rao giảng bình đẳng, bác ái đến mấy.

Ngay chính trong chương trình, cũng có rất nhiều nhân tố thiểu số bị lấy ra làm trò cười, giả dụ như hoa hậu, như giáo sư đề xuất cải cách chữ, thậm chí cả các đồng chí quan lại cũng là thiểu số. Càng nhạy cảm với cái gọi là khác biệt thiểu số, càng đào sâu hố ngăn cách giữa đại chúng và dị biệt.", bạn Bien Bom có cái nhìn đơn giản về sự việc.

 

Vụ Táo Quân miệt thị người đồng tính: ‘Đêm 30 Tết nhiều bạn rất tủi thân’

“Đêm 30 Tết vừa qua, có rất nhiều bạn gửi thư về cho tôi. Họ nói rất tủi thân bởi chính chương trình Táo Quân khiến gia đình có cái nhìn thiếu thiện chí về bản thân họ”, ông Huỳnh Minh Thảo chia sẻ.