Quá trình luận tội Tổng thống Mỹ diễn ra thế nào?

Thứ tư, 25/09/2019, 10:11 AM

Chưa có Tổng thống Mỹ nào bị lật đổ khỏi văn phòng do luận tội, nhưng áp lực từ quá trình này có thể hạ bệ một nhà lãnh đạo Mỹ. Tổng thống Richard Nixon từ chức năm 1974 sau vụ bê bối Watergate.   

Hạ viện tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump
Hạ viện tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hôm 24/9, Hạ viện tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump vì lạm quyền. Họ cáo buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng viện trợ quân sự để ép Ukraine điều tra con trai của ứng viên tổng thống dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020, Joe Biden.

"Tổng thống phải chịu trách nhiệm. Không ai được đứng trên pháp luật”, bà Pelosi nói.

Trong lịch sử nước Mỹ, ba tổng thống đã bị Hạ viện chính thức luận tội là Andrew Johnson vào năm 1868, Richard Nixon năm 1974 và Bill Clinton năm 1998. Richard Nixon đã từ chức trước khi có kết quả bỏ phiếu, trong khi đó cả hai trường hợp của ông Johnson và Clinton đều dừng tại Thượng viện.

Quá trình luận tội Tổng thống Mỹ                       

Nếu các nhà lập pháp tin rằng một tổng thống có tội với những gì mà Hiến pháp Mỹ gọi là "tội phản quốc, hối lộ, hoặc các tội ác và hành vi sai trái khác", thì quá trình này sẽ bắt đầu tại Hạ viện.

Bất kỳ thành viên nào của Hạ viện cũng có thể đưa ra một nghị quyết luận tội, giống như bất kỳ dự luật nào khác và sau đó gửi đến một ủy ban. Quá trình cũng có thể được bắt đầu mà không cần nghị quyết, như với cuộc điều tra luận tội hiện tại đối với Tổng thống Trump.

Ủy ban có thể xem xét các bằng chứng mà họ nhận được, hoặc tự thực hiện một cuộc điều tra.

Nếu bằng chứng đủ mạnh,ủy ban sẽ soạn thảo các điều khoản luận tội - tương đương với các cáo buộc hình sự - và gửi chúng đến Hạ viện.

Hạ viện có thể phê chuẩn các điều khoản bằng một cuộc bỏ phiếu đa số đơn giản, "luận tội" tổng thống.

Các điều khoản này sau đó được chuyển đến Thượng viện. Tai đây sẽ diễn ra một phiên tòa, với các đại diện của Hạ viện đóng vai trò là công tố viên, tổng thống và luật sư bào chữa của tổng thống.

Chánh án của Tòa án Tối cao chủ tọa phiên tòa tại Thượng viện.

Thượng viện gồm 100 thành viên sau đó bỏ phiếu về các cáo buộc. Sẽ cần tối thiểu 2/3 phiếu trong Hạ viện để kết tội và bãi nhiệm tổng thống.

Nếu tổng thống bị kết án, phó tổng thống sẽ tiếp quản Nhà Trắng.

Tổng thống đối mặt với những hình phạt nào?

Tổng thống Richard Nixon đã từ chức năm 1974 sau vụ bê bối Watergate. 
Tổng thống Richard Nixon đã từ chức năm 1974 sau vụ bê bối Watergate. 

Các cáo buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn hiến pháp về "tội ác và các hành vi sai trái”, rất rộng.

Trong trường hợp của ông Clinton và Nixon, các công tố viên độc lập đã tiến hành điều tra mở rộng và tích lũy bằng chứng để hỗ trợ cho các cáo buộc hình sự.

Ông Nixon bị buộc tội cản trở công lý, lạm quyền và không tuân lệnh tòa án.

Ông Clinton, trong vụ bê bối của Monica Lewinsky, đã bị buộc tội khai man và cản trở.

Tổng thống Trump có thể đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực vì đã sử dụng văn phòng của mình để gây áp lực cho Ukraine tiến hành một cuộc điều tra có động cơ chính trị đối với Joe Biden và con trai ông, Hunter, người có giao dịch kinh doanh ở Ukraine.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người từng điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cũng nêu chi tiết nhiều trường hợp ông Trump bị cho là cản trở công lý.

Luận tội trong phạm vi luật hay chính trị

Các tội ác và các hành vi sai trái bao gồm các cáo buộc về một loạt các hành vi không chỉ là vi phạm thông thường đối với bộ luật hình sự.

Ví dụ, đi nghỉ trong một năm không phải là bất hợp pháp nhưng có thể sẽ dẫn đến việc tổng thống bị luận tội vì đã không thực hiện nghĩa vụ của mình theo hiến pháp.

Và mặc dù yêu cầu bằng chứng mạnh mẽ, quá trình luận tội có bản chất chính trị, chứ không phải hình sự.

Trong các cuộc luận tội trước đây, sự ủng hộ và chống đối giữa các đảng phái luôn xuất hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp của ông Nixon, các hành vi phạm tội của tổng thống nghiêm trọng đến nỗi sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa đối với ông nhanh chóng tan rã.

Trong trường hợp của ông Clinton, Đảng Cộng hòa kiểm soát toàn bộ quốc hội. Nhưng khi các cáo buộc luận tội được gửi tới Thượng viện, 45 Thượng nghị sĩ Dân chủ đã đoàn kết để ngăn chặn cuộc biểu quyết đạt được 2/3 số phiếu để kết tội tổng thống.

Trong trường hợp của ông Trump, hơn 150 trong số 235 thành viên Dân chủ của Hạ viện 435 chỗ đã thể hiện sự ủng hộ việc mở cuộc điều tra luận tội ông.

Không có thành viên Đảng Cộng hòa trong Hạ viện nào ra mặt ủng hộ luận tội và Đảng Cộng hòa hiện đang kiểm soát Thượng viện, khiến cho việc kết tội Tổng thống Trump là điều không thể xảy ra.

Trong khi đó, ông Trump cho rằng quyết định mở cuộc điều tra luận tội ông là "quấy rối tổng thống" và "săn phù thủy".