Pin có thực sự làm chất màu nhuộm cà phê?

Thứ bảy, 21/04/2018, 15:13 PM

Theo chuyên gia về công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cho biết, sản phẩm pin không thể làm chất nhuộm màu cho cà phê.

pin-co-thuc-su-lam-chat-mau-nhuom-thuc-pham
Nghi vấn cà phê được sử dụng để làm chất nhuộm màu cho cà phê.

Liên quan đến vụ việc cơ sở của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi) tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) bị lực lượng chức năng bắt quả tang trộn lõi pin vào cà phê.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện trong xưởng của bà Loan có hàng chục tấn cà phê bẩn đã được trộn với đất, bột đá. Ngoài ra, tại cơ sở chế biến, lực lượng chức năng cũng thu giữ 2 chậu chứa pin (khoảng 35 kg) đã được đập vụn; 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10 kg); 12 tấn cà phê bột được chủ cơ sở trộn với lõi pin.

Để có nguồn nguyên liệu, bà Loan cho người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn… tại các đại lý. Sau đó, chủ cơ sở mua pin thải về đập dẹp, dùng bột màu đen trong lõi pin hòa với nước tạo thành dung dịch để trộn vào cà phê vụn.

Nhiều thông tin cho rằng việc dùng pin để nhuộm đen cà phê, thế nhưng theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội (ĐH Bách Khoa) lại cho rằng, việc sử dụng pin vào mục đích gì thì cần được xác minh. Tuy nhiên bản chất pin không phải là chất tạo màu, bởi thành phần chính của pin là than không phải là một chất hoà tan.

Đối với trường hợp cà phê nghi nhuộm đen bởi pin, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích: "Việc lấy màu đen của lõi pin để biến thành chất màu cho cà phê là không đúng, bởi màu đen của pin theo thang đo độ đen là gần như bằng 1, còn màu cà phê có màu nâu đậm.

Pin không phải thực phẩm, không được trộn vào bất cứ thứ gì với tư cách pin là chất phụ gia cho thực phẩm. Bất cứ trường hợp nào pin cũng không được dùng làm chất tạo màu bởi thành phần than trong pin không phải là chất hoà tan".

pin-co-thuc-su-lam-chat-mau-nhuom-thuc-pham
PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội (ĐH Bách Khoa) 

Ông cũng cho biết, để làm giả cà phê những "gian thương" thường sử dụng chất Caramen bởi nó có màu và vị đắng như cà phê, thêm một chút tinh dầu vào là có thể làm giả cà phê. Loại sản phẩm này thường rẻ và có thể mua với số lượng lớn một cách dễ dàng, chứ không cần phải mất công thu mua pin về để đập bẹp trộn với cà phê.

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh thành phần trong pin cũng không chứa kim loại nặng, ông cho biết: "Cục pin thông thường được kết cấu bằng lõi bên trong bằng bột than là cực âm, còn lại phần bên ngoài là kim loại kẽm là cực dương, giữa hai lớp này là dung dịch điện ly và hồ tinh bột. Chứ trong pin không có thuỷ ngân và kim loại nặng bởi những chất này sẽ làm thay đổi tính chất điện hoá của pin".

Tuy chưa có thử nghiệm nào có thể chứng minh pin có ảnh hưởng đến sức khoẻ khi ăn hoặc uống vào cơ thể người, nhưng theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm Hà Nội (ĐH Bách Khoa) khẳng định: "Pin không phải là thực phẩm, không phải chất tạo màu nên nếu trộn vào thực phẩm người bán đã vi phạm quy định của pháp luật". 

 

Bất ngờ với phát biểu của phó chi cục trưởng vụ 'cà phê pin'

Tại một hội nghị, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Đắk Nông, đã có một số ý kiến xung quanh vụ cà phê nhuộm lõi pin khiến không ít người nghe khá bất ngờ về vụ này. .