Phục vụ cà phê, trông xe... những bài học 'trường đời' vô giá

Thứ hai, 20/08/2018, 14:01 PM

Phục vụ cà phê, trông xe…những việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng lại cho Lê Tiến Vinh những bài học “trường đời” giúp Vinh lập nghiệp.

LTS: "Tôi đi học" là loạt bài chia sẻ những câu chuyện chân thật, những kinh nghiệm về sự nỗ lực tự mình mưu sinh, vừa học vừa làm của những tấm gương sinh viên hiếu học và tự lực trong cuộc sống sinh viên.

Tòa soạn rất mong nhận được chia sẻ của bạn đọc về những câu chuyện khác nữa, để tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn còn đang e dè lo lắng trước ngưỡng cửa đại học. Bài viết được chọn đăng sẽ được trả nhuận bút.

ceo-8x-phuc-vu-ca-phe-trong-xenhung-bai-hoc-truong-doi-vo-gia
Lê Tiến Vinh chia sẻ công việc làm thêm như bưng bê cà phê, trông xe đã cho Vinh những bài học “trường đời” để lập nghiệp. Ảnh Hoàng Lực

Đỗ đại học, cao đẳng là ước mơ của tất cả mọi người, cuộc sống sinh viên xa nhà chờ đón các bạn với đầy hấp dẫn nhưng cũng không ít thử thách. Học đại học với nhiều người chính là quãng thời gian đầu tiên sống xa gia đình, xa sự đùm bọc của bố mẹ.

18 tuổi, xa nhà, đối diện với cuộc sống thị thành là điều không hề đơn giản nhưng cũng là một cơ hội vô cùng quý giá để bạn bắt đầu tự lập.

Câu chuyện của 8X Lê Tiến Vinh – CEO sáng lập điều hành thương hiệu Mật ong bác Lập với những trải nghiệm thực tế ngày ngồi ghế giảng đường sẽ là gợi mở cho những tân sinh viên.

Bài học không trường nào dạy

Phải sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp Lê Tiến Vinh tại quán cà phê anh hay ngồi. Thoạt nhìn ít ai nghĩ Vinh đang là giám đốc doanh nghiệp, trong suy nghĩ của Vinh việc kinh doanh anh vẫn chỉ là người học việc. Và anh học ngay từ những ngày đầu tiên đi làm thêm quán cà phê thời sinh viên.

Vinh chia sẻ, năm 2007 anh đỗ ngành Kĩ thuật – Điện tử phát thanh truyền hình tại trường cao đẳng và bắt đầu cuộc sống sinh viên.

“Gia đình tôi không giàu, cũng không nghèo, ngày đấy học ở Hà Nam sinh viên chỉ cần khoảng 600.000 – 650.000 đồng là đủ sinh hoạt 1 tháng. Tôi xin bố mẹ 300.000 đồng đủ tiền nhà, tiền điện nước còn lại đi làm thêm để có tiền sinh hoạt.

Không phải bố mẹ không có tiền mà ngày đấy xem phim bị “nghiện” những câu chuyện đi làm thêm của sinh viên nên ngay khi nhập học việc đầu tiên nghĩ đến xin đi làm thêm”, Vinh chia sẻ.

Vinh cho biết, ngày ấy sinh viên ngoại tỉnh đi làm thêm công việc không nhiều, chủ yếu bưng bê cà phê, chạy bàn quán ăn, trông xe. Sau nhiều ngày đi hỏi Vinh được tuyển vào quán cà phê với công việc bưng bê.

“Ngày đó lương 1 tháng đi làm 300.000 đồng, sau đó nâng lên 350.000 đồng, số tiền đó vừa đủ để tôi chi phí sinh hoạt nên cảm thấy đi làm rất thỏai mái”, Vinh cho biết.

Theo lời của Lê Tiến Vinh, công việc quán cà phê đa dạng, lúc chủ quán yêu cầu bưng bê cà phê, lúc ra trông xe, dắt xe cho khách. Những công việc tưởng chừng đơn giản lại là bài học đầu tiên mà theo Vinh không trường nào dạy.

ceo-8x-phuc-vu-ca-phe-trong-xenhung-bai-hoc-truong-doi-vo-gia
Theo Vinh khi đi làm thêm được gặp gỡ, giao tiếp nhiều người giúp sinh viên trưởng thành

“Tôi bưng bê cà phê, phục vụ khách, cái đầu tiên học được chính là được gặp gỡ, giao tiếp với nhiều khách hàng khác nhau. Họ có thể là doanh nhân, là người thành đạt, người lao động, đủ giới đủ thành phần.

Phục vụ bưng bê nên thường đứng ngay gần khách, những câu chuyện, cách giao tiếp họ nói với nhau là cái tôi học được.

Thói quen đó giờ vẫn còn, tôi ngồi quán cà phê nghe câu chuyện người xung quanh đôi khi gợi mở những cơ hội kinh doanh mới, những mối quan hệ mới. Những cái đó không trường lớp nào dạy”, Vinh chia sẻ.

Nói như vậy nhưng đi làm thêm không phải lúc nào cũng suôn sẻ, ngay công việc bưng bê của Vinh có những lúc có rủi ro.

“Có lần khách vào gọi đồ mình nghe rõ là cam nóng nhưng khi bê ra khách nói gọi ca cao nóng. Đương nhiên lúc đó nhân viên bưng bê phải bỏ tiền đền.

Có có lúc vì quán quá đông, khách uống bia rượu nơi khác về gọi đồ mình không nghe rõ khiến khách khó chịu. Thậm chí định đánh lại vì cho là thái độ, rất may quản lý quán can thiệp”, Vinh nói.

Theo Vinh chuyện sinh viên đi làm bị chủ lấy cớ trừ tiền là nguy cơ thường trực. Nhưng đó cũng là bài học để mọi người sau này khi đi làm cần chú ý điều khoản hợp đồng lao động.

Đừng vội nghĩ đến tiền

Sinh viên đi làm thêm theo Vinh có hai suy nghĩ: Thứ nhất, đơn thuần đi làm lấy tiền trang trải cuộc sống một cách cơ học, bỏ qua cái xung quanh; Thứ hai là tâm thế đi làm lấy tiền nhưng xác định đó là những trải nghiệm, là bài học cần thiết.

“Với sinh viên đặc biệt những bạn có điều kiện khó khăn nên nghĩ đỗ đại học chỉ là con số 0, chỉ khởi đầu con đường lập nghiệp. Con đường lập nghiệp bắt đầu từ đi làm thêm. Khi đó làm thêm không chỉ là việc đi làm lấy tiền trang trải việc học tập sinh hoạt mà mà con là trải nghiệm, kinh nghiệm sau này”, Vinh nói.

Thực tế không ít bạn sinh viên có suy nghĩ đại học, cao đẳng là đích đến, là đỉnh điểm thể hiện sự thành công. Suy nghĩ này theo Lê Tiến Vinh là sai lầm lớn nhất. Thực tế đỗ đại học chỉ là khởi đầu, là con số 0.

Ngay cả khi tốt nghiệp đại học cũng vẫn chỉ là con số 0 nếu bạn không chuẩn bị những kỹ năng cần thiết khi đi làm. Theo Vinh khi đi làm kỹ năng công việc chỉ chiếm 40% còn lại là kỹ năng giao tiếp, tương tác giao tiếp xã hội.

“Những cái đó như kinh nghiệm của tôi có được từ việc đi làm thêm. Nếu bạn hỏi sinh viên có nên đi làm thêm không. Tôi cho rằng nên, cần đi làm thêm kể cả gia đình bạn chu cấp đầy đủ thì cũng nên đi làm thêm. Ít nhất dành 20% thời gian các bạn đi học để đi làm thêm. Sinh viên thường nghĩ đi làm thêm sẽ ảnh hưởng việc học nhưng chỉ số ít sinh viên dành thời gian rỗi cho việc học còn lại là đi chơi, như vậy lãng phí” - Vinh chia sẻ.

So sánh thú vị, Vinh cho rằng việc đi làm thêm, học kỹ năng giao tiếp từ thực tế như cách mỗi người gieo tương lai. “Khi không gieo trồng, không vun xới thì không thể có trái ngọt. Kiến thức chỉ như hạt giống, hạt giống nảy nở nhưng không chăm bón không thể có quả ngọt. Đi làm thêm bước ra đời để tự mình vun trồng cho tương lai chỉ như thế mới có thể thành công”, Vinh nhấn mạnh.

 

Giáo dục đại học Việt Nam thứ hạng thấp, sinh viên thiếu kỹ năng

Giáo dục đại học Việt Nam chưa lọt top 50 thế giới. Kết quả xếp hạng các trường đại học còn thấp.

 

Nghịch lý: Sinh viên giỏi ra trường khó xin việc hơn người không giỏi có 'ô dù'

“Giáo dục đại học của chúng ta đang nỗ lực đào tạo ra những con người tốt, những người giỏi, nhưng nghịch lý là người giỏi, người tốt cơ hội việc làm khi ra trường lại không tốt bằng những người không giỏi nhưng có quan hệ, ô dù”- GS-TS Phạm Quang Minh nói về nghịch lý trong việc sử dụng, tuyển dụng lao động hiện nay.

 

Giảng viên khoa Luật bị tố nhắn tin ‘gạ gẫm’ sinh viên nói gì?

Liên quan đến việc sinh viên Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tố cáo giảng viên có hành vi “gạ gẫm” thông qua những tin nhắn mời đi ăn, uống… đã chính thức lên tiếng và bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc mà các sinh viên đưa ra.