Thứ sáu, 06/04/2018, 07:37 AM
  • Click để copy

‘Phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng dã man chẳng khác gì tra tấn kẻ thù’

Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đã phải thốt lên đầy bức xúc “Tôi mong mình đã đọc sai, nhưng không đó là sự thật. Cô giáo mà phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng đã man chẳng khác gì hành vi tra tấn kẻ thù, thậm chí với kẻ thù người ta còn khoan dung”.

phat-hoc-sinh-uong-nuoc-giat-gie-lau-bang-da-man-chang-khac-gi-tra-tan-ke-thu
Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội (Ảnh lớn).

Trao đổi với chúng tôi xung quanh câu chuyện cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng diễn ra tại Trường tiểu học An Đồng (An Dương – Hải Phòng), Nhà giáo ưu tú, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội đã không giấu được sự bức xúc.

“Thật quá dã man, không biết cô giáo này học ở đâu ra cách phạt tàn độc như thế đối với học sinh. Bắt học sinh quỳ gối, bắt đứng, phạt làm vệ sinh … thì tôi đã biết rồi nhưng bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng thì đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm làm nhà giáo tôi mới thấy. Tôi không hình dung nổi…”, TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Cho rằng hành động phạt bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng là đã man, tàn độc Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh: “Đối với học sinh thầy cô nhẽ ra phải làm tấm gương để các cháu noi theo học hỏi, là người mẹ hiền thứ hai của các cháu, phải thương yêu, quý trọng. Nhưng đằng này cô giáo đối xử với học sinh nhỏ tuổi của mình chẳng khác gì kẻ thù, thậm chí kẻ thù người ta còn bao dung, nhân nhượng”.

Từ vụ việc trên TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, đây là bài học lớn cho tất cả những người làm thầy cô. Phải trân trọng học trò, nâng cao ý thức sư phạm. Trước khi bắt phạt học sinh điều gì phải đặt mình vào vị trí của phụ huynh, của học trò. “Nếu cô là phụ huynh học sinh cô có chấp nhận việc này hay không? Bản thân cô có chấp nhận dùng nước đó súc miệng không? Tôi tin nếu cô suy nghĩ thế thì cô đã không làm…”.

TS Lâm chỉ rõ hai vấn đề đặt ra đó là làm thế nào giúp các thầy cô giáo vượt qua những áp lực về nghề nghiệp để làm đúng sứ mệnh trồng người của mình? Xã hội nhìn nhận việc này như thế nào? Nếu không cứ hết sự việc này đến sự việc nọ sẽ khiến nhiều người bi quan, chán nản về ngành giáo dục.

“Các thầy cô giáo hiện nay trong nhà trường sư phạm cũng như mỗi nhà trường chưa làm tốt hai việc đó là đạo đức nghề nghiệp, phải giáo dục việc này để ăn sâu vào mỗi người chứ không phải khẩu hiệu đặt ra kêu gọi thầy cô giáo thực hiện..Thứ hai là phương pháp giáo dục quyền uy quá nặng, luôn áp đặt học trò, luôn cho rằng thầy cô là đúng, học sinh phải thế này, phải thế kia, đưa ra nhiều hình thức kỷ luật để áp đặt học trò, việc làm đó rất nguy hiểm”, TS Lâm chỉ rõ.

TS Lâm cho rằng: “Việc học sinh còn nhỏ nghịch ngợm đã là gì ghê gớm đâu, tất nhiên học trò phải giữ kỷ luật, cô phải nghĩ ra cách giữ kỷ luật. Nhiều giáo viên giỏi dạy hấp dẫn, lôi cuốn học trò, nhiều thầy cô dạy học không có nội dung gì nhưng cứ bắt học sinh im lặng…”

Về quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên vi phạm, TS Lâm cho rằng, giáo viên mới làm đã bộc lộ như thế này thì nên chấm dứt công việc là đúng.

Cùng về vụ việc này Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhìn nhận, việc phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng là hành vi xâm phạm thân thể con người, ở đây lại là học sinh nhỏ tuổi.

 

“Bắt uống nước từ giẻ lau bảng nếu chẳng may học sinh bị tiêu chảy hay sinh ra bệnh tật trong người thì vô cùng nguy hiểm. Chúng ta vẫn kêu gọi phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cháu không ăn quà vặt ở cổng trường mà giờ lại bắt học sinh uống nước bẩn. Tôi không thể hiểu tại sao một người làm công tác giáo dục, đào tạo con người có thể hành động như vậy", ông Dong bày tỏ.

 

Theo Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, các cháu khi ở nhà thường được nhắc rửa tay trước bữa ăn cho sạch, thế nhưng ở đây cô giáo lại ép học sinh uống nước giẻ lau bảng. "Tôi tự hỏi, giờ cho cô giáo thử uống nước giẻ lau bảng đó xem có dám không, hay chỉ cần dính một tý bẩn vào chén nước là cô phải đổ bỏ? Dứt khoát không thể chấp nhận được hành động này", ông Dong nói thêm.

Có thể phạt 3 năm tù

Nhìn nhận về vụ việc này, nhiều luật sư cho rằng: Hành vi của cô giáo có dấu hiệu phạm tội "Làm nhục người khác". Trong trường hợp mức độ hậu quả nghiêm trọng thì có thể xem là hành vi có tính chất nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây tổn hại sức khỏe người khác" hoặc tội "Hành hạ người khác". Khoản 1, điều 155 BLHS 2015 quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù.

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên

c) Đối với 02 người trở lên.

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên.

b) Đối với 02 người trở lên.

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

d) Đối với người đang thi hành công vụ.

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên.

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng, cô giáo chịu án phạt nặng

Trường tiểu học An Đồng (huyện An Dương, TP. Hải Phòng) đã chính thức có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, người bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng.

 

Cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau là con gái của Phó phòng GD huyện

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, người bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng được xác nhận là con gái của bà Tạ Thị Ngọc (SN 1972), Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Dương (TP Hải Phòng).