Phản ứng của Campuchia trước những phát ngôn sai lệch lịch sử của Thủ tướng Lý Hiển Long về Việt Nam

Thứ tư, 05/06/2019, 06:17 AM

'Lời nói của ông Lý Hiển Long chạm nỗi đau người dân Campuchia' là tít bài tờ Khmer Times đưa ngày 3/6. Quan điểm chung của người dân và chính quyền Campuchia đều thấy ông Lý Hiển Long cần có một lời xin lỗi với cả hai quốc gia.

phan-ung-cua-campuchia-truoc-nhung-phat-ngon-sai-lech-lich-su-cua-thu-tuong-ly-hien-long-ve-viet-nam
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Trả lời phỏng vấn báo chí Campuchia ngày 4/6, ông Hun Many - con trai của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, cho biết ông "vô cùng bất ngờ" trước những lời bình luận của ông Lý Hiển Long.

"Thế giới không nên quên người Campuchia đã phải chịu đựng biết dường nào. Trong khoảng thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày, bởi vì thế giới nhắm mắt làm ngơ với chúng tôi, gần 3 triệu nạn nhân vô tội đã chết dưới tay Khmer Đỏ. Trong khi tất cả đều đang chơi bài chính trị, người Campuchia đã cầu nguyện rằng không quan trọng đó là ai và sự giúp đỡ đến từ đâu, chỉ cần chúng tôi được cứu khỏi chế độ diệt chủng của Khmer Đỏ. Để rồi cuối cùng chỉ có nước láng giềng Việt Nam chìa tay ra giúp đỡ", nghị sĩ Hun Many nhấn mạnh.

Con trai của thủ tướng Hun Sen khẳng định cho dù lợi ích quốc gia hay quan điểm chính trị vào thời điểm đó có thể khác, "người ta không nên bỏ qua cũng không nên quên sự tàn bạo và tội ác chống lại loài người, đặc biệt là tội ác diệt chủng của chế độ Khmer Đỏ".

Còn trước đó, tối 3/6, ngay sau khi về tới Campuchia, Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh đã tổ chức họp báo, khẳng định đã chuyển lời tới ông Lý Hiển Long thông qua người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen khi gặp bên lề Diễn đàn an ninh Shangri-la tại Singapore.

"Các nhận xét của ông Lý Hiển Long là không đúng sự thật và coi thường lịch sử. Nó chắc chắn không thể là sự thật khi ông ấy nói Việt Nam đã xâm lược Campuchia. Chúng tôi muốn Thủ tướng Singapore phải sớm cải chính về lời nói của mình", Đại tướng Tea Banh nhấn mạnh trước báo giới.

"Campuchia không thể chấp nhận những gì ông Lý Hiển Long nói. Chúng tôi đã liên tục nhắc đi nhắc lại và làm rõ rằng quân đội Việt Nam đến để giải phóng nhân dân chúng tôi. Họ đến để cứu mạng người dân của đất nước này. Điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn với Campuchia", Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia nêu quan điểm.

Nguyên nhân của những phản ứng này bắt nguồn từ một bài đăng trên trang Facebook chính thức của Thủ tướng Lý Hiển Long. Bài viết được đăng ngày 31/5 đến giờ vẫn còn nguyên trên Facebook và chỉ mới được chỉnh sửa một lần để thêm ảnh.

Bài viết thể hiện sự chia buồn của nhà lãnh đạo Singapore trước sự ra đi của cựu thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda, trong đó có nhắc đến giai đoạn cầm quyền của ông Prem.

Trong một bài viết dài đăng trên Khmer Times ngày 3/6, cây bút Leap Chanthavy đã dẫn ra hàng loạt bằng chứng cho thấy Singapore đã quay lưng với Campuchia trong thời kỳ nằm dưới sự cai trị của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

"Những lời nói của ông Lý Hiển Long đã chạm vào nỗi đau của người dân Campuchia, khuấy động lại ký ức đau buồn trong khi Singapore, một quốc gia tự cho là có đạo đức cao ngời ngợi, chưa bao giờ lên án tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ.

Người Campuchia có thể tha thứ nhưng chúng tôi không bao giờ quên những tháng ngày gian truân, và chúng tôi biết chính xác ai là người bạn thực sự của chúng tôi khi đó".

Trong bài bài viết trên trang Facebook cá nhân ngày 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dùng các cụm từ như "chiếm đóng", "xâm lược" để nói về việc quân tình nguyện Việt Nam sang giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

Ông Lý Hiển Long cũng ngợi ca cố thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda vì đã "chống lại Việt Nam xâm lược Campuchia và Chính phủ Campuchia thay thế Khmer Đỏ", "phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam ra các diễn đàn quốc tế".

Singapore từng công nhận chế độ diệt chủng Pol Pot

Bài viết của Chanthavy đã điểm lại các mốc thời gian trong quan hệ giữa Singapore và Khmer Đỏ.

Đảo quốc Sư tử công nhận chế độ Pol Pot và thiết lập quan hệ vào ngày 6/5/1976. Singapore sau đó mời Ieng Sary, Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề đối ngoại của Khmer Đỏ, cho chuyến thăm chính thức từ ngày 21 đến 24/3/1977. Nhân vật số 3 của Khmer Đỏ đã được tiếp đón tại Singapore bởi Tổng thống Sheares, Thủ tướng Lý Quang Diệu, Bộ trưởng Ngoại giao Rajaratnam. Singapore cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đề nghị hỗ trợ quân sự cho các lực lượng du kích để chiến đấu chống lại chính quyền của ông Heng Samrin.

"Không chỉ Singapore chưa bao giờ tố cáo tội ác diệt chủng do chế độ Pol Pot tiến hành, Singapore thậm chí còn công nhận, hỗ trợ quân sự cái nhà nước quái thai và cỗ máy giết người đó, rồi lại thuyết phục cộng đồng quốc tế không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Heng Samrin và từ chối mọi hỗ trợ nhân đạo cho những nạn nhân còn sống sót sau chế độ Khmer Đỏ", Chanthavy tỏ ra gay gắt trong bài viết.

"Những lãnh đạo Singapore như ông nên được mời tới tham quan bảo tàng chứng tích nhà tù diệt chủng Toul Sleng hay các ngôi mộ tập thể Cheung Ek và cánh đồng chết nếu họ vẫn còn nghĩ rằng tội ác diệt chủng là sự bịa đặt", Chanthavy chốt vấn đề.

Youk Chhang, giám đốc Trung tâm Lưu trữ Campuchia, nhận định những bình luận của ông Lý Hiển Long cho thấy đã tới lúc ASEAN cần một chương trình giáo dục về hòa bình và nhân quyền cho khu vực. Một chương trình như vậy bây giờ nên bắt đầu từ Singapore, ông Youk Chhang nêu quan điểm.

Nội dung trên facebook của ông Lý Hiển Long

"Sự lãnh đạo của ông đã đem lại lợi ích cho khu vực. ASEAN (lúc đó chỉ có 5 nước) đã cùng nhau chống lại Việt Nam xâm lược Campuchia và chính phủ Campuchia thay thế Khmer Đỏ. Thái Lan ở tiền tuyến, đối mặt với các lực lượng Việt Nam vượt biên giới từ Campuchia. Tướng Prem đã kiên quyết không chấp nhận sự vi phạm này và bắt tay với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam ra các diễn đàn quốc tế" - ông Lý Hiển Long viết trên Facebook kèm theo hình ảnh ông Prem ngồi với cha mình - cố thủ tướng Lý Quang Diệu.

 

Phản ứng của Việt Nam trước phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-la 2019

Bên lề Đối thoại Shangri-la 2019, Thủ tướng Lý Hiển Long đã sử dụng những ngôn từ không chính xác và thiếu khách quan về vai trò của Việt Nam trong chiến tranh Campuchia.