Quảng Bình cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12h ngày 29/8

Thứ năm, 29/08/2019, 09:19 AM

Để phòng chống cơn bão số 4, tỉnh Quảng Bình yêu cầu kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12h ngày 29/8 cho đến khi bão tan.

Untitled (2)
Hồi 4h ngày 29/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc.

Sáng ngày 29/8, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có Công điện số 06/CĐ-UBND điện: Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh.

Bão số 4 (tên quốc tế là Podul) với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 đang tiếp tục di chuyển nhanh về vùng ven biển, đất liền nước ta và còn có khả năng mạnh thêm.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4h ngày 29/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Bình khoảng 680km về phía Đông.

Dự báo, trưa chiều ngày 30/8, bão sẽ đổ bộ vào khu vực đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình; hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng thấp trũng và ven biển.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 4, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện ven biển, thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn tìm mọi biện pháp thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm (trên biển Đông trong 24 giờ tới gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên: Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ Vĩ Bắc) vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Kiểm soát chặt chẽ không để tàu ra khơi đánh bắt hải sản, cấm tàu thuyền hoạt động trên biển, các cửa sông từ 12h ngày 29/8 cho đến khi bão tan.

Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, không để tàu thuyền hư hỏng do va chạm khi neo đậu; di chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thuỷ hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.

Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phân công cụ thể cán bộ trực tiếp chỉ đạo các xã, các thôn, bản; đặc biệt là những vùng thường xuyên bị chia cắt, những vùng thường bị ngập sâu hoặc có nguy cơ sạt lở, lũ quét; chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu, vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống và các vùng dân cư khác, đề phòng bị chia cắt lâu dài.

Tập trung lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chủ động đối phó và khắc phục hậu quả. Có biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn cho trẻ em ở những vùng thường ngập lụt; kiên quyết không để xảy ra chết, bị đói, rét người khi có bão, lũ.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các khu vực ngầm, tràn, đò ngang, cương quyết không cho người và phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm; khẩn trương tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, công trình; nắm thông tin người dân đang còn ở trong rừng, yêu cầu ra khỏi rừng hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Đồng thời, rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu đến nơi an toàn, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông, vùng thường xuyên ngập lụt sâu, trên các lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, những vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.

Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, chủ động tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; tập trung phương tiện, lực lượng thu hoạch cây trồng, thủy sản theo phương châm xanh nhà hơn già đồng.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi và UBND các huyện, thành phố, thị xã vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn vùng hạ du; kiểm tra phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân vùng hạ du.

Trong khi đó, Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông Vận tải có phương án điều tiết hoạt động giao thông trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và các tuyến giao thông khác trên địa bàn, cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bão đổ bộ vào đất liền (trừ các phương tiện đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt bão); đảm bảo an ninh trong công tác sơ tán dân; kiểm soát giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại nhằm bảo an toàn. Sở Giao thông Vận tải đảm bảo giao thông đường bộ, đường thuỷ; chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời để khắc sự cố tại các tuyến giao thông…

 

Tin bão mới nhất ngày 28/8: Vào Biển Đông, thành bão số 4 và tiếp tục mạnh thêm

Tin bão mới nhất ngày 28/8 cho biết: sáng sớm nay, cơn bão Podul sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2019.

 

Mưa lũ sau bão số 4 làm 12 người chết và mất tích

Tính đến hết ngày 18/8, đã có 10 người chết, 2 người mất tích và hơn 2.400 ngôi nhà bị ảnh hưởng do mưa lũ sau cơn bão số 4.

 

Đã có 10 người chết và 2 người mất tích vì mưa lũ sau bão số 4

Ngày 19/8, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 18/8 mưa, lũ sau bão số 4 đã làm 10 người chết, tăng 4 người so với ngày 17/8.