Phó Chủ tịch nước: Vụ Đường 'nhuệ', vai trò của Đoàn ĐBQH ở đâu?

Thứ sáu, 08/05/2020, 19:58 PM

Sáng 8/5, phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, những nội dung nếu không được chuẩn bị kịp, không kỹ, chưa có ý kiến xem xét của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không được đưa ra tại Kỳ họp thứ 9 để Quốc hội thảo luận. 

Góp ý cho dự thảo, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhắc đến công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 và nhận định nhờ việc này, niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước và của cộng đồng quốc tế với Việt Nam tăng lên. Báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri vì vậy cần đánh giá được niềm tin của người dân với các cơ quan, tổ chức.

Phó Chủ tịch nước nhắc đến những vấn đề bức xúc nổi lên giữa hai kỳ họp và dẫn chứng, trước đây, vấn đề tai nạn giao thông, tín dụng đen được đề cập, sau đó các cơ quan đã quyết liệt xử lý hiệu quả như ban hành Nghị định 100 về xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, phát hiện và triệt phá nhiều tổ chức cho vay nặng lãi. Nhờ vậy, các vấn đề này được giải quyết hiệu quả hơn.

“Gần đây nổi lên vụ Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ") ở Thái Bình hay xung quanh vấn đề Thủ Thiêm ở TP HCM, cử tri muốn nói đến vai trò của Đoàn ĐBQH ở đâu? Dĩ nhiên đoàn Đoàn ĐBQH không phải cơ quan trực tiếp giải quyết kiến nghị, nhưng trách nhiệm chuyển tải nội dung kiến nghị cử tri, cũng như đeo đám để giải quyết đến cùng một vấn đề, kiến nghị tới đâu?”, Phó Chủ tịch nước đặt vấn đề và đề nghị Ban Dân nguyện nghiên cứu thể hiện nội dung này trong báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao việc báo cáo đã dẫn chứng, đề cập “địa chỉ” cụ thể theo tinh thần “nói có sách, mách có chứng”.

Đồng thời, bà đề nghị quan tâm việc thu phí tự động không dừng ở lĩnh vực giao thông. Bởi qua các kỳ họp cũng như các cuộc giám sát liên quan đều có phản ánh nhưng đến giờ này không thực hiện được.

“Bộ GTVT phải làm rõ lý do, vì vấn đề này ảnh hưởng đến an toàn trật tự giao thông”, bà Nga nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý nên có đánh giá về chất lượng giải quyết kiến nghị cử tri tăng lên hay thụt lùi, thông qua con số so sành về số đơn thư kiến nghị và tỷ lệ giải quyết.

Trình bày dự thảo Báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, thông qua 1.396 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã tổng hợp được 2.102 kiến nghị, các kiến nghị đã được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 2.008 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95,53%. Trong đó có 59 kiến nghị gửi đến Quốc hội, chiếm 2,8% (23 kiến nghị về xây dựng pháp luật và 36 kiến nghị về hoạt động giám sát).

Thời gian qua, thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid – 19, dưới sự chỉ đạo của sát sao của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã linh hoạt điều chỉnh phương thức hoạt động, tạm hoãn các hoạt động giám sát tại địa phương, hạn chế tập trung đông người. Thay vào đó là, tăng cường làm việc và họp trực tuyến trong nội bộ cơ quan và với các Bộ, ngành, địa phương… bảo đảm đúng chương trình, kế hoạch công tác. Toàn bộ kiến nghị cử tri gửi đến các cơ quan của Quốc hội đã được xem xét trả lời thấu đáo, đầy đủ, đúng thời hạn, đạt 100%, bảo đảm giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với cử tri trong mọi hoàn cảnh.

Đối với Chính phủ, có 1.951 kiến nghị, chiếm 92,82% tổng số kiến nghị, đã giải quyết, trả lời 1.858 kiến nghị, đạt 95,23%. Cụ thể, 1.498 kiến nghị, chiếm 80,62% được giải trình, cung cấp thông tin và 136 kiến nghị, chiếm 7,32% đã giải quyết xong. 224 kiến nghị, chiếm 12,06% đang xem xét, giải quyết, trong đó có 135 kiến nghị đã có lộ trình giải quyết, đạt 60,27%.

Theo chương trình, phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục vào sáng ngày 15/5 với hai nội dung lớn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020. Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bài liên quan