'Phát hiện cán bộ vi phạm đạo đức hãy báo ngay cho Bộ trưởng'

Thứ hai, 09/11/2020, 13:51 PM

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị cung cấp thông tin để xử lý nghiêm nếu phát hiện cán bộ, công chức ngành nội vụ gây khó khăn hoặc vi phạm đạo đức công vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội. (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).

Trả lời tại Quốc hội sáng 9/11, về các vấn đề chất vấn của các ĐBQH về các vấn đề cán bộ công chức, viên chức, kỷ cương hàng chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có những chia sẻ đáng chú ý.

Theo đó, trước chất vấn của ĐBQH Kim Nhung (Quảng Trị), ông Lê Vĩnh Tân cho biết Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết 280 giải quyết các vấn đề về trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính trong cơ quan đơn vị và chính trị nội bộ.

“Thời gian qua chúng tôi đã rà soát tất cả đơn vị trực thuộc bộ, xem xét xử lý công khai, tiến hành kỷ luật một số cán bộ vi phạm, điều chuyển một số vị trí không phù hợp”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết.

Theo Bộ trưởng, năm 2017 Bộ Nội vụ kiểm điểm 8 đơn vị có liên quan. Khi kiểm tra các địa phương, Bộ Nội vụ xác định là đơn vị tiên phong, gương mẫu làm trước.

Vấn đề tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ phải thực hiện bằng hoặc tốt hơn đơn vị khác. Vừa rồi Bộ Nội vụ đăng ký tinh giản 12% biên chế đến 2021.

Đặc biệt, Bộ trưởng Tân đề nghị các đại biểu Quốc hội nếu phát hiện cán bộ công chức ngành nội vụ vi phạm đạo đức công vụ hay gây khó khăn hãy cung cấp thông tin cho Bộ trưởng để xử lý nghiêm.

Về nhóm câu hỏi về chính sách với cán bộ công chức, viên chức, chính sách với cán bộ là công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Nội vụ cho viết Chính phủ không ban hành Nghị định riêng mà lồng ghép vào các nghị định tuyển dụng, sử dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.

Theo ông, người dân tộc thiểu số là đối tượng được cử tuyển đi học đại học, sau khi tốt nghiệp về địa phương thì được xét tuyển chứ không qua thi. Chính phủ cũng quy định số lượng công chức, viên chức là dân tộc có cơ cấu nhất định trong bộ máy và người dân tộc khi tuyển dụng được miễn ngoại ngữ và tin học…

Trả lời đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) về chế độ bồi dưỡng với người hoạt động không chuyên trách, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân xin ghi nhận ý kiến này và cam kết Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia TP HCM nghiên cứu có chương trình bồi dưỡng cho những người hoạt động không chuyên trách.

Còn tình trạng cán bộ trong cơ quan Nhà nước gây phiền hà cho người dân

Trả lời chất vấn về hướng xử lý cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái cho biết: Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận còn tình trạng cán bộ trong cơ quan Nhà nước gây phiền hà cho người dân như đại biểu đề cập là vấn đề ngành rất quan tâm.

“Trách nhiệm trực tiếp thuộc về người đứng đầu các cơ quan, các lĩnh vực để xảy ra tình trạng gây phiền hà cho người dân”, ông nhấn mạnh

Ông cho rằng các lĩnh vực thường xảy ra tiêu cực là bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người dân, cán bộ công chức thiếu rèn luyện thường xảy ra tham nhũng, đặc biệt là dịch vụ công.

Tổng thanh tra Chính phủ đã đề xuất với Thủ tướng ban hành chỉ thị để chống, giảm gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng tham mưu Thủ tướng ban hành công điện về phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về căn cứ nhận định tình trạng tham nhũng được kiềm chế, ông Khái cho rằng việc đánh giá tình hình tham nhũng “rất khó khăn và mang tính trừu tượng”.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cố gắng bám sát các nội dung và một số căn cứ như ý kiến đánh giá của người dân, lấy qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra còn tham khảo sự đánh giá của tổ chức quốc tế.

Bài liên quan