'Quái vật' khoan hầm tuyến Nhổn - ga Hà Nội từ Đức về Việt Nam

Thứ tư, 09/09/2020, 06:42 AM

Robot được mệnh danh "quái vật đào hầm" tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được vận chuyển bằng đường biển từ Đức về cảng Hải Phòng.

Đoàn tàu tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Đoàn tàu tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

Liên quan đến dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, mới đây Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết, đơn vị này đã cùng tư vấn dự án và nhà thầu liên danh Hyundai - Ghella kiểm tra thực địa tuyến đường bộ từ cảng biển Hải Phòng về Hà Nội để chuẩn bị cho công tác vận chuyển máy đào đường hầm của tuyến đường sắt trên.

Qua khảo sát cho thấy, trên hành trình vận chuyển có 40 vị trí có chướng ngại vật (cầu vượt, cầu đi bộ, hầm chui, dây điện, cổng soát vé...).

Để đảm bảo an toàn cho đoàn xe chở các kiện hàng siêu trường, siêu trọng khi di chuyển qua các cầu hạn chế tải trọng hoặc cầu yếu, nhà thầu phải thử tải và gia cố nâng cấp cầu để đảm bảo khả năng chịu tải của cầu.

Dự kiến máy đào hầm sẽ cập cảng Hải Phòng trong 2 đợt, vào cuối tháng 10 và tháng 12/2020. Sau đó, được vận chuyển theo hành trình 193km đường bộ từ cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng về dự án.

Máy đào sẽ được tách rời các bộ phận để vận để vận chuyển từ nơi chế tạo về ga ngầm S9 (ga Kim Mã) của dự án.

Các bộ phận của máy đào hầm khi đưa về dự án sẽ được dùng cẩu khoảng 500 tấn để đưa xuống tầng cuối của ga ngầm để lắp ráp, chuẩn bị cho công tác đào hầm.

Được biết, máy đào hầm của dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội được chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine), do một hãng Herrenkecht của Đức chế tạo. Máy đào như một Robot khoan hình trụ nằm ngang, gồm bộ phận khiên đào phía trước và “con sâu” nối sau. Robot có cao và rộng là 6,6m, còn “con sâu” dài khoảng 100m.

Theo dự kiến tháng 3/2021 nhà thầu bắt đầu khoan đào những mét đường hầm đầu tiên của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Mỗi ngày trung bình máy đào được 10m đường hầm.

Dự án tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.

Theo tiến độ điều chỉnh mới nhất của UBND TP.Hà Nội, thời gian thực hiện dự án 2009-2022, trong đó đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, khai thác toàn bộ tuyến vào tháng 12/2022.

Trước đó, đoàn tàu đầu tiên của tuyến Nhổn - ga Hà Nội cũng đã lên đường về Việt Nam. Dự kiến đến tháng 11/2020, đoàn tàu sẽ được trưng bày để người dân tham quan.

Một thông tin quan trọng cũng đang được dư luận quan tâm đó là việc khi đi vào khai thác Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ cần khoảng 624 người để vận hành 12,5km. Con số tương đương đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Bài liên quan