Quy hoạch 6.400km đường cao tốc đã lỗi thời, thu phí cao tốc để có tiền đầu tư

Thứ tư, 11/11/2020, 16:03 PM

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thế nói quy hoạch 6.400km đường cao tốc đã lỗi thời nên thu phí cao tốc cũng là để có nguồn đầu tư.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 6/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Báo Vnexpress thông tin, thu phí đường cao tốc là một nội dung trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Thảo luận tại tổ sáng nay (11/11), Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, một mục tiêu của việc này để đầu tư, phát triển hệ thống đường cao tốc.

Theo quy hoạch đường cao tốc hiện nay, Việt Nam sẽ có khoảng 6.400 km. Tuy nhiên, thực tế đến nay mới xây dựng được 1.200 km, tính thêm cả kế hoạch xây dựng và chuẩn bị khởi công, quy mô mới đạt được khoảng 2.000 km. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá quy hoạch này đã lạc hậu.

"Quy hoạch 6.400 km đường cao tốc đã lạc hậu, bởi khi đường cao tốc vận hành việc thu hút phát triển kinh tế sẽ rất nhanh. Nhiều địa phương đã kiến nghị điều chỉnh lại quy hoạch đường cao tốc, cần có các tuyến kết nối trung tâm tỉnh, trung tâm vùng kinh tế lớn để đáp ứng yêu cầu vận tải nhanh", Bộ trưởng nói và cho biết khả năng quy hoạch đường cao tốc sẽ lớn hơn con số 6.400km rất nhiều, có thể lên tới 10.000 km.

Với kinh phí lớn như thế, Bộ trưởng nói, ngân sách nhà nước sẽ không đủ khả năng đáp ứng, việc huy động vốn xã hội gặp khó khăn. "Vì thế, Chính phủ chủ trương đưa vào điều khoản thu phí đường cao tốc", Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, một lý do khác của việc thu phí là mục tiêu điều tiết lưu lượng giao thông. Như trường hợp cao tốc TP HCM - Trung Lương, Bộ trưởng Thể cho biết, sau khi dừng thu phí, việc quản lý tuyến đường này gặp nhiều khó khăn.

"Người dân tham gia giao thông 24/24, kể cả phương tiện không đảm bảo yêu cầu cũng tham gia. Khi có lực lượng chốt chặn, người dân chấp hành nghiêm, nhưng khi vắng bóng các phương tiện không đủ điều kiện lại đi lên đó, việc quản lý rất khó khăn", Bộ trưởng nói.

Vì tình trạng này, đường cao tốc thiết kế tốc độ di chuyển 100 km/h, nhưng thực tế vận tốc dòng xe chỉ đảm bảo 50-60 km/h, không đúng tiêu chuẩn. Việc thu phí được xem là giải pháp khắc phục tình trạng này và điều này cũng là lý do Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu thu phí lại đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

Một đoạn cao tốc Trung Lương - TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Một đoạn cao tốc Trung Lương - TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

"Chúng ta thu phí sẽ điều tiết được giao thông, tránh để đường cao tốc trở thành đường bình thường. Phương tiện nào cần thiết đi nhanh mới đi cao tốc, nếu không cần thiết, họ có thể đi trên đường quốc lộ", Bộ trưởng nói.

Cũng trên báo Vnexpress đăng tải, giữa tháng 8, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp phương án thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Nguyên tắc thu phí đường cao tốc đã được Bộ Giao thông Vận tải xác định là chỉ thu phí đối với tuyến cao tốc nối 2 điểm mà có đường quốc lộ song hành để người dân có quyền lựa chọn; việc thu phí thực hiện tại trạm thu phí trên cao tốc. Mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng cao tốc.

Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương dừng thu phí từ đầu năm 2019, được đánh giá là đã làm giảm hiệu quả đầu tư xây dựng. Sau khi dừng thu, lưu lượng phương tiện trên cao tốc này tăng đột biến, nhất là vào cuối tuần, gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến. Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thu phí phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc này.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2020, báo Vnespress thông tin rằng, mỗi km đường cao tốc cần 830 triệu đồng phí bảo trì mỗi năm, nhưng ngân sách nhà nước bố trí chỉ đáp ứng 35-40% nhu cầu tối thiểu.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, kinh phí bảo trì bình quân đối với các tuyến đường cao tốc do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý là 830 triệu đồng một km mỗi năm. Con số này gần gấp đôi phí bảo trì dành cho đường quốc lộ thông thường là 450 triệu đồng.

Tuy nhiên, vốn ngân sách nhà nước bố trí cho quản lý và bảo trì hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu. Điều này khiến chất lượng đường xuống cấp nhanh do không được bảo dưỡng, sửa chữa đầy đủ.

Việt Nam hiện có 16 tuyến cao tốc với chiều dài 968,7 km, mới đạt khoảng 15% so với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc 21 tuyến dài 6.411 km. Xây dựng đường cao tốc đòi hỏi lượng vốn rất lớn, cụ thể suất đầu tư mỗi km cao tốc 4 làn khoảng 130 tỷ đồng và 6 làn khoảng 190 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho rằng, thực trạng này là một trong những nguyên nhân cần thiết cho sự ra đời của Nghị quyết về phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư.

Bộ đang nghiêng về phương án bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào danh mục giá dịch vụ do Nhà nước định giá, thay vì phương án bổ sung khoản thu này vào phí sử dụng đường bộ. Quy định mới có thể giúp huy động kịp thời nguồn lực từ người sử dụng để đầu tư xây mới và bảo trì các tuyến đường.

"Trường hợp không tổ chức thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ sẽ có xu hướng tập trung di chuyển trên đường cao tốc", tờ trình của Bộ Tài chính gửi Chính phủ viết. Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng cao, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, giảm vận tốc lưu thông, hiệu quả khai thác đường cao tốc...

Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc được lợi bình quân 2.518 đồng mỗi km so với lưu thông trên quốc lộ song hành. Nếu mỗi xe phải nộp phí khoảng 1.000 đồng mỗi km thì chủ phương tiện vẫn hưởng lợi khoảng 1.500 đồng. Hệ thống đường cao tốc do nhà nước đầu tư có tổng chiều dài 196 km, tính theo mức này thì ngân sách mỗi năm thu khoảng 2.142 tỷ đồng.

Báo Vnexpress nêu rằng, tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng lo ngại việc thu phí theo Nghị quyết sắp tới dẫn đến phản ứng tiêu cực từ người dân cho rằng phí chồng phí. Bởi nhà nước đang thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện để bảo trì hệ thống đường bộ, còn doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường bộ cũng thu phí theo cơ chế giá để hoàn vốn đầu tư.

Bài liên quan