Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tham nhũng vặt như... đê to vỡ bởi tổ mối

Thứ năm, 15/08/2019, 18:03 PM

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ví von: “Con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ" để nói về nguy hại của nạn tham nhũng vặt.

pho-thu-tuong-vuong-dinh-hue-tham-nhung-vat-nhu-de-to-vo-boi-to-moi
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trả lời tại phiên chất vấn của UBTVQH (Ảnh: TTXVN)

Cuối phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều nay 15/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã được dành khoảng 40 phút để giải đáp làm rõ hơn một số nội dung mà ĐBQH đã chất vấn các Bộ trưởng và trực tiếp trả lời các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của Chính phủ.

Liên quan đến câu hỏi của một số ĐBQH về tình trạng tham nhũng vặt hiện vẫn phổ biến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh công tác đấu tranh phòng chống đại án về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Đảng, của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều lưu ý tình trạng tham nhũng vặt.

Phó thủ tướng nhận định tham nhũng vặt là tệ nạn gây bức xúc, nhức nhối trong xã hội và nhân dân. Nó liên quan đến đạo đức công vụ của công chức, viên chức.

“Tuy là tham nhũng vặt nhưng hậu quả không hề vặt. Người ta ví con đê cao to, hùng vĩ có thể bị vỡ bất cứ lúc nào do những tổ mối rất nhỏ”, Phó thủ tướng nói.

Theo ông, tham nhũng vặt làm băng hoại đạo đức của cán bộ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, làm xói mòn niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, về quy trình thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, cần hệ thống giám sát bằng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, có quy hoạch, đào tạo, luân chuyển và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Giải trình thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Phó thủ tướng tập trung vào một số vấn đề như công tác xây dựng pháp luật, bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông…

Về công tác xây dựng pháp luật, Phó thủ tướng thừa nhận vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành chậm. Một số dự án luật còn hạn chế về nội dung, chậm trình Quốc hội. Đến nay các bộ ngành đang nợ 18 văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Vương Đình Huệ chỉ ra một số nguyên nhân như chưa tuân thủ quy trình, trình tự theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sự quan tâm chỉ đạo của một số tư lệnh ngành chưa sát sao. Ngoài ra, một số vấn đề chưa đánh giá kỹ khi xây dựng. Thời gian cho phép ban hành ngắn, trong khi vấn đề khó, phức tạp, soạn thảo còn khó khăn.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ chấp hành nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ sẽ công khai các bộ ngành nợ đọng văn bản. Ngoài ra, sẽ tăng cường năng lực triển khai, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Về các chính sách, nguồn lực bố trí các chương trình phát triển dân tộc, dân số và miền núi, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đã bố trí 5.500 tỷ đồng cho các chương trình. Chính phủ đang bố trí nguồn chi bổ sung 1.000 tỷ từ nay đến cuối năm cho các vấn đề này.

“Về căn cơ, Chính phủ sẽ trình Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chương trình mục tiêu quốc gia thứ ba để phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có riêng hợp phần cho dân tộc ít người và rất ít người. Chúng ta sẽ tích hợp 186 chính sách hiện tại thành một bộ chính sách”, ông nói.

 

Sau thống kê kinh tế ngầm phải cải thiện chính sách, diệt trừ tham nhũng vặt

Theo TS. Bùi Trinh, việc thống kê kinh tế ngầm không nên hưởng theo việc giúp GDP hay nới trần nợ công, ngược lại Chính phủ cần lấy dữ liệu thống kê này để đưa ra chính sách, đối sách giúp doanh nghiệp lớn lên và diệt trừ tham nhũng vặt.

 

Cử tri và nhân dân còn bức xúc về nạn 'tham nhũng vặt'

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp 6 của Quốc hội cho biết, cử tri còn bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”.

 

Nóng chuyện bán con bò chịu thuế VAT 5%, phí ‘bôi trơn’, ‘tham nhũng vặt’

Ngành tài chính tuần qua nóng với những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về vấn “tham nhũng vặt”, “bôi trơn”, tín dụng đen.