Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Bỏ hay giữ cũng là tiền của dân

Chủ nhật, 12/05/2019, 07:06 AM

Những tranh cãi về việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu nóng lên khi quỹ này âm trong khi giá xăng thì vẫn tăng mạnh. Dù bỏ hay giữ lại thì cũng là của người dân ứng trước.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Những tranh cãi về việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu nóng lên khi quỹ này âm trong khi giá xăng thì vẫn tăng mạnh.  Ảnh minh họa

Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 12/4/2019, đã chỉ trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo Hiệp hội xăng dầu, việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng “chịu thiệt thòi hơn là được lợi” vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho Quỹ. Bên cạnh đó việc sử dụng Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.

“Bỏ quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN đầu mối”, Hiệp hội xăng dầu kiến nghị.

Tại buổi họp báo ngày 5/4, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề trong điều hành giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: “Cá nhân tôi không muốn có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và mong bỏ đi càng sớm càng tốt để cong ăn cong, thẳng ăn thẳng. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay vẫn cần quỹ, cần vai trò quản lý của Nhà nước”.

Khẳng định Quỹ BOG không phải tiền của nhà nước hay bất cứ doanh nghiệp nào, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận trong thời gian qua, với sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính trong điều hành quỹ này, hiệu quả đã được thể hiện rất tốt, nhất là trong các dịp "nhạy cảm" như trước và sau Tết, các kỳ nghỉ lễ… 

Vướng mắc lớn nhất trong vấn đề trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo giới chuyên gia kinh tế là ở hiện tượng thiếu minh bạch. Theo cơ chế hiện hành, bất kỳ trường hợp nào, dù kinh doanh lỗ hay lãi, doanh nghiệp đều phải trích một khoản tiền cố định từ 300-500 đồng/lít vào quỹ bình ổn.

quy-binh-on-gia-xang-dau-bo-hay-giu-cung-la-tien-cua-dan
Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Bỏ hay giữ lại?

Trong trường hợp lỗ, nguồn lực trích quỹ lấy ở đâu, từ nguồn vốn chủ sở hữu của DN hay ở tiền ứng trước mua xăng dầu của người dân? Việc quỹ bình ổn để lại trong doanh nghiệp cũng gây nhiều tranh cãi.

Nghiêng về phương án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng cần có cơ chế minh bạch, công khai việc sử dụng quỹ định kỳ hằng tháng. Quỹ bình ổn không để lại tại doanh nghiệp mà nên được quản lý tại Kho bạc Nhà nước. Mọi quyết định thu chi phải do Chính phủ hoặc bộ được ủy quyền quyết định trên cơ sở bảo đảm hạch toán kinh doanh của doanh nghiệp và lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Kết luận mới công bố gần đây Kiểm toán Nhà nước vẫn chỉ ra rằng, việc chi quỹ này còn nhiều bất cập. Cụ thể, khi giá cơ sở tăng so với kỳ điều hành giá trước đó, nhưng vẫn thực hiện trích và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Như vậy, với cách điều hành giá theo quy định hiện nay sẽ làm cho giá xăng dầu vẫn tăng sau khi thực hiện điều hành giá và thực tế nhiều doanh nghiệp đầu mối vẫn còn tồn quỹ với giá trị lớn sau khi điều chỉnh tăng.

Để khắc phục tình trạng trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị chỉ trích quỹ khi giá giảm để giá vẫn ổn định (bình ổn giá) và tạo nguồn cho quỹ; giá tăng không trích (để không làm tăng giá - đạt mục đích bình ổn giá) và sẽ dùng quỹ bình ổn để bù đắp; thiếu quỹ mới tăng giá.

Tuy nhiên, cũng cần phải cân đối mức chi sử dụng quỹ không nên ở mức quá cao, thời gian chi không nên kéo dài, vì điều này sẽ dẫn đến giá bán trong nước thoát ly với giá thế giới, nhanh cạn quỹ và khi đó buộc phải tăng giá. Hiện việc có nên tiếp tục duy trì quỹ này là một chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng ủng hộ việc bỏ quỹ, do ban đầu việc thành lập quỹ là để bình ổn giá vì người dân, nhưng không có đại diện của người dân trong điều hành, người dân không biết việc điều hành quỹ ra sao... Do đó, các ngành chức năng, cấp có thẩm quyền cần cân nhắc kỹ việc có nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sao cho hợp lý.

 

Khaisilk bán lụa Trung Quốc gắn mác hàng Việt: Tổng cục Quản lý thị trường nói trách nhiệm công an

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, vụ việc Khaisilk đã được chuyển sang cơ quan công an, trách nhiệm xử lý thuộc cơ quan công an.

 

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt điện thoại di động: Lo thu đủ nhưng chi đã đúng chưa?

Qua điểm của ngành tài chính là thu đúng, thu đủ nhưng nếu không tiết kiệm, chi sai chi không đúng thì dù tăng mức thu, mở rộng đối tượng thu bao nhiêu cũng không đủ.

 

Giá xăng dầu trong nước không theo kịp giá thế giới

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh sau kỳ điều hành ngày 2/5, trong khi đó người dân vẫn phải mua xăng với giá cao.