Quan chức, báo chí Trung Quốc đua nhau mỉa mai Mỹ về biểu tình

Thứ ba, 02/06/2020, 09:47 AM

Nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc cũng như cộng đồng mạng, truyền thông nước này đã cùng chế giuễ Mỹ về cách xử lý cuộc biểu tình vụ George Floyd.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mỉa mai Mỹ về các cuộc biểu tình đang diễn ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh mỉa mai Mỹ về các cuộc biểu tình đang diễn ra.

"Tôi không thở được", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã viết trên Twitter ngày 30/5 ám chỉ câu nói của George Floyd trước khi bị cảnh sát ghì chết tại thành phố Minneapolis hôm 25/5.  Đây cũng là câu người biểu tình trên khắp được Mỹ đang dùng để phản đối vụ việc.

Cái chết của người đàn ông 46 tuổi và các cuộc bạo loạn, biểu tình chống phân biệt chủng tộc trên khắp nước Mỹ đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng, truyền thông và quan chức Trung Quốc. Nhiều người gọi chính quyền Mỹ là “đạo đức giả” khi phê phán việc đàn áp các cuộc biểu tình ở Hong Kong trong khi vẫn đang kìm kẹp gay gắt các cuộc biểu tình trong nước.

Dòng thông điệp “Tôi không thở được” của bà Oánh được nhiều người ủng hộ và là một trong những chủ đề thịnh hành hàng đầu trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất ở Trung Quốc. Một cư dân mạng bình luận dưới bài viết của bà Oánh rằng: "Bà Oánh đã rút máu chỉ bằng một mũi kim"

Ông Hu Xijin, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, cũng là một trong những nhà bình luận gây chú ý nhất về các cuộc biểu tình diễn ra trên khắp nước Mỹ. Ông này có một số bài đăng châm chiếm rằng "những kẻ bạo loạn Hong Kong" đã xâm nhập vào Mỹ và làm “chủ mưu” kích động biểu tình ở đó.

Ông cũng đã nhắm vào những bình luận của bà Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi trong một bài xã luận ngày 30/5, viết rằng: "Bây giờ, 'cảnh đẹp' đang kéo dài từ Hong Kong đến hơn một chục tiểu bang Mỹ. Các chính trị gia Mỹ giờ đây có thể thưởng thức cảnh này từ cửa sổ của chính họ”.

Trong một bài xã luận khác ngày 1/6, ông nói rằng các cuộc biểu tình là "quả báo" đối với các chính trị gia Mỹ ủng hộ các cuộc bạo loạn ở Hong Kong. "Tôi hy vọng sự hỗn loạn hiện tại trên đất Mỹ có thể dạy cho các chính trị gia Mỹ và một số chính trị gia châu Âu một bài học tốt. Thành thật mà nói, mâu thuẫn xã hội ở Mỹ và châu Âu rõ rệt và có vấn đề hơn ở Trung Quốc”.

Nhà phân tích chính trị ở Hong Kong, Willy Lam, cho biết tình cảm dân tộc đã gia tăng ở Trung Quốc trong vài tháng qua khi người Trung Quốc cảm thấy họ đã bị đổ lỗi không công bằng cho việc xử lý ổ dịch Covid-19, dẫn đến dịch lan rộng toàn cầu. Giáo sư Lam cũng cho rằng Bắc Kinh đang khơi dậy những tình cảm như vậy để thúc đẩy cảm giác đoàn kết và ổn định quốc gia, nhưng cảnh báo điều này có thể gây tác dụng ngược.

"Kể từ khi (Chủ tịch) Tập Cận Bình lên nắm quyền, chúng tôi đã chứng kiến những làn sóng khác nhau của chủ nghĩa dân tộc vào những dịp khác nhau, nhưng luôn có nguy cơ xảy ra quá mức - chủ nghĩa dân tộc có thể trở thành trò hề, có thể trở thành bài ngoại”, ông Lam nói.