Phó Chủ tịch phường tổ chức sinh nhật với bệnh nhân Covid-19 bị xử lý thế nào?

Thứ sáu, 21/08/2020, 09:52 AM

Sự việc Phó Chủ tịch UBND Phường 5 (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) tổ chức sinh nhật, chụp ảnh với vợ là bệnh nhân Covid-19 là hành vi phản cảm.

Hình ảnh bữa sinh nhật của ông Hoàng Viết Cương - Phó Chủ tịch UBND phường 5 chụp ảnh cùng vợ là bệnh nhân Covid-19 gây bức xúc dư luận.

Hình ảnh bữa sinh nhật của ông Hoàng Viết Cương - Phó Chủ tịch UBND phường 5 chụp ảnh cùng vợ là bệnh nhân Covid-19 gây bức xúc dư luận.

Tin tức về việc Hoàng Viết Cương - Phó chủ tịch UBND phường 5 (TP Đông Hà, Quảng Trị) cùng 2 con thuộc diện F1 tổ chức sinh nhật tại khu cách ly, có sự tham dự của vợ là bệnh nhân Covid-19 số 904, đang gây bức xúc dư luận.

Hành vi của ông Cương bị nhiều người lên án cho rằng, đó không những là việc làm vi phạm cách ly, mà còn thể hiện sự coi thường khuyến cáo, đồng thời không gương mẫu trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Ngay sau sự việc lãnh đạo địa phương này cũng có văn bản yêu cầu xác minh xử lý nghiêm đối với vị Phó chủ tịch phường.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thì phương pháp phòng chống cách ly y tế là giai đoạn quan trọng để tránh những người bệnh tiếp xúc và lây lan ra cộng đồng.

Theo luật sư: Khoản 16 điều 2 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 quy định phải tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh. Cách ly y tế là một trong những biện pháp hiệu quả phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm.

Luật sư cho rằng, việc Phó Chủ tịch UBND phường 5 tổ chức sinh nhật, chụp ảnh với bệnh nhân Covid-19 là một hành vi gây phản cảm, nhất là trong lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và lây lan nhanh.

Hành vi này có thể khiến lây nhiễm dịch Covid-19 ra ngoài cộng đồng và nguy hiểm cho xã hội. Chỉ có các nhân viên y tế chuyên về phòng dịch mới có thể tiếp xúc với những người nghi nhiễm Covid-19. Bởi vì họ có những dụng cụ bảo hộ, biện pháp phòng ngừa cụ thể.

Chính vì vậy, việc ông Phó Chủ tịch phường tổ chức sinh nhật, chụp ảnh với bệnh nhân Covid-19 có dấu hiệu vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ. Nếu như cơ quan chức năng làm rõ, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét, nếu như người mắc Covid-19 mà làm lây lan dịch bệnh cũng có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Mức phạt thấp nhất cho hành vi này là 1 năm tù, cao nhất là 5 năm tù.

Theo ông Cường, cá nhân bị nghi nhiễm Covid-19 cách ly y tế tại nhà cần tránh tiếp xúc với những người trong gia đình. Còn với những thành viên trong hộ gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly thì hằng ngày hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiếu 2 mét khi cần tiếp xúc.

Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế như sau:

1.Phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

- Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Điều 240 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người. c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Bài liên quan