Phó thủ tướng yêu cầu đề xuất hình thức đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết

Thứ tư, 08/04/2020, 13:17 PM

Phó Thủ tướng vừa yêu cầu hướng dẫn các bộ, cơ quan phân định nguồn vốn, đề xuất hình thức đầu tư và xây dựng các danh mục công trình của dự án cảng hàng không Phan Thiết.

Phối cảnh Cảng hàng không Phan Thiết.

Phối cảnh Cảng hàng không Phan Thiết.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án sân bay phục vụ huấn luyện của e.KQ 920 tại Bình Thuận và hạ tầng, doanh trại tạm thời của e.KQ 920 tại sân bay Cam Ranh, Khánh Hòa (dự án e.920) và dự án cảng hàng không Phan Thiết.

Thông báo cho biết: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050; Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với quy mô đạt cấp 4E (là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự).

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đầu tư, xây dựng dự án e.920 và dự án cảng hàng không Phan Thiết, bảo đảm chặt chẽ và theo đúng quy định, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương liên quan, khẩn trương thực hiện loạt các nhiệm vụ.

Về dự án e.920: UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, các bộ, ngành và cơ quan liên quan thành lập tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng để thực hiện việc đấu giá đất, theo đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, các bộ, ngành và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện việc đầu tư và xây dựng sân bay phục vụ huấn luyện của đơn vị e.KQ 920 tại Bình Thuận và hạ tầng, doanh trại tạm thời của đơn vị e.KQ 920 tại sân bay Cam Ranh theo thẩm quyền, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ triển khai dự án.

Về dự án Cảng hàng không Phan Thiết: Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan, đơn vị liên quan, rà soát lại quy hoạch chi tiết cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (phải dự trữ quỹ đất để có thể xây dựng đường cất, hạ cánh thứ 2 khi cần thiết);

Đồng thời cập nhật và bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh.

Giao UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án cảng hàng không Phan Thiết đạt 4E và dự án e.920 tại Bình Thuận, theo đúng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện các dự án nêu trên.

Để hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng đối với hai dự án nêu trên, Phó thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tách bạch và phân định nguồn vốn, đề xuất hình thức đầu tư và xây dựng cho các danh mục công trình cụ thể của từng dự án; chủ trì thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án e.920 và dự án cảng hàng không Phan Thiết đạt cấp 4E theo đúng quy định.

Sân bay Phan Thiết được Chính phủ xác định là sân bay quân sự - dân dụng kết hợp. UBND tỉnh Bình Thuận sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư trong 2019, để tổ chức xây dựng trong giai đoạn 2020-2021.

Quy mô của sân bay Phan Thiết được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3216/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2013 trên cơ sở Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009.

Theo đó, sân bay Phan Thiết giai đoạn đến 2020 phục vụ bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn...; giai đoạn định hướng đến năm 2030 có thể phát triển khai thác bay thường lệ khi có thị trường; cấp sân bay dân dụng cấp 4C - quân sự cấp I với đường cất hạ cánh dài 2.400 m, chủ yếu khai thác máy bay nhỏ; riêng máy bay A320, A321 yêu cầu hạn chế tải, đường bay ngắn hơn 2.000 km; công suất thiết kế đến năm 2030 là 1 triệu hành khách/năm.

Theo Quy hoạch này, sân bay Phan Thiết khi đưa vào khai thác chủ yếu phục vụ bay taxi tuyến nội địa, chưa quy hoạch tuyến bay thường lệ, ...trường hợp phát triển và có thị trường quốc tế thì chỉ trong khu vực Đông Nam Á.

Bài liên quan