Quốc hội nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn trong Luật Quy hoạch

Thứ tư, 01/06/2022, 09:19 AM

Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm khi đến nay mới có 7/111 quy hoạch được quyết định, phê duyệt. Trên cơ sở đó, một loạt giải pháp đã được đưa ra để các đại biểu cho ý kiến.

 Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp

 Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên họp

Sáng 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Trước đó, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức các buổi hội thảo để lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về vấn đề này. TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tham dự và có bài tham luận đóng góp ý kiến nhận được sự đồng thuận của các đại biểu dự hội thảo và sự đánh giá cao của chủ tọa. Nội dung phát biểu tham luận của Tổng hội Xây dựng Việt Nam và các chuyên gia được thống nhất đưa vào kỷ yếu hội thảo làm tài liệu tham khảo cho Đoàn Giám sát và các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội này.

Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã chỉ ra những đóng góp tích cực mà Luật Quy hoạch mang lại, đồng thời nêu ra những hạn chế, tồn tại bất cập cần được đánh giá, tháo gỡ.

Có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt

Theo báo cáo, Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh;

Có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng ĐBSCL và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Bên cạnh đó, kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các Bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng (đã giải ngân 19,67%); của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng (đã giải ngân 36,72%).

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn).

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn).

Có 7 địa phương chưa phê duyệt dự toán lập kinh phí quy hoạch là Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Định, TP.HCM, Đồng Nai, Long An. Lý do là địa phương này chưa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hoặc được tài trợ sản phẩm quy hoạch nên chưa có số liệu về kinh phí lập quy hoạch.

Chồng chéo và hạn chế

Theo đoàn giám sát, Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành khác về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.

Việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia hội đồng thẩm định còn thiếu; chưa có đầy đủ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lập quy hoạch; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chưa cao...

Những điều này ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch; một số quy hoạch mới được phê duyệt nhưng đã bộc lộ bất cập như: Quy hoạch vùng ĐBSCL chưa thể hiện rõ mối quan hệ với TP HCM và vùng miền Đông Nam bộ; 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải chưa thể hiện được tính đồng bộ, kết nối của 5 phương thức vận tải và các dự án quan trọng quốc gia trong 4 quy hoạch này chưa phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn 5 năm để gắn kết với các kế hoạch trung hạn, bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện…

 Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm khi đến nay mới có 7/111 quy hoạch được quyết định, phê duyệt (Ảnh minh họa)

 Kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm khi đến nay mới có 7/111 quy hoạch được quyết định, phê duyệt (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều hạn chế. Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất cho công tác quy hoạch vẫn chưa được hoàn thiện.

Nguyên nhân được chỉ ra là: Luật Quy hoạch có nhiều quy định mới cả về nội dung và phương pháp lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với sự phối hợp đa ngành; việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành... Dẫn đến nội dung quy hoạch cấp dưới khó cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.

Nguyên nhân chủ quan, Luật Quy hoạch có nhiều nội dung mới nên cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan phối hợp chưa lường được hết tác động, những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dẫn đến có quy định còn bất cập, chưa rõ ràng, gây ra cách hiểu khác nhau.

Các văn bản luật về quy hoạch còn có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm, chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, thống nhất. Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch chưa phù hợp với hoạt động quy hoạch, chưa đầy đủ hoặc chậm được ban hành.

Các quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 được điều chỉnh cục bộ theo quy định của pháp luật cũ, tuy nhiên quy trình, thủ tục của việc điều chỉnh này chưa chặt chẽ, làm phát sinh những hạn chế, bất cập ở một số ngành, lĩnh vực như điện, khai thác khoáng sản, giao thông. Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Giải pháp tháo gỡ

Trên cơ sở kết quả giám sát, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

 Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 30/5, thảo luận về Luật Quy hoạch. (Ảnh: Quochoi.vn).

 Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 30/5, thảo luận về Luật Quy hoạch. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành. Rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cá thể hóa trách nhiệm.

Bảo đảm tính công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tổ chức thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quy hoạch...

Nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra

Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, để triển khai giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội theo chủ trương đổi mới hoạt động giám sát, ngoài báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, 63 đoàn ĐBQH, 63 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đều có báo cáo giám sát, trong đó nhiều báo cáo chất lượng tốt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 4 Phiên để cho ý kiến về đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, thông qua báo cáo, làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ.

 Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

 Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận về các vấn đề cụ thể được nêu trong báo cáo, và những vấn đề các đại biểu quan tâm, trong đó tập trung vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, đánh giá của các đại biểu Quốc hội về việc tham mưu cho Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”; hiệu quả triển khai của Đoàn giám sát cũng như của các bộ, ngành, đia phương.

Thứ hai, những căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành về việc ban hành Luật Quy hoạch và các luật liên quan; hiệu quả của việc ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ khó khăn trong tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch.

Thứ ba, cho ý kiến về những hạn chế, bất cập xung quanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch của các cấp các ngành; về sự tồn tại song hành, áp dụng cả hai loại quy hoạch hiện nay; về nội hàm của quy hoạch tổng thế quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; về khái niệm tích hợp quy hoạch; về sự thay thế, bãi bỏ các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm trước đây bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; về phân kỳ đầu tư triển khai các dự án quy hoạch…

Thứ tư, cho ý kiến về những đề xuất của Đoàn giám sát, trong đó có việc cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

 Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

 Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn bày tỏ thống thất với các nội dung trong Báo cáo giám sát của Đoàn Giám sát của Quốc hội.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian tới, chúng ta cần lưu ý việc cân đối nguồn lực trong triển khai các dự án đầu tư; cần có quy định phân cấp cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách đó trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương.

Đặc biệt, theo đại biểu cần thống nhất thời kỳ quy hoạch giữa các quy hoạch cùng cấp. Đại biểu cho rằng, sự thống nhất về thời gian và tầm nhìn quy hoạch cùng cấp thì việc tiến hành triển khai quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch sau này sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Theo Đại biểu Trần Việt Anh – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, vẫn còn thiếu công cụ quản lý quy hoạch chuyên ngành, cụ thể là các di sản đô thị do phải tích hợp các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong quy hoạch tỉnh, thành phố.

Hiện nay về nguồn vốn thực hiện quy hoạch đã được Nghị quyết 119 của Chính phủ năm 2021 tháo gỡ nhưng các luật và Nghị định chuyên ngành vẫn chưa kịp như Nghị định 166/2018/NĐ-CP về quy định thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt dự án bảo quản, tu bổ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Do đó, đại biểu Trần Việt Anh đề nghị cần một bản quy hoạch chuyên ngành và kĩ thuật chuyên ngành về di sản văn hóa và khảo cổ học để triển khai các dự án không bị dừng lại vì quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn ĐBQG TP HCM) kiến nghị các cơ quan Trung ương có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm sự giữa phù hợp giữa các quy hoạch, quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị.

Về đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị, đại biểu Nguyễn Thị Lệ kiến nghị, đề xuất lập quy hoạch đô thị căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố, quy hoạch sử dụng đất khi lập dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị để đảm bảo sự đồng bộ.

Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế làm cho thời gian lập quy hoạch kéo dài, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn ĐBQH Nam Định) đề nghị trong Nghị quyết giám sát cần có giải pháp khắc phục việc hướng dẫn mẫu hóa các nội dung như đề cương, nhiệm vụ lập quy hoạch chưa rõ, thời gian thẩm định và phê duyệt tương đối dài; đồng thời tháo gỡ vướng mắc về quy định các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ không thể tham gia đấu thầu các gói thầu tư vấn lập quy hoạch do Bộ, cơ quan ngang Bộ làm chủ đầu tư, trong khi đây là những đơn vị có năng lực và kinh nghiệm, có thông tin và cơ sở dữ liệu tốt nhất.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập kế hoạch bảo đảm chất lượng quy hoạch, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn ĐBQH Thanh Hóa) đề nghị Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo cụ thể hơn với Quốc hội vấn đề công khai thông tin quy hoạch.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu rõ, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Đại biểu cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương.

 TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

 TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Trước đó tại Hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có những phân tích sâu về những đóng góp tích cực mà Luật Quy hoạch mang lại, đưa ra một số vấn đề còn tồn tại xung quanh vấn đề tư vấn, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, những nguyên nhân dẫn đến việc thực thi Luật Quy hoạch chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 119/NĐ-CP.