Quân khuyển Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Thứ ba, 27/08/2019, 17:43 PM

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, để đối phó với các hoạt động của Quân Giải phóng, quân đội Mỹ đã huy động đội quân khuyển với hàng ngàn chó nghiệp vụ.

Theo số liệu của Tiến sĩ Dr. Howard Hayes, Bác sĩ Thú ý thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra tháng 3/1994 dựa trên thống kê mã hiệu, có ít nhất 3.747 chó nghiệp vụ được xác nhận đã được quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên nhiều ước tính đưa ra con số 4.900 đến 5.000 trong giai đoạn chiến tranh từ 1964 đến 1975, do các hồ sơ về chó nghiệp vụ không được quân đội Mỹ duy trì cho đến trước năm 1968.

Cùng với đó, khoảng 10.000 huấn luyện viên chó nghiệp vụ cũng đã tham chiến. Chiếm tỉ lệ cao nhất trong số này là các quân nhân thuộc Lục quân (65%), tiếp đó là Không quân (26%), Thủy quân lục chiến (7%) và Hải quân (2%). Với con số này, Việt Nam trở thành cuộc chiến mà Mỹ sử dụng chó nghiệp vụ trên quy mô lớn nhất trong tất cả các cuộc xung đột thời Chiến tranh lạnh.

Ở Việt Nam, lực lượng quân khuyển Mỹ được giao nhiều nhiệm vụ như:

Trinh sát: thông thường trong nhiệm vụ này nhóm 1 chó béc giê Đức và 1 huấn luyện viên sẽ được phối thuộc cho đơn vị bộ binh khi có yêu cầu. Tổ quân khuyển sẽ có nhiệm vụ đi đầu đội hình đóng vai trò tai mắt cho đơn vị, cảnh giới, phát hiện các dấu hiệu có gài bẫy, phục kích, bắn tỉa, dò tìm nơi cất giấu vũ khí, lương thực của Quân Giải phóng và cảnh báo cho đơn vị đi sau. Đây là bộ phận thường phải chịu thương vong nặng nhất trong lực lượng quân khuyển. Phần lớn chó trinh sát và huấn luyện viên được đào tạo tại căn cứ Lục quân Fort Benning, Georgia (Mỹ) hoặc huấn luyện tại chỗ.

quan-khuyen-my-trong-chien-tranh-viet-nam
Chó trinh sát Mỹ ở Việt Nam năm 1966.

Tuần tra: Tổ quân khuyển gồm 1 béc giê Đức và 1 huấn luyện viên, có nhiệm vụ tuần tra vòng ngoài ở các căn cứ, kho tàng, các cơ sở quan trọng... và dùng điện đài thông báo ngay cho lực lượng bảo vệ khi có dấu hiệu khả nghi. Các nhóm chó nghiệp vụ tuần tra thường hoạt động về đêm và được sử dụng rộng rãi bởi tất cả các đơn vị đóng căn cứ ở Việt Nam cũng như Thái Lan. Chó tuần tra và huấn luyện viên phần lớn được đào tạo tại căn cứ Không quân Lackland, Texas (Mỹ), một số ở Showa, Tachikawa, Nhật hoặc tại chỗ.

quan-khuyen-my-trong-chien-tranh-viet-nam
Chó nghiệp vụ tuần tra tại Đà Nẵng năm 1969.

Tuần tra mặt nước: chó nghiệp vụ được triển khai theo các tàu, thuyền tuần tra tốc độ thấp trên các tuyến giao thông đường sông của Mỹ nhằm phát hiện hơi thở từ các thiết bị lặn, từ đó ngăn chặn hoạt động của đặc công nước Quân Giải phóng.

Dò mìn/bẫy/đường hầm: tổ quân khuyển cũng gồm 1 chó béc giê Đức và 1 huấn luyện viên. Đúng như tên gọi, chó nghiệp vụ có nhiệm vụ dò tìm đường hầm, các dấu vết của mìn, bẫy và các phương tiện sát thương khác để hỗ trợ các hoạt động của công binh chiến đấu Lục quân và Thủy quân lục chiến. Ngoài ra các tổ quân khuyển này còn tham gia hỗ trợ hoạt động lùng sục càn quét làng mạc và những khu vực nghi ngờ có kho tàng của Quân Giải phóng.

quan-khuyen-my-trong-chien-tranh-viet-nam
Chó nghiệp vụ thăm dò 1 cửa hầm, năm 1970.

Nhóm tác chiến dò tìm (CTT) là một mô hình riêng được xây dựng để chống lại các hoạt động chiến tranh du kích của Việt Nam. Mỗi nhóm tác chiến này gồm 2 chó nghiệp vụ Labrador (trong đó 1 làm dự bị) và 5 lính gồm huấn luyện viên, lính tìm kiếm theo dấu vết, lính yểm trợ, điện đài viên và tổ trưởng. Dựa trên kinh nghiệm chống du kích của quân đội Anh ở Malaysia, các nhóm CTT có nhiệm vụ chủ động truy lùng Quân Giải phóng.

Từ năm 1964 có 14 nhóm CTT được đào tạo theo giáo trình của Anh. Hoạt động huấn luyện này được tiến hành bí mật tại Trường tác chiến rừng ở Borneo, Malaysia để che giấu sự hỗ trợ về mặt quân sự của Anh và Malaysia cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. Các chó nghiệp vụ được quân đội Anh cung cấp trong khi công tác giảng dạy do lính SAS Australia và New Zealand – 2 quốc gia có quân tham chiến trực tiếp ở Việt Nam đảm nhiệm.

Bắt đầu từ năm 1966, quân đội Mỹ tự mở trung tâm huấn luyện riêng của mình ở căn cứ Lục quân Fort Gordon, Georgia (Mỹ). So với tổ chức ban đầu của Anh, người Mỹ có sự điều chỉnh. Các nhóm CTT được gom thành các trung đội trong sư đoàn bộ binh hoặc phân đội trong các đơn vị nhỏ hơn, số lượng chó nghiệp vụ và luyện viên trong mỗi phân đội được giảm bớt, nhưng bổ sung thêm các trinh sát là hồi chánh viên của Quân Giải phóng được đào tạo theo chương trình Kit Carson Scout.

quan-khuyen-my-trong-chien-tranh-viet-nam
Một toán tác chiến dò tìm (CTT) Mỹ ở Việt Nam năm 1970.

Mặc dù vậy, các nhóm CTT vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Theo số liệu thống kê, một đơn vị như vậy – Trung đội bộ binh số 63 trong thời gian từ tháng 9/1969 đến tháng 1/1971 chỉ bắt giữ được 80 người tình nghi hoạt động cho Cách mạng. Trong nhiều trường hợp, các đơn vị này mất hàng tháng trời mà không phát hiện được dấu vết của Quân Giải phóng hay du kích.

Quân đội Mỹ tổng kết có khoảng 350 chó nghiệp vụ và 263 huấn luyện viên đã thiệt mạng ở Việt Nam, nhiều trường hợp khác bị thương. Hoạt động của chó nghiệp vụ được cho là đã cứu mạng khoảng 10.000 lính Mỹ.

Tuy nhiên số phận của lực lượng chó nghiệp vụ Mỹ ở Việt Nam lại khá hẩm hiu. Sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam thì các đơn vị quân khuyển bị giải thể. Các chó nghiệp vụ được quân đội Mỹ phân loại thành trang bị bỏ đi. Trong số hàng ngàn chó nghiệp vụ chỉ có 204 con được mang theo để triển khai ở các căn cứ khác, một số ít chuyển giao cho QLVNCH tiếp tục sử dụng, số còn lại đơn giản là bị giết hoặc bị vứt bỏ.

 

Thất bại công nghệ hàng đầu của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Từ trước khi chính thức trực tiếp can thiệp vào Việt Nam, cắt đứt đường Trường Sơn là chiến lược được ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc. Khi cuộc chiến lên đến đỉnh điểm, nỗ lực này trở thành dự án công nghệ tham vọng nhất, quy tụ những công nghệ tối tân nhất của Mỹ thời bấy giờ.

 

Lực lượng hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Vào thời kỳ cao điểm, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ sử dụng tới gần 100 tàu chiến cỡ lớn, bao gồm cả hàng không mẫu hạm, thiết giáp hạm, tuần dương hạm và khu trục hạm tham chiến ở Việt Nam.

 

Lực lượng hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (phần 2)

Các tàu chiến mặt nước chủ yếu của Hải quân Mỹ được tổ chức thành Cụm tác chiến đặc nhiệm Tuần dương hạm và Khu trục hạm, hay còn mang phiên hiệu Cụm tác chiến đặc nhiệm 70.8. Trong đó thành phần thường trực chiến đấu thường có mặt 1 thiết giáp hạm và 2 tuần dương hạm.