Phim Việt thua lỗ, trách nhiệm thuộc về ai?

Chủ nhật, 06/10/2019, 22:45 PM

Chứng kiến hàng loạt phim Việt thua lỗ trong thời gian qua, nhiều khán giả cũng như giới chuyên môn không khỏi ngán ngẩm trước thực trạng của điện ảnh nước nhà.

phim-viet-thua-lo-trach-nhiem-thuoc-ve-ai

Khởi đầu năm 2019 với 2 phim thắng lớn, đem lại doanh thu trăm tỷ nhưng kể từ sau đó, lần lượt các phim Việt đều thua lỗ trầm trọng. Đây được coi là hệ quả của hàng loạt các yếu tố chủ quan và khách quan.

Kịch bản yếu - "căn bệnh trầm kha" của điện ảnh Việt

Những con số doanh thu hàng trăm tỉ đồng đưa ra từ nhà sản xuất, nhà phát hành của phim "Hai Phượng", "Cua lại vợ bầu", "Lật mặt 4: Nhà có khách", "Trạng Quỳnh", chưa thể kết luận là điện ảnh nước nhà đang đi lên. Dù doanh thu cao nhưng khách quan thì chất lượng nội dung không phải là quá xuất sắc. Đa số phim thành công vẫn nhờ các yếu tố như diễn viên nổi tiếng, nhà sản xuất uy tín, số khác may mắn ra rạp đúng thời gian cao điểm. 

Sau cơn sốt "Cua lại vợ bầu", "Hai Phượng" có hơn 10 phim Việt ra rạp nhưng phần lớn thua lỗ, chỉ có "Anh thầy ngôi sao" hòa vốn - theo công bố của nhà sản xuất. Nguyên nhân của sự thất bại này được nhiều người trong giới nhận định là do chất lượng phim chưa tốt, cụ thể là do kịch bản thiếu sáng tạo, tình tiết thiếu hợp lý... dẫn đến mất khán giả.

Trong số đó, kịch bản vẫn là yếu tố chưa được cải thiện của phim Việt. 

phim-viet-thua-lo-trach-nhiem-thuoc-ve-ai
Phim "Cậu chủ ma cà rồng".

Đánh giá tổng quan về phim Việt giai đoạn vừa qua, các nhà phê bình và làm phim không khỏi trăn trở khi phim nước ta “yếu toàn tập”, đặc biệt là ở khâu kịch bản. Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn cho rằng, công tác xây dựng kịch bản đang là lỗ hổng lớn trong điện ảnh Việt Nam. “Muốn có bộ phim hay trước hết phải có kịch bản hay. Ở các phòng Biên tập của các hãng phim đang chất hàng đống kịch bản nhưng không sử dụng được. Ta có quá nhiều kịch bản đúng, kịch bản tốt nhưng lại có quá ít kịch bản hay”, đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ trên báo Văn hóa.

Đó cũng là một trong những lý do tại sao các hãng phim của ta đang săn lùng mua kịch bản nước ngoài để Việt hóa nó. Tuy nhiên, không phải phim nào cũng thành công, ngoài một vài phim như Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ... chiếu thành công với lượng khán giả kỷ lục thì cũng đã có khá nhiều bộ phim bị thất bại. Trước thực tế này, một nhà làm phim hốt hoảng cho rằng, điều gì sẽ xảy ra nếu như nền điện ảnh Việt Nam đa số chỉ là mua kịch bản gốc hoặc phiên bản phim nước ngoài?

Khán giả Việt không thích phim Việt?

"Tôi xem những đoạn quảng cáo của các phim trên mạng mà thấy suốt mùa phim hè qua chẳng có tác phẩm nào tạo được hứng thú để ra rạp. Tôi muốn ủng hộ phim Việt nhưng các phim đều nhàn nhạt, nội dung nhàm chán, sáo mòn. Tôi thấy nhà làm phim chọn lựa sự an toàn trong kinh doanh, không dám thử thách; biên kịch cũng được đặt hàng như thế nên chẳng còn sự mới lạ để cạnh tranh với các phim ngoại cùng thời điểm" - biên kịch Thanh Hương nhận định trên báo Người lao động.

Theo biên kịch Châu Thổ: "Khán giả Việt hiện nay rất tinh tế, phim phải chất lượng mới có sức lan tỏa. Những phim mang thông điệp nhân văn, câu chuyện sâu sắc, tạo cảm xúc chạm được trái tim khán giả mới mong được đón nhận nhiệt tình. Phim "Ký sinh trùng" (đạo diễn: Bong Joon-ho) tưởng kén người xem Việt Nam nhưng lại đầy ắp khán giả mỗi suất chiếu. Những phim chủ đề gia đình như "Điều cha mẹ không kể" (đạo diễn: Lee Chang-geun) cũng đầy khán giả lớn lẫn trẻ tuổi. Họ thưởng thức nghiêm túc và khóc cười cùng nhân vật".

phim-viet-thua-lo-trach-nhiem-thuoc-ve-ai
Biên kịch Châu Thổ tin rằng hầu hết khán giả Việt rất yêu điện ảnh nước nhà, vì họ ủng hộ nhiều đến mức bộ phim dù chưa phải là xuất sắc, chỉ cần có điểm nổi bật, cũng đã đủ để thắng doanh thu so với các phim ngoại chiếu cùng thời điểm.

Biên kịch Châu Thổ tin rằng hầu hết khán giả Việt rất yêu điện ảnh nước nhà, vì họ ủng hộ nhiều đến mức bộ phim dù chưa phải là xuất sắc, chỉ cần có điểm nổi bật, cũng đã đủ để thắng doanh thu so với các phim ngoại chiếu cùng thời điểm. Khi có vị lạ, dù có điểm trừ thì phim Việt vẫn khiến khán giả thích thú như trường hợp phim "Hai Phượng", ghi điểm với các cảnh hành động chân thật, người làm có tâm và quảng bá tốt. Vì thế, phim Việt cần phải ngày càng nâng cao chất lượng, nhất là khâu kịch bản, mới có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả". Theo bà, dù khán giả có thích xem phim Việt đến mấy mà nhà làm phim cứ cho ra tác phẩm kém chất lượng thì tình cảm của họ dành cho phim Việt cũng sẽ mất dần. Có khi khán giả Việt chỉ cần một tác phẩm có câu chuyện thuyết phục với cách kể độc đáo, gần gũi; không cần phải đầy ắp kỹ xảo làm thỏa mãn trí tưởng tượng bay bổng với kinh phí làm phim hàng trăm triệu USD như "bom tấn" Hollywood. Phim "Ký sinh trùng" của Hàn Quốc là một ví dụ. 

Yếu kém trong khâu phát hành làm phim Việt thua ngay trên sân nhà

Việc phim Việt chỉ là một giọng nói khiêm tốn, và yếu ớt, ở các Liên hoan phim uy tín tầm cỡ thế giới đã cho thấy chất lượng phim Việt đang không cao. Và đó lại càng là lý do để những nhà sản xuất dốc tâm sức, tài lực vào đầu tư một bộ phim chất lượng hơn nữa với suy nghĩ đơn giản "phim mình chất lượng hơn, có đề tài hấp dẫn không kém, khả năng thành công như những phim kỷ lục doanh thu chắc chắn sẽ có".

Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, công nghiệp điện ảnh không phải như thể thao đối kháng, nghĩa là ai mạnh hơn, thể hiện tốt hơn thì thắng. Công nghiệp điện ảnh còn cần được hỗ trợ bởi nhiều khía cạnh khác nữa, từ truyền thông đến chiến lược phát hành; từ khả năng bắt kịp xu hướng quan tâm cho tới cả yếu tố may mắn…

Nhiều phim rất tốt, nếu không nói là rất hay, nhưng chỉ sai lệch một ly trong một yếu tố phụ trợ quan trọng nào đó cũng đủ khiến chúng trở thành một thất bại thảm hại khi ra rạp. Và nói thẳng, ngay cả những đạo diễn từng làm phim doanh thu trăm tỷ cũng không dám mạnh dạn nói rằng có thể rút ra một công thức thành công để làm phim Việt.

phim-viet-thua-lo-trach-nhiem-thuoc-ve-ai
"Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi" lâm vào hoàn cảnh khó khăn do cắt giảm suất chiếu.

Một ví dụ gần đây nhất chính là bộ phim độc lập có tên "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi". Phim được truyền thông rất tốt, đặc biệt là ở nền tảng mạng xã hội, một xu hướng truyền thông vô cùng hiệu quả những năm gần đây. Và sau đêm công chiếu đầu tiên, phim đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen khách quan trên các trang cá nhân của nhiều người trong nghề cũng như cả các KOLs có uy tín. Vậy mà chỉ mới ra rạp được vài ngày, đã có thông tin phim sẽ không còn được chiếu nữa sau ngày 30/9.

Lý do rất đơn giản: nếu trong 3 ngày công chiếu đầu tiên, doanh thu không cho thấy khả năng phim có thể thu hút được sự quan tâm của khán giả mua vé, phim sẽ bị các rạp ngưng chiếu để nhường suất cho những sản phẩm điện ảnh có thể mang lại doanh thu tốt hơn.

Chính nhạc sỹ Phạm Hải Âu, người làm nhạc phim cho "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi", cũng phải than thở trên trang cá nhân rằng "Nghe đâu thứ 2 tuần sau phim bị rút các suất chiếu khỏi rạp. Nhạc mình làm 8 tháng mà chỉ chiếu trong 3 ngày".

Đính kèm với than thở ấy là một poster mà dòng kêu gọi đại ý "Phim cần 150 ngàn người trẻ tiếp sức để được sống. Trời ơi, phim chưa muốn chết". Và "tiếp sức" ở đây chúng ta quá hiểu. Đó chính là hành động ra rạp mua vé xem phim để hi vọng phim còn được "chiến đấu" dài ngày ở các rạp.

Thực tế 80% rạp và cụm rạp ở Việt Nam thuộc về những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng phim trong nước sản xuất bị đối xử không công bằng, thậm chí không được chiếu trong hệ thống các cụm rạp này. 

Việc các rạp (hệ thống phát hành) chiếu rút các phim không có khả năng sinh doanh thu để nhường chỗ cho các phim có lợi nhuận là chuyện tất nhiên. Nhà đầu tư mở rạp để kinh doanh và không ai kinh doanh để rồi nhận lỗ với cái tiếng thơm là "ủng hộ nghệ thuật" cả.

Đặc biệt, các phim ít tính thương mại lại càng dễ có khả năng lỗ và bị rút khỏi rạp sớm hơn nữa. Nhưng nếu ủng hộ cách làm thẳng thừng và quá rạch ròi của các cụm rạp, điều đó có thể sẽ là yếu tố khiến các nhà đầu tư ngại "phim ảnh" hơn bởi tính rủi ro quá cao. Điều đó vô tình sẽ dẫn đến việc phim Việt sẽ ngày càng èo uột hơn, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với toàn phim bom tấn nước ngoài. Như thế, điện ảnh Việt Nam sẽ ra sao và bao giờ "trời sáng" cho các sản phẩm điện ảnh thuần Việt?

Nhiều người cho rằng cần phải có động thái từ một chính sách bảo hộ cụ thể để phim nghệ thuật có thể tồn tại trong sức ép chạy đua doanh thu của một thị trường luôn chuộng phim thương mại như hiện nay. Song, nếu có một động thái như thế, thứ nảy sinh còn phức tạp hơn là "lấy gì để làm thước đo phân biệt đâu là phim nghệ thuật và đâu là phim thương mại, giải trí đơn thuần". Không khéo, lúc ấy lại nảy sinh tiêu cực trong việc phân loại phim để lách kẽ hở chính sách bảo hộ.

Nhưng chính sách bảo hộ phim nội địa là một việc cần làm, thậm chí là phải làm mạnh mẽ bởi nó không đơn thuần là bảo vệ nhà đầu tư mà còn để bảo vệ văn hoá trước sự xâm thực của các sản phẩm nước ngoài. Quan trọng là bảo hộ như thế nào, có minh bạch và có khách quan hay không mà thôi. Và trước mắt, thuế có thể là một công cụ tốt để việc bảo hộ phim nội địa trong cuộc chiến ở các cụm rạp hôm nay.