Quốc hội quyết chi 14 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương, tinh giản biên chế

Thứ năm, 14/11/2019, 13:42 PM

Quốc hội quyết nghị dành 14.600 tỷ đồng để chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế, đồng thời chi 111.400 tỷ đồng để trả nợ lãi trong năm 2020.

quoc-hoi-quyet-chi-14-nghin-ty-dong-de-cai-cach-tien-luong-tinh-gian-bien-che
Quốc hội quyết chi 14 nghìn tỷ đồng để cải cách tiền lương, tinh giản biên chế

Sáng nay 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020. Theo đó, Quốc hội quyết định tổng số thu ngân sách trung ương là 851.768, 636 tỷ đồng. Tổng số thu ngân sách địa phương là 660.531,364 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.069.568,636 tỷ đồng.

Về chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là 14.600 tỷ đồng. Quốc hội quyết định năm 2020 chi trả nợ lãi 115.400 tỷ, chi thường xuyên 479.787, 222 tỷ, chi đầu tư phát triển 220.000 tỷ.

 

Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho hay, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị việc phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư công rất chậm, giao vốn nhiều đợt, quy trình, thủ tục phức tạp và chưa có giải pháp khắc phục, dẫn đến giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp.

Ghi nhận ý kiến nêu ra là đúng, ông Nguyễn Đức Hải cho hay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN vẫn đang là vấn đề “nóng” trong thời gian qua, nếu như năm 2015 tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ đạt 64,8%, thì năm 2016 giảm chỉ còn 54,5%, năm 2017 giảm còn 53,1%, năm 2018 là 50,9% và đến năm 2019 chỉ đạt 49,1%.

Theo các báo cáo mới nhất của Chính phủ, dự kiến đến cuối năm 2019, nợ công ở mức 56,1% GDP (so với mức 58,4% GDP năm 2018) , nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP (năm 2018 là 50% GDP); nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ước khoảng 19,5-20,5%.

Một chỉ tiêu quan trọng khác là nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP dự kiến cũng sẽ giảm xuống còn khoảng 45,8% (so với mức 46,0% của năm 2018).

Chính phủ khẳng định, trường hợp vay nợ nước ngoài tự vay, tự trả thực hiện trong phạm vi hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho năm 2019, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2019 so với GDP về cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức trần được Quốc hội cho phép (không quá 50% GDP).

Như vậy, đến cuối năm 2019 dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục xu hướng giảm của năm 2018.

Báo cáo cũng Chính phủ cũng cho biết, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, tổng trả nợ của Chính phủ khoảng 237.470 tỷ đồng (bằng 71,3% kế hoạch năm), trong đó trả nợ trong nước khoảng 196.281 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài khoảng 41.189 tỷ đồng.

Việc thực hiện nghĩa vụ trả các khoản trả gốc, lãi của Chính phủ nằm trong mức đã được phê duyệt, đảm bảo đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ còn có thể thấp hơn so với kế hoạch, chủ yếu do kết quả vận động lùi thời điểm áp dụng điều khoản trả nợ nhanh vốn IDA vay WB đến 1/7/2020.

Về tình hình năm 2020, các chỉ tiêu nợ so với GDP nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, khi Chính phủ dự báo đến cuối năm 2020 nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%.

Trong bối cảnh dự báo điều kiện thị trường vốn quốc tế sẽ thắt chặt hơn trong thời gian tới, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ khả năng cũng sẽ tăng lên tương ứng. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất bình quân nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn duy trì ở mức thấp (2,0%/năm tính đến 31/12/2019) do trên 96% khoản vay nước ngoài có điều kiện vay ODA, vay ưu đãi.

Yếu tố này góp phần quan trọng giúp duy trì chỉ tiêu trả nợ trên thu ngân sách nhà nước trong ngưỡng an toàn (cuối năm 2019 ở mức 19,5 -20,5% so với ngưỡng được Quốc hội cho phép là 25%, so với mức 15,9% cuối năm 2018), và được Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tích cực khi phân tích tính bền vững danh mục nợ của Việt Nam.

Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 23%, tiến gần ngưỡng 25% được Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.

Link gốc: http://baosuckhoecongdong.vn/quoc-hoi-quyet-chi-14-nghin-ty-dong-de-cai-cach-tien-luong-tinh-gian-bien-che-141725.html